17/11/2014 - 09:09

Giảng viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ

Tâm huyết với nghiên cứu khoa học

Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế của Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (CĐCĐ&NNNB) dù chỉ mới thành lập từ năm 2012 nhưng công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) đã được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia và đạt được nhiều thành quả từ nhiều năm trước đó. Nổi bật trong công tác này, có Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Bích, đang đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế của trường.

Xác định nâng cao trình độ chuyên môn là nền tảng thúc đẩy NCKH, Ban Giám hiệu Trường CĐCĐ&NNNB luôn tạo điều kiện về thời gian và kinh phí thích hợp để các giáo viên thuận lợi tiếp cận cơ hội học tập. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên trường liên tục phát triển về số lượng và chất lượng. Năm 1978, trong số 43 giáo viên, chỉ có 3 giáo viên tốt nghiệp Đại học, 19 giáo viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp và 21 công nhân kỹ thuật. Đến nay, trường có 139 cán bộ, giáo viên, trong đó, có 2 tiến sĩ, 56 thạc sĩ và 73 giáo viên có trình độ đại học. Nhờ củng cố trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều đề tài NCKH của giáo viên lần lượt ra đời, đóng góp vào thực tiễn giảng dạy tại trường và sản xuất vùng ĐBSCL.

Cô Bích đang tiếp tục nghiên cứu, trồng thử nghiệm giống lúa Nhật Japonica, hướng đến xuất khẩu gạo chất lượng cao.

Trong 12 năm (2002-2014), trường nghiên cứu 85 đề tài trên nhiều lĩnh vực. Một số nghiên cứu gặt hái nhiều thành công như: Công trình nghiên cứu, thiết kế máy sạ hàng GLH-2800 của Khoa Cơ khí chế tạo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng giải thưởng "Bông lúa vàng" tại Hội chợ Nông nghiệp năm 2002 tổ chức tại Cần Thơ; máy sấy SLQ-2000, máy trục bùn TB-02, máy gặt xếp rải GXR-1200… được bà con nông dân chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Các đề tài NCKH: Tuyển chọn giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh cho tỉnh Bạc Liêu; Tuyển chọn và phát triển giống đậu phộng ngắn ngày cho tỉnh Trà Vinh… đóng góp trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp tình hình biến đổi khí hậu. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Nổi bật trong phong trào NCKH của giáo viên là Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế. Cô Bích là giáo viên tâm huyết với nghề, có trách nhiệm cao trong công việc, luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ. Cô còn là tấm gương vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiệt tình và say mê NCKH. Những nghiên cứu của cô Bích có tính thực tiễn cao".

Năm 2001, đang là cán bộ nghiên cứu của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cô Bích trúng tuyển đầu vào một chương trình du học có tài trợ học bổng ở Ấn Độ, khi đó con gái của cô mới hơn 2 tuổi. Hơn 2 năm sau, cô tốt nghiệp Thạc sĩ với đề tài nghiên cứu về phân loại nấm Newrospora. Năm 2009, ba năm từ khi về công tác tại Trường CĐCĐ&NNNB, cô tiếp tục giành được học bổng một dự án và sang Nhật học tiến sĩ. Khi sắp được bảo vệ luận án tốt nghiệp thì chương trình học gặp sự cố, khiến thời gian học kéo dài thêm 1 năm. Tuy nhiên, chi phí ăn, ở, học tập phát sinh không được dự án tiếp tục tài trợ. Cô Bích bị áp lực tâm lý nặng nề vì ở quê nhà, mẹ cô tuổi cao, sức yếu, anh trai bị bệnh, em trai thất nghiệp, con nhỏ đang học, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, cô cùng gia đình tìm mọi cách xoay xở và nhờ sự trợ giúp từ nhà trường, cô Bích hoàn thành khóa học và đạt huy chương vàng với đề tài: "Trích hoạt chất các loại cỏ để phòng trừ cỏ dại". Về nước tháng 9 năm 2013, cô được bổ nhiệm chức vụ Phó phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế và đến tháng 3 - 2014, được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Năm 2013-2014, cô Bích thực hiện 3 đề tài NCKH, trong đó có đề tài tận dụng chế phẩm sinh học giúp kích thích cây phát triển, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh trên cây khổ qua; phối hợp với 2 giảng viên khác thực hiện khảo sát đặc tính nông học của 9 giống lúa Japonica để tạo nguồn vật liệu lai và sẽ mở rộng sản xuất thử nghiệm giống lúa chất lượng cao này tại các tỉnh.

Để khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên, học sinh có thêm cơ hội tham gia NCKH, mỗi tháng, nhà trường tổ chức hội thảo báo cáo chuyên đề bằng tiếng Anh giúp giảng viên, học sinh nâng cao trình độ Anh văn. Đồng thời đưa thành tích học tập nâng cao trình độ và có công trình NCKH vào chấm điểm thi đua hàng tháng. Trường cấp kinh phí NCKH cho giáo viên và cán bộ quản lý hàng năm; khuyến khích các giáo viên tìm nguồn kinh phí phục vụ NCKH từ các cơ quan trung ương và địa phương. Bên cạnh việc thành lập các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành từng khoa, năm 2014, trường đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng các phòng thí nghiệm trung tâm, phục vụ NCKH cho giảng viên và sinh viên các lĩnh vực: sinh học phân tử, vi sinh, sinh hóa, nuôi cấy mô. Năm 2013, với sự hướng dẫn của giảng viên khoa thiết bị xe máy, sáng chế "Khóa cửa điện tử điều khiển bằng điện thoại di động" của sinh viên Nguyễn Minh Sang (lớp Công nghệ kỹ thuật ô tô khóa 3) đạt giải Nhất cấp thành phố tại cuộc thi Sáng tạo năm 2013. Hiện nay, trường có 3 cán bộ, giảng viên đang đi học nước ngoài. Còn tại trường, cô Bích phối hợp với tiến sĩ Hoàng Bắc Quốc, Viện Lúa ĐBSCL, thực hiện đề tài xây dựng mô hình cơ giới hóa sản xuất hoa lan ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Song song với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, phong trào NCKH luôn sôi nổi, trong đó có các cá nhân tiêu biểu như cô Bích, đem lại nhiều ứng dụng thực tiễn, giúp Trường CĐCĐ&NNNB thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, cung ứng lao động tay nghề cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng. Đây chính là nhân tố làm nên thương hiệu nhà trường.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết