Bác sĩ Tôn Chi Nhân hiện là Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ. Chị cũng là nữ Tiến sĩ y khoa đầu tiên của tỉnh Hậu Giang cũ (bao gồm Sóc Trăng và TP Cần Thơ hiện nay). Mấy chục năm làm nghề y, chị có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ sức khỏe con người và nền y học cổ truyền nước nhà nói chung và địa phương nói riêng. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt hoạt động của người phụ nữ khoác áo blouse trắng ấy là một chữ “Tâm”.
Một đêm trời tối như mực. Khoảng 9 giờ, khi chị và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Y học dân tộc Hậu Giang, ở Trà Quýt, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Mỹ Tú, tỉnh Hậu Giang (cũ), sắp đi ngủ thì có một người dân địa phương đến khẩn khoản nhờ các thầy thuốc đi cấp cứu cho một nạn nhân bị trúng gió... Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, chị vội vã cùng đi đến nhà bệnh nhân, bất chấp đường sá đầy mương rãnh, sình lầy...
Đến nơi, trong ánh đèn dầu tù mù, chị thấy người nhà vẫn đang cạo gió cho bệnh nhân. Áp ống nghe vào ngực thì thấy tim nạn nhân không còn nhảy. Sau một thoáng suy nghĩ, chị lấy một ống thuốc Adrenaline tiêm cho bệnh nhân. Dù một lúc sau, tim đập lại, nhưng cuối cùng, bệnh nhân vẫn không qua khỏi vì lúc đó, bệnh viện không có đầy đủ thuốc men, thiết bị, cũng không có điều kiện chuyển bệnh lên tuyến trên.
Nhưng cũng từ hôm đó, nhiều người dân ở vùng nông thôn sâu có được niềm tin với Bệnh viện Y học dân tộc Hậu Giang. Bởi lẽ, bà con nhận thấy bên cạnh họ giờ đã có thêm một nữ bác sĩ trẻ có chuyên môn khá vững vàng, hết lòng với bệnh nhân. Chuyện xảy ra cách nay đã gần 27 năm...
Kể lại chuyện đó, giọng bác sĩ Tôn Chi Nhân bùi ngùi nói: “Không cứu được bệnh nhân ấy tôi buồn lắm. Nhưng cũng từ hôm ấy, ý nghĩ bỏ nơi đồng sâu nước mặn, nghèo nàn này để về thành phố không còn trong tôi. Tôi tự nhủ: mình không thể nhẫn tâm bỏ mặc bà con nghèo ở đây khi bà con rất cần những thầy thuốc”. Chị đã ở lại cái “bệnh viện vùng xa” ấy không chỉ làm chức năng của một bác sĩ đông y mà còn “lấn sân” sang làm bác sĩ đa khoa, nội, ngoại, nhi, sản khoa, kiêm luôn việc tập huấn cấp cứu chết đuối cho các thầy thuốc và người dân ở vùng sâu này.
Năm 1986, Bệnh viện Y học dân tộc Hậu Giang chuyển về phường Bình Thủy, TP Cần Thơ (tỉnh Hậu Giang cũ), bác sĩ Tôn Chi Nhân được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Nội, đến năm 1987, chị là Phó Giám đốc bệnh viện. Năm 1994, Bệnh viện Y học dân tộc Hậu Giang với Bệnh viện Điều dưỡng sáp nhập lại, bác sĩ Nhân được bổ nhiệm làm Phó giám đốc. Từ tháng 6-2005, chị trở thành Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ đến nay.
Đối với nhiều bệnh nhân và thầy thuốc ở Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ, hình ảnh người nữ bác sĩ giám đốc trực tiếp đến thăm hỏi, châm cứu, hướng dẫn cách điều trị cho bệnh nhân quá đỗi quen thuộc. Nhiều bệnh nhân tâm sự rằng, khi chị đến, nhìn thấy ánh mắt tự tin, nụ cười vui vẻ luôn nở trên môi, nghe những lời tư vấn, động viên thẳng thắn chân tình và chứng kiến tác phong hoạt bát của chị, họ cảm thấy an tâm, nhẹ nhõm trong người. Chị Đoàn Thị Biện, 48 tuổi (ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), bị liệt dây thần kinh số 7, méo mặt, từng điều trị ở bệnh viện hơn 3 tháng, kể: “Cách đây mấy chục năm, hồi còn ở bệnh viện tại xã Hồ Đắc Kiện, bác sĩ Nhân đã điều trị dứt chứng nhức lưng dai dẳng của tôi. Bây giờ, bác sĩ vẫn tận tình như ngày xưa. Không chỉ châm cứu, bác sĩ Nhân còn hướng dẫn kỹ các bác sĩ khác cách châm cứu. Nhờ đó, bệnh của tôi nay đã đỡ 6-7 phần”.
Với bác sĩ Nhân, mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh. Chị đến không phải chỉ để điều trị mà còn là để sẻ chia, thấu hiểu, để động viên bệnh nhân cũng như gia đình họ kiên trì điều trị. “Đó cũng là đức tính căn bản cần phải có của một thầy thuốc đông y”- chị nói.
***
|
Bác sĩ Tôn Chi Nhân luôn tranh thủ thời gian thăm hỏi bệnh nhân. |
Buổi trưa nắng gắt, khuôn viên bệnh viện vẫn mát rượi vì có nhiều cây xanh. Những người đi lấy cháo, cơm từ thiện về tươi cười chào chị và các y bác sĩ bệnh viện. Trong thời buổi khó khăn này, những tô cháo trắng, những bữa cơm đạm bạc, những bình nước sôi miễn phí của bệnh viện đã giúp nhiều người vượt qua khốn khó để an tâm điều trị bệnh. Được thành lập hơn 10 năm nay, mỗi ngày bếp ăn từ thiện của bệnh viện cung cấp bình quân khoảng 400 suất ăn miễn phí cho người nghèo. Chị Nhân còn cùng với tập thể y, bác sĩ bệnh viện còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ để lập quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Nhờ đó, bên cạnh nguồn kinh phí dành để miễn, giảm viện phí cho hộ nghèo theo dự án hỗ trợ hộ nghèo từ nguồn vốn ODA của thành phố, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi đến điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ đã được trợ giúp tiền thuốc. Số tiền tuy không lớn nhưng đã làm ấm lòng nhiều cảnh đời cơ nhỡ.
Có lần trao đổi chuyện đời, chuyện nghề với tôi, bác sĩ Nhân trầm ngâm:
- Chị em phụ nữ- nhất là phụ nữ nghèo, ở vùng nông thôn- còn nhiều thiệt thòi lắm. Kiến thức, hiểu biết về sức khỏe, y học thường thức của chị em còn yếu quá. Rất nhiều phụ nữ ở cả thành thị và nông thôn hiện không biết gì về sức khỏe sinh sản, về cách dùng thuốc thông thường, chăm sóc trẻ em... Vì thế, nhiều người để đến khi bệnh nặng mới tìm đến bác sĩ thì đã muộn!
Từ khi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ đến nay, bác sĩ Tôn Chi Nhân đã ra sức đào tạo nhân lực, phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện phát triển rộng khắp mạng lưới đông y cơ sở để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân và phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Chị còn thường xuyên phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị của thành phố tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên về sức khỏe nữ giới nhân các dịp kỷ niệm 8-3, 20-10. Chị bảo: “Làm được gì để giúp chị em bớt thiệt thòi do thiếu hiểu biết là mình sẵn lòng”.
Năm 2004, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Điều trị phục hồi chức năng vận động sau tai biến mạch máu não” tại Đại học Y Hà Nội. Từ đó đến nay, bác sĩ Nhân đã tham gia chỉ đạo hoặc cùng thực hiện thêm nhiều đề tài khác như: “Đánh giá điều trị trĩ hỗn hợp tại khoa ngoại trĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ”- (với phương pháp này người bị bệnh trĩ không phải phẫu thuật toàn phần mà chỉ cần phẫu thuật từng phần, ít đau đớn, có thể vừa công tác vừa điều trị, không để lại di chứng hẹp hậu môn); đề tài “Ngăn ngừa loãng xương ở người cao tuổi”- (giúp người cao tuổi bị bệnh khớp giảm bớt đau nhức); “Điều trị về bài thuốc khớp đánh giá tác dụng lâm sàng”- dùng viên thuốc nén thay cho thuốc thang để tiện cho người bệnh trong quá trình điều trị. Để từng bước hiện đại hóa y học cổ truyền, chị đã cùng tập thể y, bác sĩ bệnh viện tìm nhiều nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân kết hợp với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước để trang bị dần các thiết bị xét nghiệm cận lâm sàng hiện đại. Đến nay, bệnh viện đã có máy xét nghiệm huyết học, máy xét nghiệm sinh hóa, máy sinh hóa nước tiểu, máy chụp X quang, máy siêu âm... Đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện ngày càng được đào tạo chính quy và chuẩn hóa, các thiết bị tương đối hiện đại này đã góp phần giúp bệnh viện nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh.
***
Sau một ngày làm việc tại bệnh viện, chị lại trở về ngôi nhà thân yêu ở đường Trần Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ở đó, nhiều bệnh nhân đang chờ chị châm cứu, điều trị. Gạt đi bao nỗi mệt nhọc, chị vẫn tươi cười hỏi chuyện, ân cần chăm sóc từng người. Hai con chị đều học giỏi chăm ngoan, biết tiếp lo công chuyện nhà, nấu nướng... để mẹ an tâm công tác. Con gái lớn theo nghề mẹ đang học năm thứ ba Trường Đại học Y dược Cần Thơ; còn con trai thứ hai đang học lớp 12 Trường THPT Châu Văn Liêm. Mái ấm gia đình cũng chính là động lực quan trọng đề người nữ bác sĩ giám đốc đã có 27 tuổi nghề, gần 16 năm tuổi Đảng ấy có thêm niềm tin và nghị lực để làm tròn công việc chuyên môn và cả trách nhiệm là một Phó Chủ nhiệm Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ; Phó Chủ tịch Hội Đông y, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu TP Cần Thơ...
Có lần, tôi hỏi về những thành tích mà chị đã đạt được. Chị mỉm cười, ánh mắt thoáng tinh nghịch: “Đừng quan tâm đến điều đó. Đối với một người thầy thuốc, quan trọng nhất và hạnh phúc nhất vẫn là có được cái tâm với nghề, với bệnh nhân”.
Bài, ảnh: NGUYÊN HƯNG