14/07/2010 - 22:13

KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG (15/7/1950-15/7/2010)

Sáng mãi tinh thần "xung phong"

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, có biết bao đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân. Trong đó, có bao thế hệ thanh niên đã cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân, dũng cảm đương đầu với bom đạn để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Khi hòa bình lập lại, đây cũng là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Nay dù tuổi cao, sức yếu nhưng với tinh thần “mãi xung phong”, họ vẫn tiếp tục mang ngọn lửa cách mạng truyền cho bao thế hệ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP, chúng tôi giới thiệu hai trong số rất nhiều cựu TNXP như thế…

1. Chúng tôi đến nhà cô Trần Thị Tuyết Hồng, ở khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy vào ngày Chủ nhật. Trong căn nhà khang trang còn thơm mùi vôi mới, cô Hồng đang chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà. Nhìn người phụ nữ tuổi gần 60 với dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh này, ít ai ngờ đây là một trong những nữ TNXP đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường 1C huyền thoại năm xưa.

Năm 1967, khi vừa tròn 15 tuổi, cùng với hàng chục vạn thanh niên yêu nước trên cả nước, cô gái Trần Thị Tuyết Hồng rời quê nhà - xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau - tham gia vào Liên đội 1 TNXP, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường 1C (từ biên giới Campuchia qua rừng tràm Hà Tiên đến Cà Mau). Cô Hồng tâm sự: “Sinh ra trong gia đình cả cha mẹ đều là bộ đội, từ nhỏ tôi luôn mong ước được nối bước cha mẹ. Khi tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP, dù trải qua bao gian nan, ác liệt nhưng tôi và đồng đội luôn tin tưởng sẽ đến ngày chiến thắng...”. Không thể kể hết bao hy sinh, gian khổ mà cô cùng đồng đội đã nếm trải để bảo đảm tiếp tế kịp thời vũ khí, lương thực, thuốc men phục vụ chiến trường và bảo vệ, đưa cán bộ, thương binh đến nơi an toàn. Cô bồi hồi nhớ lại: “Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị cô lúc bấy giờ là vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường, đưa rước cán bộ, bộ đội chủ lực, khi cần các cô cũng sẵn sàng chiến đấu như những bộ đội thực thụ... Có những đợt hành quân mười mấy ngày liền trong rừng mà không còn lương thực, cô và đồng đội chỉ ăn tạm rau rừng, lá cây cầm hơi nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Với dã tâm cắt đứt con đường vận chuyển tiếp tế cho bộ đội ở các chiến trường, địch tập trung đánh phá tuyến đường 1 C rất ác liệt, nhưng người này ngã xuống, người khác lại bước tiếp...”. Cô ngậm ngùi nhắc đến bao đồng đội thân thương đã vĩnh viễn nằm lại trên đường hoặc do bom đạn thù hoặc do thiếu lương thực, thuốc men...

Năm 1971, do yêu cầu công tác, cô chuyển sang học y tá và phục vụ trong ngành quân y cho đến ngày giải phóng. Tại đây, cô đã gặp “một nửa” của đời mình là y sĩ Nguyễn Hữu Sơn, người đồng đội từng đồng cam, cộng khổ trước đây. Đám cưới của cô được tổ chức trong rừng, tuy giản dị nhưng đầm ấm, với sự chứng kiến của đông đảo bạn bè, đồng đội. Làm việc với cường độ cao, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiếu thốn đủ thứ, nhưng với nhiệt tình, tâm huyết của tuổi trẻ, cô cùng đồng đội luôn tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Cô tâm sự: “Có năm, cả bệnh viện chỉ có 5-6 y, bác sĩ mà phải chăm sóc, phục vụ hơn 1.000 thương binh, trong điều kiện thường xuyên thiếu lương thực, thuốc men, bơm, kim tiêm... Chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng vượt qua”.

Sau ngày đất nước thống nhất, dù sức khỏe yếu, cô tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, tích cực tuyên truyền, động viên, giáo dục lớp cháu con phát huy truyền thống hào hùng của lực lượng TNXP, góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hiện nay, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Bình Thủy kiêm Phó Bí thư Chi bộ khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, cô Hồng thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên cũng như hướng dẫn những gia đình có con em bị nhiễm chất độc màu da cam giải quyết các chế độ, chính sách có liên quan. Từ hoàn cảnh của mình, hơn ai hết cô hiểu rõ nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần mà các gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Cô bộc bạch: “Dạo trước, tôi đã từng trải qua nỗi đau xé lòng khi biết mình vĩnh viễn mất đi đứa con gái thân yêu bị dị dạng do ảnh hưởng chất độc màu da cam. Từ đó, cô tự an ủi mình phải cố gắng vượt lên nỗi đau, làm những việc có ích cho xã hội”. Trong câu chuyện, cô Hồng thường nhắc đến những đồng đội đã hy sinh và ngậm ngùi kể cho tôi nghe những chuyến trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Dù ở tuổi gần 60, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng người phụ nữ giàu tình nghĩa ấy vẫn lặn lội vào rừng sâu, cùng các chiến sĩ trong Đội tìm kiếm hài cốt đồng đội đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Cô chia sẻ: “Có những lúc, dù vị trí đã được xác định rất kỹ, các đội tiến hành đào xới, tìm kiếm trên dưới 10 lần nhưng vẫn chưa tìm thấy. Cô tâm niệm ngày nào mình còn khỏe thì còn tiếp tục tìm kiếm đồng đội”.

Với vẻ khâm phục nghị lực của người cựu TNXP, người nữ đồng chí giàu tâm huyết này, chú Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Chi bộ khu vực 3, phường Bùi Hữu Nghĩa nói: “Từng là người lính nên tôi thấu hiểu được sự hy sinh, gian khổ mà đồng chí Hồng đã trải qua. Từ sau giải phóng đến nay, dù được phân công nhiệm vụ gì, đồng chí cũng không từ nan. Từ một Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản, rồi cán bộ phụ trách dân số, đến Tổ trưởng Tổ Phụ nữ, tham gia công tác Mặt trận,... đồng chí Hồng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí tin cậy, quý mến, nhân dân tín nhiệm. Bản thân đồng chí và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”.

Với những thành tích đạt được trong chiến tranh cũng như trong thời bình, cô Tuyết Hồng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu Bác Hồ; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân số, Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam;...

2. Cùng là con gái đất mũi, cô Nguyễn Hồng Hận (Nguyễn Xuân Phấn) sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Do cha mẹ và các anh chị thường xuyên đi công tác vắng nhà, mới 14 tuổi, cô Phấn phải thay mẹ chăm sóc 4 em nhỏ, quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Cũng vì thế mà ở cô sớm hình thành ý chí tự lập, vượt khó. Cô bồi hồi nhớ lại: “Sau năm 1969, quê cô bị địch càn quét nặng nề, dưới sông thì tàu chiến chạy ì ầm, lùng sục suốt ngày đêm, trên trời thì máy bay oanh tạc không ngừng. Không chịu nổi cảnh quê hương đang bị giày xéo, làng xóm điêu tàn, năm 1970, cô thoát ly gia đình theo cách mạng”. Thời gian đầu, cô Phấn công tác cùng người chị ruột tại Huyện đoàn Trần Văn Thời (lúc bấy giờ là cán bộ thiếu nhi của Huyện đoàn), với nhiệm vụ cấp dưỡng, giao liên, đưa thư... Nhờ thông minh, gan dạ và lanh lẹ, cô đã nhiều lần mang thư, tài liệu qua mắt địch, đến nơi an toàn. Ở Huyện đoàn ít lâu, Liên đội 2 TNXP về nhận quân, cô được kết nạp Đoàn và tình nguyện tham gia TNXP kể từ đó. Với tinh thần “Nơi đâu chiến trường cần, TNXP có, nơi nào có giặc, TNXP xuất quân”, cô đã cùng đồng đội vận chuyển trót lọt nhiều tấn lương thực, vũ khí, thuốc men,... phục vụ tiền tuyến. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, người nữ TNXP ngày nào, bật cười: “Nhớ cảnh băng đồng, vượt sông, đi bộ nhiều giờ liền nhưng trên vai luôn vác nặng cô cũng không hiểu sao ngày ấy sức khỏe của mình phi thường đến thế...”. Sau năm 1972, đơn vị TNXP giải thể, cô Phấn chuyển sang đơn vị chiến đấu (thuộc Trung đoàn 10). Ngày đêm sát cánh cùng đồng đội trong những chiến dịch và lập nhiều chiến công vang dội.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mang trên mình 36 vết thương lớn nhỏ, phải trải qua hơn 60 lần phẫu thuật và hiện vẫn còn 3 mảnh đạn trong đầu, nhưng lúc nào cô vẫn luôn thể hiện tinh thần “xung phong”, phấn đấu vượt lên thương tật để làm nhiều việc có ích cho xã hội. Cuộc đời cô làm tấm gương phấn đấu học tập không mệt mỏi. Cô nhớ lại: “Đầu tiên, cô xin vào học Trường Đồng Tâm (tại tỉnh Tiền Giang), mặc dù được Giấy giới thiệu của cơ quan nhưng cô không được học, với lý do trường chỉ nhận từ lớp 3 trở lên trong khi lúc đó trình độ của cô “chưa có lớp nào”. Tiếp đó, cô đến Cục Chính trị xin học lái xe, nhưng sau gần 3 tháng học tập tích cực, cô bị “phát hiện” tỷ lệ thương tật tới 82% và bị “đuổi” học vì không đủ sức khỏe. Nhưng khi nghe cô giãi bày nguyện vọng của mình, cô được chính người đuổi học mình gửi sang Trường bổ túc công nông tỉnh học bổ túc văn hóa. Chỉ sau 5 năm, cô đã hoàn thành chương trình phổ thông, rồi thi đậu đại học ngành Sư phạm Sử (Trường Đại học Cần Thơ). Không những học tập tốt, cô Phấn còn là “đầu tàu” gương mẫu trong tất cả các phong trào lao động, tăng gia sản xuất, văn hóa-văn nghệ, thể dục- thể thao của trường. Sau khi tốt nghiệp đại học, dù thương tật hành hạ, người giáo viên nổi tiếng tận tụy, tâm huyết ấy đã bám trụ, công tác trong ngành giáo dục suốt hơn 20 năm. Hỏi về những danh hiệu đã được tặng thưởng, người cựu TNXP 34 tuổi Đảng ấy cười đôn hậu: “Thành tích của cô hòa vào thành tích chung của tập thể. Vui nhất là nhìn thấy những học sinh của mình trưởng thành, sống có ích cho gia đình và xã hội ”. Nhắc tới người cựu TNXP giàu nghị lực Nguyễn Xuân Phấn, cô Lâm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ, nói với sự trân trọng: “Không riêng tôi mà nhiều đồng chí đều khâm phục Xuân Phấn ở ý chí, nghị lực phi thường, đặc biệt là tinh thần vượt mọi khó khăn, thử thách để học tập nâng cao trình độ. Từ chỗ không biết chữ, thương tật đầy người, khi hòa bình lập lại, Phấn đã tích cực học bổ túc, rồi tốt nghiệp đại học và công tác hơn 20 năm trong ngành giáo dục. Hiện nay, tuy sức khỏe giảm sút nhiều nhưng Phấn vẫn tích cực tham gia công tác Hội. Với vai trò là Ủy viên - Thư ký, Phấn cùng Ban Chấp hành Hội tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hướng dẫn giải quyết các chế độ chính sách cho anh em”.

Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về những cựu TNXP mà chúng tôi tôi chưa có dịp giới thiệu. Trở về đời thường, bằng những cách riêng của mình, cũng như cô Tuyết Hồng và Xuân Phấn, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, sức khỏe có hạn nhưng họ vẫn ra sức làm những việc có ích cho xã hội, truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng đến thế hệ trẻ, góp phần làm rạng rỡ truyền thống của lực lượng TNXP anh hùng.

THỦY LAM

 

Chia sẻ bài viết