10/04/2015 - 14:08

Sáng hơn bức tranh giao thông đồng bằng

Thành tựu 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hiển hiện rõ nhất ở vùng ĐBSCL là sự thay đổi về diện mạo giao thông. Hệ thống giao thông trong vùng đã thật sự khởi sắc, phục vụ đắc lực cho việc đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa và du lịch.

Từ năm 2004, hạ tầng giao thông được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá, được các địa phương trong vùng ĐBSCL tập trung dồn sức đầu tư phát triển. Các tuyến giao thông huyết mạch, trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Đầm Cùng, Năm Căn, các sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, sân bay Cà Mau, Rạch Sỏi, cụm cảng trên sông Hậu, sông Tiền được đầu tư nâng cấp, vừa liên kết nội vùng, vừa nối với thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Có thể thấy, 3 điểm nhấn quan trọng của giao thông ĐBSCL là đường thủy, đường bộ và hàng không đã có nhiều khởi sắc.

Đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn Mỹ Khánh - khu di tích Lộ Vòng cung) hoàn thành đầu năm 2015, phục vụ đi lại của người dân. Ảnh: A.K

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dài gần 28.000km, các sông chính và phụ lưu liên hoàn chảy qua các Khu công nghiệp tập trung, đô thị, khu dân cư, các vùng tài nguyên quan trọng. Nhiều tuyến, cảng sông tiếp cận trực tiếp với cảng biển, hệ thống đường bộ, tạo nên những điểm nối giao lưu giữa các phương thức vận tải. Hiện nay, đã hoàn thành nâng cấp 2 tuyến đường thủy TPHCM - Kiên Lương và TPHCM - Cà Mau; đã khởi công nâng cấp tuyến vận tải thủy từ TPHCM qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đến Hà Tiên và TPHCM - kênh Chợ Gạo - Chợ Lách - Mang Thít - Đại Ngãi - Bạc Liêu; hoàn thành cảng An Thới, cảng Cái Cui...

Giao thông đường bộ ngày càng tốt hơn với nhiều công trình trọng điểm của vùng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ TPHCM - Năm Căn, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường nối Cần Thơ - Vị Thanh, quốc lộ 61, đường Hồ Chí Minh giai đoạn II. Đường hành lang ven biển phía Tây Nam. Tuyến tránh Tắc Cậu - Xẻo Rô được hoàn thành đã khai phóng vùng căn cứ cách mạng U Minh Thượng một thời khó khăn "con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu". Gắn với đó là 2 cây cầu Cái Lớn, Cái Bé và đường dẫn vượt qua cù lao dài 2,2km với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng được hoàn thành. Đây là hợp phần quan trọng của dự án đường hành lang ven biển phía Nam thuộc chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng, kết nối các khu vực kinh tế trọng yếu của ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan với các quốc gia ASEAN. Hiện nay, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh cũng đang "chạy nước rút". Các "cổng trời" được mở với sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đang tạo thế và lực mới. Ngoài ra, các sân bay Rạch Giá, Cà Mau được đầu tư nâng cấp.

Mặc dù vậy, hạ tầng giao thông của vùng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề, còn những điểm nghẽn cần được khơi thông để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Vì thế, phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, thời gian tới, cần được tiếp tục xác định là khâu đột phá chiến lược trong phát triển vùng. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông huyết mạch kết nối vùng. Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL đang đứng trước bài toán khó là "vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn", nên cần quan tâm chọn lực thứ tự ưu tiên và giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ. Về cơ bản, giao thông đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cần đặt ưu tiên phục vụ phát triển vận tải hàng hóa gắn với lợi thế vùng kinh tế.

Ngoài các công trình đã khởi công phải đảm bảo tiến độ hoàn thành, cần quan tâm đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ; hoàn thành tuyến N2, N1; tuyến đường ven biển... và phát huy hiệu quả các công trình giao thông như sân bay, cảng biển, giao thông thủy, bộ, dịch vụ hậu cần logistics. Ngoài nguồn ngân sách, cần có những giải pháp đột phá khai thông các kênh huy động vốn đầu tư.

Dù còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để "vượt trũng" về nhiều mặt, nhưng các dự án điện, giao thông, sản xuất "nghìn tỉ" được khánh thành, khởi công trong thời gian gần đây cũng đang mở ra cơ hội tăng tốc cho đồng bằng trong giai đoạn phát triển mới.

Trần Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết