25/05/2019 - 19:54

Giáo dục mầm non, phổ thông ở ĐBSCL

Sắp xếp, tinh giản phải đi đôi với tăng cường đầu tư 

Sau nhiều năm nhìn lại, giáo dục ĐBSCL đã có một bước tiến đáng kể, nhưng nếu so với các vùng miền khác thì vẫn còn một khoảng cách nhất định và nhiều chỉ số còn thấp hơn trung bình chung của cả nước. Ngày 25-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Tại Hội nghị này, các đại biểu tập trung phân tích những khó khăn của giáo dục ĐBSCL hiện nay; đặc biệt, khi thực hiện đề án sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non (MN), phổ thông. Do đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh giản không thể thực hiện một cách cơ học; đồng thời phải đi đôi với tăng cường đầu tư, đảm bảo nguồn lực cho phát triển.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Vẫn thiếu thốn trăm bề

Diện mạo giáo dục MN, phổ thông của ĐBSCL hiện rõ qua những con số: toàn vùng có 2.029 trường MN, trong đó có khoảng 900 trường có điểm lẻ; trong 3.101 trường tiểu học, có 1.178 trường có điểm lẻ; 10% trong tổng số 1.407 trường THCS có điểm lẻ... Tỷ lệ phòng/ lớp, phòng học kiên cố, thiết bị dạy học ở các bậc học của ĐBSCL đều thấp hơn so với mức bình quân cả nước. Đáng quan ngại là ở bậc MN, tỷ lệ phòng học/ lớp bình quân cả nước là 0,96 phòng, trong khi ở ĐBSCL là 0,94 và thấp nhất là Cà Mau, chỉ có 0,68 phòng/ lớp. Tỷ lệ phòng học kiên cố bình quân cả nước là 62,5% tổng số phòng học hiện có; trong khi  ĐBSCL chỉ đạt 52,7%, thấp nhất là các tỉnh: Sóc Trăng (18,2%); Cà Mau (20,5%); Hậu Giang (36,6%). Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, để các cấp học MN, phổ thông của vùng có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt mức bình quân chung của cả nước, cần đầu tư bổ sung xây mới khoảng 3.300 phòng học cho MN, tiểu học; cải tạo, nâng cấp khoảng 8.550 phòng học...

Không chỉ thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo dục ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Cụ thể, bậc MN thiếu 11.637 giáo viên; tiểu học thiếu 2.583 giáo viên nhưng lại thừa 1.686 giáo viên; bậc THCS và  THPT cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh: “ĐBSCL cần giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các bậc học và các địa phương, mới có thể đảm bảo huy động học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Tỷ lệ huy động trẻ MN đến trường của vùng chỉ đạt 53,2%, tỷ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày đạt 92%... đều thấp hơn bình quân chung cả nước.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nhìn nhận, so với trước đây, mạng lưới trường lớp của thành phố đã phát triển vượt bậc, nhưng quy mô trường, lớp học của một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương.  “Nhiều cơ sở giáo dục có nhiều điểm lẻ nên việc bố trí phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy học dàn trải; việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên tại các điểm trường còn khó khăn; hiệu quả dạy và học ở các điểm trường không cao”- bà Thắm nói.

Các bé Trường Mầm non Thốt Nốt trong giờ hoạt động.

Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng,.. là những tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất. Chỉ tính bậc MN, Trà Vinh thiếu 1.421 giáo viên,  An Giang thiếu 1.228 giáo viên, Sóc Trăng thiếu 1.292 giáo viên và Hậu Giang thiếu 730 giáo viên. Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hầu hết các chỉ số liên quan đến quy mô, đội ngũ nhà giáo, huy động học sinh ra lớp, ngân sách chi giáo dục… của tỉnh đều thấp hơn so với bình quân cả nước”.

Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp

Theo đề án sắp xếp lại các cơ sở giáo dục MN, phổ thông giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập;… Trên cơ sở này, 13 tỉnh, thành của vùng đều đã có động thái triển khai, nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Từ báo cáo của 13 tỉnh thành, sau thời gian thực hiện rà soát, sắp xếp lại các điểm trường lẻ, tổ chức lại các cơ sở giáo dục MN, phổ thông, dự kiến đến năm 2020, tổng số trường sẽ giảm 2,1%; tổng số điểm trường giảm 9,4%;… Điều này cho thấy, nếu chỉ đặt ra mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị so với năm 2018 của các tỉnh trong vùng là không khả thi đối với ngành giáo dục.

Các đại biểu cho rằng, phải đặt ra mục tiêu là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các đơn vị, giúp giảm các đầu mối quản lý, giảm biên chế. Để nâng cao hiệu quả giáo dục MN, phổ thông cho vùng, bộ ngành nên giao quyền tự chủ đi đôi với tăng cường đầu tư nguồn lực cho các địa phương.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, việc tinh giản biên chế giáo viên, không nên giảm theo số cơ học là 10%. Đồng Tháp hiện còn thiếu trên 1.100 giáo viên, nhất là MN thiếu hơn 850 giáo viên, sẽ rất khó khăn khi thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu. Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Trung ương cần có cơ chế đặc thù riêng cho giáo dục ĐBSCL. Trong đó, ở bậc MN không nên giảm mà còn phải bổ sung biên chế giáo viên, vì công việc vất vả, lương thấp.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề nghị, Bộ GD&ĐT cần đánh giá lại toàn diện vùng ĐBSCL để có hướng tham mưu Trung ương đầu tư phù hợp hơn. Bởi thực tế, 13 tỉnh, thành của vùng chỉ có 2-3 địa phương tự chủ ngân sách; số còn lại, trong đó có tỉnh An Giang, cần sự trợ giúp của Trung ương. Ông Bình nói: “GD&ĐT nên có đề án riêng, không nằm chung đề án của ngành nội vụ. Nói cách khác, ngành nội vụ nên tách việc tinh giản biên chế giáo viên theo đề án riêng, không giảm 10% theo con số cơ học như hiện nay, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục”. Tỉnh An Giang đề xuất, giai đoạn  2021-2025 về đề án kiên cố hóa trường lớp, nên ưu tiên cho ĐBSCL; đầu tư không cào bằng mà phù hợp thực tế địa phương.

Một vấn đề khác khi thực hiện rà soát, sắp xếp lại bộ máy là vẫn chưa có chính sách tài chính rõ ràng cho đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện sắp xếp các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, hình thành các trường liên cấp; ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất ngành giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu hiệu quả. Việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, giảm số điểm trường lẻ phát sinh nhu cầu đầu tư mở rộng trường chính, gây áp lực cho việc đầu tư của địa phương. Các tỉnh: Long An, Sóc Trăng,... đã rơi vào tình trạng này. Bà Trần Hồng Thắm nói: “Khi dồn ghép các điểm lẻ vào trường chính thì sĩ số các lớp ở điểm trường chính sẽ tăng cao, gây quá tải; quỹ đất mở rộng điểm trường chính cũng rất khó khăn, phức tạp”.

***

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến để làm việc với các bộ ngành liên quan, chọn những đề xuất cấp bách, có tính đặc thù, khả thi dựa trên những luận cứ thuyết phục, trước khi tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời tiếp tục rà soát chính sách, tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định sát với thực tế; những vấn đề rộng, có tính chất vùng sẽ cân nhắc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về GD&ĐT cho khu vực ĐBSCL… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị: Các địa phương tăng tỷ lệ ngân sách địa phương chi cho giáo dục, bởi thực tế việc chi cho giáo dục trong tổng chi ngân sách hiện nay của ĐBSCL thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đặc biệt chi đầu tư phát triển trường lớp, thiết bị; xem xét lại cơ cấu chi cho giáo dục, cơ cấu chi ở từng cấp học, tăng cho MN. Hơn hết, các địa phương cần nỗ lực tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, cố gắng chống tái mù, nâng tỷ lệ người biết chữ, phổ cập, ổn định phổ cập. Hướng đến mục tiêu lớn nhấn là hoàn thành sự nghiệp lấp trũng, vun cao cho GD&ĐT vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: Bích Ngọc

Chia sẻ bài viết