07/04/2019 - 16:50

Tăng cường biện pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn ở ĐBSCL 

(CT)- Tại tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp về Biện pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL. Đại diện Sở NN&PTNT, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nhà khoa học thuộc các viện, trường trong khu vực tham dự.

Mô hình cánh đồng lớn ở TP Cần Thơ ứng dụng tiến bộ khoa học trong công tác làm đất, vệ sinh đồng ruộng và gieo sạ lúa.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, diễn giả đưa ra tiêu chuẩn canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu (BĐKH) tại vùng ĐBSCL là cần xác định được cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp, thích nghi BĐKH, trong đó cơ cấu giống lúa nên được hoạch định theo định hướng từng vùng, như: cơ cấu giống lúa cho vùng chịu mặn, giống lúa cho các tiểu vùng sinh thái, cơ cấu giống lúa chịu phèn mặn… Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng quan tâm công tác thủy lợi, nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa, ứng dụng cơ giới hóa, kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Diễn đàn cũng đưa ra một số vấn đề về dòng chảy, xu hướng mặn xâm nhập tại vùng ĐBSCL và giải pháp thích ứng; khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thích ứng vùng đất nhiễm mặn, phèn mặn và phương pháp bón phân cho cây lúa tại các vùng trên…

Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa thuận lợi, đảm bảo thắng lợi 2 vụ lúa trong năm. Khu vực có vùng chuyên canh lúa ở 30 huyện thuộc 8 tỉnh, thành như: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An và TP Cần Thơ. Các địa phương này được xem là vựa lúa của ĐBSCL và của cả nước, với sản lượng chiếm trên 50% tổng sản lượng lúa ĐBSCL, đóng góp 75% tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Đối với khu vực này, Nhà nước cần đầu tư thích đáng để hoàn thiện cơ sở phục vụ sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, thương mại, đạt cơ giới hóa 100%, liên kết liên doanh 100%, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất…

Để đảm bảo an ninh lương thực, đến năm 2030 cả nước phải giữ tối thiểu 3,2 triệu héc-ta diện tích đất sản xuất lúa, với diện tích gieo trồng 6 triệu héc-ta và năng suất bình quân 6 tấn/ha/vụ. Trong đó, phần lớn diện tích canh tác tập trung chủ yếu tại ĐBSCL. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu lúa gạo theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững. Sản xuất lúa gạo không chỉ đảm bảo an ninh lương thực về mặt lượng mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH…

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết