14/10/2015 - 20:25

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP Cần Thơ

Tái cơ cấu, phát huy nội lực để phát triển bền vững

Với chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng (MHTT), kinh tế TP Cần Thơ những năm qua gặt hái được những thành tựu quan trọng. Song, dưới tác động của các yếu tố chủ quan lẫn khách quan, MHTT này bắt đầu bộc lộ những điểm yếu và mâu thuẫn cần sớm được khắc phục. Từ thực tế đó, TP Cần Thơ thực hiện Đề tài nghiên cứu "Chuyển đổi MHTT kinh tế TP Cần Thơ phù hợp với toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề tài). Theo đó, việc chuyển đổi MHTT của thành phố được xác định từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững.

Yêu cầu từ thực tiễn

Theo Ban chủ nhiệm Đề tài, sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi MHTT, nội lực của nền kinh tế TP Cần Thơ từng bước được củng cố, tăng trưởng theo chiều sâu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2014 đạt 12,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả; tăng dần tỷ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động. Đến cuối năm 2014, khu vực I chiếm 7,27% (giảm 4,3% so với năm 2011), khu vực II chiếm 35,79% (giảm 6,02%) và khu vực III chiếm 56,94% (tăng 10,32%). Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện và nâng cao, ước thực hiện thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 70,2 triệu đồng, tăng 21,3 triệu đồng so với năm 2011.

DNTN Cơ khí Sông Hậu là một trong những doanh nghiệp của TP Cần Thơ mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa máy móc, công nghệ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, cần phải nhìn nhận, sự tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ thời gian qua chủ yếu từ vốn và lao động. Trong khi đó, năng suất tổng hợp chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu GDP. MHTT kinh tế của thành phố đã bộc lộ những điểm yếu như: tăng trưởng chậm, ảnh hưởng môi trường, tiêu hao nguyên liệu lớn, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh yếu... Đơn cử, sau 10 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay, Cần Thơ vẫn chưa xác định được ngành công nghiệp mũi nhọn gắn với sản phẩm chủ lực đi kèm để có sự đầu tư đúng mức, trở thành trụ cột của nền kinh tế và có thể cạnh tranh các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế. Thời gian qua, thành phố huy động mọi nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng, song vẫn chưa đồng bộ và chưa thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi MHTT. Môi trường, cơ chế, chính sách đầu tư chưa thật sự thông thoáng để thu hút đầu tư thể hiện qua nguồn vốn FDI vào thành phố chậm. Đến năm 2014, tổng vốn đăng ký đạt 35,019 triệu USD, vốn thực hiện đạt 12,547 triệu USD, thấp nhất so với các thành phố trực thuộc Trung ương.

Xuất phát từ thực tế đó, việc đánh giá MHTT kinh tế hiện có, từ đó đề xuất giải pháp chuyển đổi MHTT phù hợp cho TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030 là cần thiết và đáp ứng yêu cầu phát triển từ thực tiễn. Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Duy Huân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, Chủ nhiệm Đề tài, đề xuất: "MHTT kinh tế phù hợp với TP Cần Thơ là chuyển từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang từng bước phát triển theo chiều sâu. Hướng đi này nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường, trên cơ sở sự tích hợp sử dụng hiệu quả 4 yếu tố nội sinh: tài nguyên thiên nhiên - lao động - vốn - tiến bộ công nghệ và 2 yếu tố bên ngoài: chính sách từ Chính phủ và nhu cầu xã hội (thị trường) trong từng thời kỳ".

Đi vào chiều sâu

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, MHTT kinh tế phù hợp với TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 là chuyển nhanh từ MHTT theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu để tạo cơ sở kinh tế-kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; giải quyết tốt từng bước mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; đến năm 2020 nằm trong tốp khá của vùng ĐBSCL. MHTT kinh tế tầm nhìn đến năm 2030 phát triển theo chiều sâu với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao trong cả nước; đạt mức dẫn đầu của vùng ĐBSCL, trong tốp đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tốp khá của cả nước vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu đề ra, TP Cần Thơ tập trung vào các nhóm giải pháp gồm: đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành sản xuất, dịch vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp thành phố và doanh nghiệp; phát huy lợi thế, chủ động phối hợp triển khai thực hiện các dự án đầu tư liên vùng; sử dụng hiệu quả các nguồn lực của thành phố... Tiến sĩ Trần Thanh Bé, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế-xã hội TP Cần Thơ, bày tỏ: "TP Cần Thơ có lợi thế là nhiều viện, trường đóng trên địa bàn. Do đó, thành phố nên đầu tư thỏa đáng hoặc có chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và xem đây là giải pháp đột phá để chuyển đổi MHTT kinh tế. Song song đó, cần chọn các giải pháp chiến lược để cải thiện các chỉ số như: tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng…". Thành phố tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, thông qua đa dạng hóa thị trường bán lẻ; nâng cao chất lượng dự báo thị trường, đổi mới xúc tiến thương mại...

Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho rằng: Những năm qua, xuất khẩu của thành phố chưa đạt được mục tiêu đề ra. TP Cần Thơ đang bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, thủy sản) lại đứng trước nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, rào cản thương mại... Chính vì vậy, TP Cần Thơ cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài để phát huy nội lực, tận dụng thời cơ từ hội nhập kinh tế quốc tế để ứng phó và từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế. "Việc chuyển đổi MHTT của thành phố đã hình thành "bộ khung". Tuy nhiên, để việc chuyển đổi diễn ra như mong muốn, lãnh đạo thành phố cần tăng cường chỉ đạo mọi hoạt động trong quá trình chuyển đổi, nhất là phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế về thu hút nhanh vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn FDI nhằm giải quyết nút thắt về phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị, phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất tổng hợp... tạo điều kiện để Cần Thơ tiếp tục khẳng định vị thế "Tây Đô" của vùng ĐBSCL"- Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Duy Huân nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết