HOÀNG YẾN
Theo Thanh tra TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch hoạt động tại cơ quan, đơn vị mình quản lý theo quy định; niêm yết rõ ràng các quy định về thủ tục, trình tự, các loại giấy tờ cần thiết và thời gian giải quyết, trả kết quả, lịch tiếp công dân; công khai việc phân bổ dự toán của các cấp, các cơ quan và kết quả sử dụng kinh phí ngân sách, sử dụng tài sản, trang thiết bị, mua sắm trang thiết bị, việc sử dụng kinh phí tiết kiệm được trong cơ quan, đơn vị.
Thanh tra thành phố công bố Quyết định thanh tra trách nhiệm thủ trưởng tại UBND quận Ô Môn. Ảnh: Thanh tra thành phố cung cấp.
Việc ban hành các văn bản liên quan đến thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố được UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền theo pháp luật quy định. Ông Trần Anh Đức, Phó Chánh Thanh tra TP Cần Thơ, cho biết, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình. Qua đó, cán bộ, công chức, viên chức thành phố thực hiện nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ, chưa xảy ra trường hợp nào vi phạm các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát thủ tục không còn phù hợp, không cần thiết để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi hoặc ban hành mới cho phù hợp theo quy định; tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hệ thống một cửa điện tử, một cửa liên thông nhằm đảm bảo hoạt động của cơ quan minh bạch hơn; tăng cường ý thức trách nhiệm, năng lực, hiệu quả công tác cũng như biện pháp phòng, ngừa hành vi tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong quản lý, gửi nhận văn bản liên thông; sử dụng hộp thư điện tử hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, áp dụng quy trình giải quyết công việc hành chính theo hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, đạt kết quả tích cực.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng phần mềm vào công tác chuyên môn, góp phần tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Ông Lý Đạt Lợi, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, chia sẻ: “Sở quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc thuộc thẩm quyền của UBND thành phố giao, nhằm đảm bảo giải quyết kịp thời thấu đáo, thận trọng, khách quan, đúng pháp luật, phù hợp với thực tế sự việc”.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra quận Ô Môn triển khai thực hiện 3 cuộc thanh tra, đạt 60% số cuộc thanh tra theo kế hoạch đề ra. Trong đó, có 2 cuộc thanh tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đã hoàn thành 1 cuộc thanh tra, đang tiến hành 1 cuộc thanh tra. Bà Nguyễn Thị Ái Hoa, Chánh Thanh tra quận Ô Môn, cho biết: “Công tác thu thập thông tin, nắm tình hình phục vụ việc ban hành quyết định thanh tra được thực hiện khá tốt. Bên cạnh đó, trước khi ban hành quyết định thanh tra, thanh tra luôn quan tâm thực hiện tốt công tác thu thập thông tin, tài liệu, đúng trình tự thủ tục quy định, đảm bảo đạt mục đích, yêu cầu đề ra”.
Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng có tính chất đặc thù vì quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực trên phải tuân theo các thủ tục quy định chặt chẽ. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thí điểm dịch vụ công mức độ 3 (đăng ký và hẹn lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ) và xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng công tác thanh tra, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, yêu cầu ngành Thanh tra cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất của người đứng đầu, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý đơn; cập nhật đầy đủ, chính xác các vụ việc vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; thực hiện kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, cần niêm yết công khai địa chỉ, đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận các thông tin, phản ánh của người dân và doanh nghiệp; ngăn chặn kịp thời các vụ việc gây nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp...