15/04/2018 - 08:59

Sớm đưa Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh 

Mới đây, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ có buổi làm việc với Ban Soạn thảo Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025, nắm bắt tiến độ xây dựng đề án. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hoàn thành và trình phê duyệt đề án này trước ngày 30-6, nhằm sớm bắt tay xây dựng đô thị thông minh.

Chia giai đoạn thực hiện

Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025. UBND TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Nghị quyết, giao cho Tập đoàn VNPT xây dựng Đề án phát triển TP Cần Thơ trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025, sau khi có đề án Cần Thơ sẽ bắt tay xây dựng đô thị thông minh. 

Thời gian tới, Cần Thơ sẽ tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: ANH KHOA
Thời gian tới, Cần Thơ sẽ tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: ANH KHOA

 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm 2017, Sở đã phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức đoàn điều tra, khảo sát, đánh giá hạ tầng kỹ thuật, thu thập thông tin, số liệu tại các sở, ban ngành thành phố phục vụ xây dựng Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025. Đến nay, Tập đoàn VNPT đã dự thảo nội dung đề án lần 3 và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các sở, ngành thành phố xung quanh nội dung đề án này. 

Tập đoàn VNPT đánh giá Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng với quy mô không quá lớn, cơ sở hạ tầng đô thị đã và đang được phát triển tương đối đồng bộ, các vấn đề của đô thị chưa quá nghiêm trọng; Cần Thơ còn đang được quan tâm tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong nước và các nhà đầu tư; thành phố còn là địa phương luôn có chỉ số phát triển ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông nằm trong nhóm đầu cả nước… Đây là những thuận lợi trong triển khai xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn những hạn chế như: phương thức quản lý đô thị còn rời rạc, bị động, dự báo chưa hiệu quả, chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu; nhận dạng về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý thông minh hơn đáp ứng nhu cầu quản lý phát triển của từng ngành chưa đồng bộ. Mô hình tổ chức bộ máy chưa phù hợp với mô hình triển khai, vận hành quản lý đô thị theo phương thức mới; các cơ chế thực hiện mô hình hợp tác công tư trong các ngành, lĩnh vực còn chưa rõ ràng; số lượng các dịch vụ được tích hợp còn thấp, nhiều ứng dụng được cung cấp bởi nhiều đơn vị khác nhau, không kết nối liên thông, bị hạn chế khả năng tích hợp… Để triển khai đô thị thông minh, ngoài sự chủ động của chính quyền thì thành phố cần phải huy động được sự tham gia của mọi thành phần như người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội; đồng thời phải duy trì một nguồn lực công nghệ thông tin đủ mạnh để vận hành đô thị thông minh…

  Một số lĩnh vực trọng tâm trong xây dựng đô thị thông minh là chính quyền số, an toàn và an ninh, giao thông, quy hoạch đô thị và quản lý cơ sở hạ tầng, môi trường, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục…

Tập đoàn VNPT đề xuất lộ trình triển khai tổng quát của Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025 chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (2018-2020) thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung cho đô thị thông minh, triển khai xây dựng chính quyền số, các giải pháp thông minh trong quy hoạch đô thị; thành phố an toàn; triển khai các lĩnh vực thành phố có lợi thế (nông nghiệp, du lịch). Giai đoạn 2 (2021-2023) triển khai đồng bộ các giải pháp trên khung nền tảng dùng chung, mở rộng cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn. Giai đoạn 3 (2024-2025) các giải pháp thông minh được nâng cấp theo hướng ngày càng thông minh hơn và mở rộng ra các lĩnh vực khác của đời sống; nâng cao năng lực xử lý, lưu trữ, mức độ an toàn, bảo mật dữ liệu…

Quyết tâm hoàn thành sớm Đề án

Góp ý nội dung đề án, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ Dương Thế Dũng cho rằng: Giai đoạn 2018-2020 rất quan trọng, đây là thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện đề án và xây dựng đô thị thông minh. Giai đoạn này ngoài phê duyệt đề án còn tập trung xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chủ trương đầu tư và các dự án đầu tư cho giai đoạn tiếp theo, huy động nguồn lực xã hội đầu tư, cần xây dựng cơ chế hợp tác công - tư thì mới có thể triển khai các dự án xây dựng đô thị thông minh… 

Thành phố xây dựng đô thị thông minh, trong đó có lĩnh vực giao thông. Ảnh: ANH KHOA
Thành phố xây dựng đô thị thông minh, trong đó có lĩnh vực giao thông. Ảnh: ANH KHOA

 

Tại buổi làm việc với Ban Soạn thảo Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh lưu ý các sở, ngành thành phố và VNPT phải sớm hoàn thành và trình phê duyệt Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025, khi đó sẽ có các danh mục dự án triển khai thực hiện xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, trong tháng 5 tổ chức hội thảo giới thiệu nội dung đề án, lấy ý kiến đóng góp, sau đó VNPT hoàn chỉnh đề án và trình phê duyệt trước 30-6-2018. Ngoài ra, Ban Soạn thảo cũng phải rà soát các dự án Nhà nước đầu tư đã và đang triển khai, các dự án nhóm xã hội hóa, hợp phần 3 của dự án 3 (Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị), dự án của ngành công an lắp đặt camera đưa vào lộ trình triển khai giai đoạn 1…

Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng cường hiệu quả điều hành và quản trị đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh… Tập đoàn VNPT đề xuất các giải pháp thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến khích sự tham gia của người dân (Chương trình Công dân thông minh); xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, kiến tạo cho doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ đồng thời đảm bảo tính cập nhật, đồng bộ. Đồng thời, quy hoạch và đầu tư hạ tầng gắn với đô thị thông minh; thiết lập cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các giải pháp thông minh, khởi nghiệp với đô thị thông minh; tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn lực chất lượng cao; áp dụng linh hoạt các giải pháp tài chính để triển khai đô thị thông minh: ngân sách, vốn nước ngoài, hợp tác công-tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin... Khi các chương trình, giải pháp được triển khai đồng loạt với sự tham gia đầy đủ của cả hệ thống chính trị trong xây dựng đô thị thông minh, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho Cần Thơ trong tương lai.  

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết