14/04/2010 - 14:57

Sửa đổi Bộ luật Lao động hạn chế tối đa các tranh chấp lao động dẫn đến đình công

Trong hai ngày 12 và 13-4, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về Chương “Giải quyết tranh chấp lao động” trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, từ đó tìm giải pháp nhằm hạn chế tối đa các tranh chấp lao động dẫn đến đình công.

* Còn nhiều băn khoăn về khái niệm

Trên phạm vi cả nước có đến 95% các cuộc đình công xảy ra đều sai luật và bất hợp pháp. Giáo sư Nguyễn Liên, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động cho rằng: “Nếu đã xác định như vậy thì tại sao lại yêu cầu tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động? Ở Việt Nam, người lao động tiến hành đình công chủ yếu vì tiền lương, tiền thưởng, điều kiện sinh hoạt... và chỉ diễn ra riêng lẻ ở một số doanh nghiệp. Trong khi Bộ luật Lao động hiện hành lại phân chia dạng đình công về quyền và đình công về lợi ích. Trên thực tế, hai khái niệm này có sự đan xen lẫn nhau”.

Công ty Cổ phần May Tây Đô thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động, công nhân an tâm làm việc. Ảnh: ANH DŨNG. 

Theo đại diện Sở LĐ - TB & XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Sau khi các bên hòa giải bất thành, đối với dạng đình công về lợi ích, tòa án khó thụ lý hồ sơ. Bởi lẽ, vấn đề tiền lương, tiền thưởng là sự thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, hơn nữa nếu đã xác định một cuộc đình công là trái pháp luật thì không thể tìm đâu ra người đại diện để tiến hành tố tụng.

Các đại biểu khác còn cho rằng, Dự thảo cần xác định lại rõ ràng, cụ thể các khái niệm “lãn công”, “ngừng việc tập thể”, “đình công”. Hiện nay, ngay cả đối với người làm công tác lao động vẫn đang còn tồn tại những cách hiểu khác nhau, huống gì đối với nguời lao động, dẫn đến khó thực thi Luật.

* Lập hòa giải viên cấp huyện để thực hiện có hiệu quả cơ chế hòa giải, thương lượng

Chủ trì buổi tọa đàm, ông Đặng Đức Sang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ - TB & XH) cho rằng: Vướng mắc hiện nay là tìm một cơ chế vừa để hạn chế nguy cơ xảy ra cũng như giải quyết các cuộc đình công theo đúng pháp luật và trong hòa bình, đảm bảo quyền lợi đối với người lao động và chủ doanh nghiệp. Từ các ý kiến của các đại biểu, ông Sang khẳng định: Hòa giải và thương lượng vẫn là cơ chế để giải quyết đình công. Đảm bảo cơ chế này đủ mạnh, cần làm rõ vấn đề tuyên truyền pháp luật lao động, bộ máy kiểm tra Nhà nước, khả năng cán bộ và việc tổ chức thực hiện.

Cũng theo ông Sang, trong cơ chế hòa giải, thương lượng, vai trò của trọng tài lao động, hòa giải viên là hết sức quan trọng. Do đó, Bộ LĐ - TB & XH sẽ tăng cường thanh tra lao động từ tỉnh, thành phố xuống quận, huyện. Tăng cường các cơ quan hỗ trợ mà cụ thể là lập hội đồng hòa giải cấp huyện, tạo cơ chế cả về mặt pháp lý và tài chính để họ an tâm làm việc. Hội đồng hòa giải đó, theo ông Đỗ Hải Hà, Giảng viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, cần đảm bảo tính trung lập, chuyên nghiệp và am hiểu pháp luật lao động. Tuy nhiên hiện nay, trên phạm vi cả nước cũng chỉ mới có 400 thanh tra viên lao động, là quá ít để có thể vừa làm công tác thanh tra vừa đóng vai trọng tài. Để Chương “Giải quyết tranh chấp lao động” nói riêng được hoàn thiện, có tính khả thi, theo ông Sang cần phải sửa đổi nhiều chương khác trong cùng Bộ luật Lao động và một số luật có liên quan, trong đó có Luật Thanh tra.

Hầu hết các ý kiến thống nhất không cần hòa giải viên cơ sở, nên lập hòa giải viên cấp huyện, “gộp” hai cấp hòa giải này lại cho tinh gọn và có hiệu quả vì cán bộ công đoàn cơ sở trong vai hòa giải viên đã không làm tròn trách nhiệm là đại diện quyền lợi cho người lao động khi xảy ra tranh chấp. Kiến nghị trên cũng chính là điểm mới trong Dự thảo chương “Giải quyết tranh chấp lao động”.

Đại diện Sở LĐ - TB & XH tỉnh Bình Dương cho rằng: Thủ tục quy định một cuộc đình công như hiện nay gồm quá nhiều bước, trong khi người lao động có những bức xúc cần giải quyết gấp. Vị đại diện này đưa ra mô hình: Thay hội đồng hòa giải cơ sở bằng hội đồng hòa giải cấp huyện, hội đồng này sẽ nhận yêu sách của người lao động để gửi lên chủ doanh nghiệp, trong trường hợp chủ doanh nghiệp không chịu thương lượng, mà có quá nửa số người lao động tán thành, thì sẽ đứng ra tổ chức đình công theo đúng quy định của pháp luật...

TRẦN XUÂN TÌNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết