02/12/2013 - 21:28

Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

(CT)- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững".

Đề án hướng đến mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững ở cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường; xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Theo đó, giá trị sản xuất thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 6%/năm. Trong đó, giá trị khai thác thủy sản tăng trưởng trên 3%/năm, nuôi trồng tăng trên 8%/năm, giá trị xuất khẩu tăng khoảng 6%/năm. Đề án tập trung vào việc nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển với mức thu nhập bình quân năm 2020 cao gấp 2,5 lần so với năm 2010. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đến năm 2020 có khoảng 70% cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản và 100% cơ sở xây dựng mới đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường…

Để đạt mục tiêu, đề án đề ra nhiều giải pháp đối với hoạt động sản xuất thủy sản: Việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần tổ chức lại công tác quản lý ngư trường, tàu cá, mùa vụ phù hợp với khả năng cho phép khai thác đối với từng vùng biển. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt đối với các hoạt động khai thác hủy diệt như: sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc… Hoạt động nuôi trồng thủy sản cần tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị; khuyến khích các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết theo hình thức các hợp tác xã, tổ hợp tác… để giúp đỡ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Về chế biến thủy sản, các địa phương cần rà soát quy hoạch các cơ sở chế biến thủy sản sao cho đảm bảo đạt tiêu chuẩn về an toàn môi trường; các cơ sở xây dựng mới phải được tập trung tại các cụm công nghiệp và phải xây dựng được vùng nguyên liệu. Đối với dịch vụ hậu cần nghề cá, cần thực hiện quy hoạch chi tiết, từng bước hình thành các Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm (Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang) và Trung tâm Phát triển thủy sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, tạo động lực phát triển thủy sản và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá nghề cá…

QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết