“Hàng ngày, chúng tôi bị tra tấn bởi tiếng la hét, ồn ào, cự cãi, chửi thề... của các đối tượng đến cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) Tấn Hưng (số 99C, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Những âm thanh này càng dữ dội hơn vào lúc ban đêm, làm bà con xung quanh không ngủ được, nhất là người già, lớn tuổi, dẫn đến suy nhược thần kinh... Sự việc này, chúng tôi trình báo đến chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết”. Đó là nội dung phản ánh của nhiều hộ dân xung quanh CSCNMT Tấn Hưng.
Đến cai nghiện lại làm khổ người khác
Hẻm 99, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rộng khoảng 2m, dài khoảng 50m, là con hẻm cùng, trong hẻm có 5 hộ sinh sống. Trong 5 hộ dân này có 1 hộ sử dụng nhà ở làm CSCNMT. Đó là CSCNMT Tấn Hưng được xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 7 năm nay.
Theo nhiều người dân xung quanh, từ khi CSCNMT Tấn Hưng hoạt động, người dân trong xóm thường xuyên bị tra tấn bởi tiếng ồn quá mức, do các bệnh nhân đến đây cai nghiện la hét, quậy phá... Ban đêm, từ khoảng 23 giờ đến 4 giờ sáng, các đối tượng cai nghiện ma túy tập trung đánh bài, nói chuyện ồn ào, chửi thề hoặc mở nhạc với công suất lớn, khiến bà con xung quanh ngủ không được. Thậm chí, khi đói, các đối tượng cai nghiện cũng la hét đòi phục vụ ăn uống, khi lên cơn nghiện thuốc thì đập cửa phòng đòi ra ngoài... Những âm thanh ồn ào này liên tục phát ra làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe của bà con xung quanh.
 |
Cơ sở cai nghiện ma túy Tấn Hưng ở hẻm 99, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. |
Bà Thái Thị Bích, nhà số 99B, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, sát bên CSCNMT Tấn Hưng, cho biết: “Các đối tượng đến đây cai nghiện ma túy hầu như không ngủ vào ban đêm và họ thường xuyên la hét, gây mất trật tự địa phương. Hơn 5 năm nay, gia đình tôi phải chịu đựng những âm thanh ồn ào từ CSCNMT Tấn Hưng phát ra, nhất là ba tôi trên 80 tuổi không có được giấc ngủ bình yên. Còn ở sân nhà tôi, nơi tiếp giáp với CSCNMT Tấn Hưng, thỉnh thoảng xuất hiện một vài ống chích nằm bừa bãi dưới sân. Tôi không hiểu vì sao có ống chích, kim tiêm rớt sang sân nhà tôi, trong khi đây là cơ sở cai nghiện ma túy? Còn các đối tượng đến thăm người cai nghiện thường xuyên ra vào hẻm, gây ồn ào, mất an ninh trật tự địa phương... Những việc này, chúng tôi có trình báo đến chính quyền địa phương. Rất mong các ngành chức năng TP Cần Thơ có biện pháp can thiệp hoặc di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư để người dân có giấc ngủ được yên lành”.
Ông Biện Văn Sơn, nhà số 97, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, cho biết thêm: “Các đối tượng nghiện ma túy vào CSCNMT Tấn Hưng thường điều trị lưu trú khoảng 7 đến 10 ngày. Khi lên cơn nghiện thì họ la hét, đập phá; khi hết cơn nghiện thì họ ca hát, đánh bài, chửi thề... gây ồn ào cả khu vực. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng thành phố sớm can thiệp để khắc phục tình trạng này. Bởi bà con nơi đây đã khổ sở hơn mấy năm nay”.
Hoạt động trong khu dân cư có phù hợp?
CSCNMT Tấn Hưng được thành lập và đưa vào hoạt động năm 2002, do bác sĩ Võ Tấn Hưng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học Dân tộc Cần Thơ, hiện nay là Chủ tịch Hội Đông y TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội châm cứu TP Cần Thơ) làm chủ cơ sở. Đơn vị trực tiếp quản lý cơ sở này là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ. Những năm đầu hoạt động, cơ sở được Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cấp phép hành nghề điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy. Đến ngày 14-3-2007, Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp cấp phép hoạt động cai nghiện ma túy cho cơ sở (Giấy phép số 04/BLĐTBXH-GPHĐCNMT) với ngành nghề hoạt động như trên. Giấy phép này có hiệu lực từ ngày 14-3-2007 đến ngày 14-3-2012.
Trước đó, ngày 30-3-2005, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề về điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy ở CSCNMT Tấn Hưng. Giấy chứng nhận này có giá trị từ ngày 1-4-2005 đến ngày 1-4-2010. Ngày 12-10-2006, UBND TP Cần Thơ ban hành Công văn số 4013/UBND-VX chấp thuận đề nghị của Sở LĐ-TB&XH thành phố về việc cho phép thành lập CSCNMT Tấn Hưng và yêu cầu Sở LĐ-TB&XH lập các thủ tục xin phép Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động đúng theo quy định hiện hành...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân xung quanh CSCNMT Tấn Hưng liên tục gửi đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương về tình trạng gây tiếng ồn quá mức, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở CSCNMT này. Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều, vào tháng 8-2007, Ban Nhân dân khu vực 5, phường An Cư nhận được đơn khiếu nại của một số hộ dân trong hẻm 99 phản ánh về việc CSCNMT Tấn Hưng để đối tượng cai nghiện la hét, quậy phá, gây tiếng ồn quá mức trong khu dân cư. Ban Nhân dân khu vực 5 đã mời chủ cơ sở đến làm việc. Bác sĩ Võ Tấn Hưng, chủ cơ sở, cam kết khắc phục tình trạng này bằng cách không cho bệnh nhân thức khuya đánh bài, gây ồn ào... ảnh hưởng đến bà con xung quanh. Thế nhưng, đến tháng 10-2007, các hộ dân ở xung quanh CSCNMT Tấn Hưng tiếp tục gởi đơn khiếu nại đến UBND phường An Cư về tình trạng nêu trên. Sau khi các ngành chức năng phường (Trạm Y tế, Công an phường An Cư) làm việc với chủ cơ sở, bác sĩ Võ Tấn Hưng cũng cam kết khắc phục tình trạng la hét, gây ồn ào... của các đối tượng cai nghiện. Đến ngày 18-2-2008, 6 hộ dân xung quanh CSCNMT Tấn Hưng vẫn tiếp tục khiếu nại đến cơ quan thông tin đại chúng, nhờ lên tiếng để các ngành chức năng TP Cần Thơ can thiệp, ngăn chặn tình trạng ồn ào, gây ô nhiễm môi trường... của CSCNMT Tấn Hưng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Tấn Hưng, chủ CSCNMT Tấn Hưng, cho biết: “Hiện nay, cơ sở có 20 phòng lưu trú bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân điều trị cắt cơn nghiện lưu trú tại đây từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, trong thời gian lưu trú cắt cơn, các đối tượng cai nghiện gây ồn ào như kêu lớn tiếng khi đòi ăn hay giải trí bằng cách chơi đánh bài, nói chuyện lớn tiếng. Nhân viên của cơ sở thường xuyên túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn tình trạng các bệnh nhân cười giỡn, la hét, nói chuyện lớn tiếng, nhưng đôi khi không tránh khỏi ồn ào, rất mong bà con thông cảm. Còn về việc thân nhân hay bạn bè của bệnh nhân đến thăm gây ồn ào thì không có, vì chúng tôi nghiêm cấm việc này nhằm đề phòng người nhà, người quen mang chất gây nghiện lén lút đưa vào cho bệnh nhân. Hằng tháng, hằng quí, các ngành chức năng TP Cần Thơ kiểm tra đột xuất về phương pháp điều trị, điều kiện vật chất của cơ sở. Chúng tôi cố gắng hạn chế thấp nhất tiếng ồn gây ảnh hưởng đến bà con xung quanh”.
Bà Lâm Nhật Phượng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Sở chưa nhận được phản ánh của người dân về việc CSCNMT Tấn Hưng gây ồn ào, mất an ninh trật tự ở địa phương. Tuy nhiên, Sở sẽ kết hợp cùng Công an thành phố, Sở Y tế và chính quyền địa phương kiểm tra lại cơ sở vật chất, phương pháp điều trị cắt cơn nghiện... của CSCNMT Tấn Hưng. Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ sở khắc phục tình trạng ồn ào, ảnh hưởng đến đời sống bà con xung quanh”. Cũng theo bà Lâm Nhật Phượng, hiện nay CSCNMT Tấn Hưng đang xin phép mở cơ sở 2 ở quận Bình Thủy. Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đang xem xét đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cấp phép. Khi cơ sở 2 đưa vào hoạt động, Sở sẽ đề nghị CSCNMT Tấn Hưng di dời những đối tượng có dấu hiệu gây rối đến đây điều trị, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng mất an ninh trật tự ở hẻm 99, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Điều trị cai nghiện ma túy là hoạt động thiết thực, giúp người nghiện trở lại cuộc sống bình thường, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, nếu hoạt động này ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân xung quanh là không nên. Nếu không khắc phục được thì việc di dời CSCNMT Tấn Hưng ra khỏi khu dân cư để hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự ở hẻm 99, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là cần thiết, nhằm trả lại cuộc sống yên bình cho người dân ở nơi đây. Đó là mong muốn chính đáng của người dân địa phương, cần được các ngành chức năng sớm xem xét, giải quyết.
Bài, ảnh: HÀ VĂN