06/04/2024 - 11:39

Số hóa hoạt động của Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo TP Cần Thơ 

Với lực lượng võ sinh đăng ký theo học Vovinam ngày càng đông và phong trào lan rộng khắp 9 quận huyện, Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo TP Cần Thơ đã ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hồ sơ võ sinh, tổ chức các giải đấu thuận tiện hơn. Quá trình số hóa thông tin được thực hiện ngay từ khi võ sinh vượt qua kỳ thi thăng cấp sơ đẳng do Liên đoàn tổ chức, giúp theo dõi và tra cứu nhanh quá trình phát triển của võ sinh, cũng như đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn khi tham dự các kỳ thi thăng cấp chính xác, công bằng.

Tiết kiệm thời gian và chi phí

Trung tuần tháng 1-2024, Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo TP Cần Thơ phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh quận Bình Thủy tổ chức khóa thi thăng cấp Vovinam - Việt Võ Đạo quận Bình Thủy lần I năm 2024 tại Trường THCS Trà An. Có 130 võ sinh của 4 CLB Vovinam trên địa bàn quận Bình Thủy tham gia thi thăng 4 cấp sơ đẳng là lam đai, lam đai nhất, lam đai nhị và lam đai tam. Có 2 phần thi dành cho các võ sinh là võ luật, võ đạo (trắc nghiệm lý thuyết) và thực hành các nội dung thi song luyện, quyền, căn bản và đòn chân tấn công. Ngoài Hội đồng giám khảo kỳ thi gồm các võ sư do Liên đoàn đề cử, còn có thư ký phụ trách nhập liệu điểm số của võ sinh vào máy vi tính. Việc tổng hợp kết quả nhờ vậy diễn ra nhanh chóng ngay sau khi võ sinh kết thúc phần thi. Kết quả 100% võ sinh dự thi đạt yêu cầu thăng cấp sơ đẳng được công bố ngay sau võ sinh cuối cùng hoàn thành phần thi.

Đại lão võ sư Nguyễn Hữu Hạnh (thứ hai từ phải qua), võ sư Võ Hữu Lý (trái) và võ sư Từ Thanh Phong (phải) trao đai danh dự cho võ sinh tại khóa thi thăng cấp quận Bình Thủy vào tháng 1-2024.

Võ sư Từ Thanh Phong, Phó Chủ tịch Liên đoàn, cho biết: “Việc ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ võ sinh của Liên đoàn được thực hiện từ khoảng năm 2008 đến nay. Không chỉ ở các kỳ thi thăng đẳng, Liên đoàn còn ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sắp xếp lịch thi đấu, bốc thăm trong công tác tổ chức giải”. Tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thông tin, võ sư Từ Thanh Phong thuận lợi vận dụng những phần mềm quản lý vào công tác số hóa hoạt động của Liên đoàn. Với hồ sơ, danh sách võ sinh hay việc đăng ký, thiết kế pool, chia bảng, xếp lịch thi đấu… các giải của Liên đoàn, võ sư Từ Thanh Phong sử dụng ứng dụng bảng tính hoặc các phần mềm để thực hiện. Liên đoàn sử dụng những phần mềm, ứng dụng được miễn phí, không thuê viết phần mềm riêng, nhằm giảm chi phí, ít tốn kém, nhưng đạt hiệu quả, yêu cầu đặt ra.

Góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển môn phái

Tiền thân là Hội Vovinam tỉnh Hậu Giang hoạt động từ trước năm 1992 qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đến năm 2012, Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo trực thuộc UBND TP Cần Thơ chính thức được thành lập. Quá trình từ hội đi đến liên đoàn là bước phát triển tích cực về mặt phong trào thể thao quần chúng. Từ giai đoạn 2012 chỉ có hơn 20 CLB nằm rải rác ở vài quận, huyện, đến nay phong trào Vovinam đã phủ khắp địa bàn thành phố, với 65 CLB sinh hoạt thường xuyên. Đặc biệt, tại nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, một số sở, ban, ngành ở khu vực trung tâm thành phố, Liên đoàn đã liên kết để cử HLV, võ sư đến giảng dạy. Liên đoàn cũng đang xây dựng kế hoạch liên tịch với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố mở lớp võ thuật chiến đấu trong lực lượng vũ trang.

Thời gian qua, Ban chấp hành Liên đoàn chỉ đạo các hội, chi hội, bộ môn Vovinam các quận, huyện xây dựng và mở các lớp dạy Vovinam đến những xã, phường chưa có phong trào. Hiện tại, huyện phong Điền đã đưa phong trào Vovinam phủ khắp các xã, các trường học. Võ sư Võ Hữu Lý, Chủ tịch Liên đoàn, phấn khởi nói: “Phong trào phát triển mạnh một phần là nhờ sự năng động của các HLV, võ sư trẻ. Ví như ở quận Ninh Kiều, trước đây chỉ có 1-2 CLB, nhưng đến nay đã có 7 CLB. Hay huyện Vĩnh Thạnh, quận Cái Răng trước đây không có, giờ đang phát triển mạnh với sự năng nổ của các HLV”. Năm 2012, Liên đoàn chỉ có khoảng 6-7 võ sư, nhưng giờ đây lực lượng võ sư của Cần Thơ đã lên đến 60 người. Nhiều võ sư là HLV, VĐV trong đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games và giải thế giới. Ngoài ra, Liên đoàn có 2 võ sư là trọng tài quốc tế. Đặc biệt, ở Cần Thơ còn có những võ sư kỳ cựu được Ban chấp hành Liên đoàn mời làm cố vấn để tham mưu những kinh nghiệm, kế hoạch, định hướng phát triển môn phái.

Với sự lớn mạnh của Liên đoàn, việc thực hiện công tác quản lý nhân sự, lực lượng võ sinh không hề đơn giản nếu không được số hóa. Võ sư Võ Hữu Lý cho biết: Ban đầu từ Hội chuyển thành Liên đoàn năm 2012, tất cả báo cáo, kế hoạch, định hướng đều được thực hiện trên giấy, đánh máy hoặc viết tay. Sau này, khi Ban chấp hành mới được thành lập với lực lượng võ sư là những thạc sĩ, cử nhân có trình độ công nghệ thông tin tốt như võ sư Từ Thanh Phong, võ sư Lâm Trí Linh, Tổng thư ký Liên đoàn, thì Liên đoàn chuyển qua quản lý bằng vi tính, số hóa hồ sơ, danh sách môn sinh.

Theo phân cấp của môn phái Vovinam, các khóa thi sơ đẳng do Liên đoàn địa phương quản lý, chịu trách nhiệm cấp đai; còn từ cấp trung đẳng và cao đẳng là do Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Hội đồng võ sư chưởng quản môn phái, quản lý. Ở Cần Thơ, số lượng môn sinh Vovinam đạt cấp trung và cao đẳng ít hơn nhiều so với cấp sơ đẳng. Vì vậy, việc quản lý hồ sơ của võ sinh cấp sơ đẳng đòi hỏi Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo TP Cần Thơ phải cẩn trọng, tránh bị thất lạc hay sai sót. Theo báo cáo của Liên đoàn, năm 2023, toàn thành phố có 6.140 võ sinh tham gia tập luyện tại 65 CLB ở 9 quận, huyện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang. Mục tiêu của Liên đoàn là nâng lên 6.200 võ sinh tham gia tập luyện tại các CLB trong thời gian tới. Theo kế hoạch, mỗi năm, Liên đoàn sẽ tổ chức 2 kỳ thi thăng cấp sơ đẳng với hơn 2.000 võ sinh tham gia ở các đơn vị, quận, huyện. Võ sư Võ Hữu Lý cho biết: “Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên đoàn phụ trách mảng này quản lý bằng cách đưa danh sách lên máy tính, có tên, có số. Mỗi một cấp thi như lam đai nhất lên lam đai nhị thì không cần trình thông tin cũ mà chỉ cần gõ lên máy tính là biết có đủ niên hạn để thi hay không. Liên đoàn Vovinam Việt Nam cũng quản lý bằng cách đó, mình cũng quản lý tương tự, không có sai về niên hạn hay không chính xác về đẳng cấp”.

Theo quy định môn phái, võ sinh được tính niên hạn (thời gian đủ để thi thăng cấp) bắt đầu từ khi được cấp đai đầu tiên, tức là thi đạt lam đai. Còn võ sinh mới vào CLB học võ thì HLV chỉ theo dõi và chưa tính niên hạn võ sinh. Việc quản lý võ sinh chủ yếu là ngày tháng năm sinh, đai đẳng, niên hạn, lứa tuổi, bởi theo quy định, võ sinh phải đủ niên hạn và đủ tuổi thì mới thi thăng cấp. Ví dụ, 15 tuổi thì mới được thi hoàng đai nhất, còn chưa tới tuổi này chỉ thi hoàng đai thiếu nhi (đai vàng có viền xanh); 25 tuổi mới thi cao đẳng (võ sư). Niên hạn tuổi, niên hạn đai, chuẩn đứng huấn luyện, đứng giảng dạy, tập luyện... đều được nhập liệu trên máy tính để Liên đoàn quản lý, tra cứu khi cần thiết.

Qua nghiên cứu, học hỏi một số đơn vị, võ sư Võ Hữu Lý cho biết sắp tới Liên đoàn sẽ chuyển đổi thêm một bước nữa trong việc quản lý võ sinh là mã hóa bằng mã định danh, với mỗi môn sinh sẽ có một mã số riêng. Điều này sẽ thuận lợi hơn khi trình danh sách lên Liên đoàn Vovinam Việt Nam quản lý.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết