25/03/2012 - 22:03

Vụ lúa hè thu 2012

Sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường

Đến nay, nhiều diện tích lúa đông xuân 2011-2012 tại TP Cần Thơ đã được thu hoạch, nông dân đã bắt tay làm vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ vụ hè thu 2012. Vụ hè thu năm nay, TP Cần Thơ dự kiến xuống giống khoảng 79.900 ha lúa. Để vụ sản xuất đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ngành nông nghiệp thành phố đang rất quan tâm khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa việc sử dụng giống lúa phẩm chất gạo cấp thấp, tránh gặp khó về đầu ra…

Lúa IR50404 khó tiêu thụ

Thời gian qua, nông dân sản xuất giống lúa IR50404 và một số giống lúa hạt tròn có phẩm chất gạo cấp trung bình, cấp thấp thường xuyên gặp cảnh lúa khó tiêu thụ, khi đầu ra xuất khẩu gặp khó. Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của nước ta chủ yếu tập trung nhiều vào các loại gạo thơm, gạo cấp cao, việc xuất khẩu các loại gạo cấp thấp khá khó khăn do nhu cầu thị trường chưa nhiều và gạo cấp thấp của nước ta bắt đầu chịu sự cạnh tranh mạnh bởi nhiều nước xuất khẩu gạo trên thế giới.

Nông dân ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, làm vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ lúa hè thu 2012. 

Từ ngày 15-3-2012, khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2011-2012, nhiều nông dân làm giống IR50404 mới có thể “nhẹ nhõm” hơn khi lúa của mình đã có người mua và giá nhích lên. Tuy nhiên, lúa IR50404 gặp khó trong tiêu thụ ngay cả ở vụ đông xuân, vụ lúa mà các loại lúa gạo sản xuất trong vụ này được đánh giá có chất lượng tốt nhất trong năm. Anh Trần Minh Tâm, ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Các năm trước lúa IR50404 chỉ khó tiêu thụ trong vụ hè thu do nhiều doanh nghiệp chê giống lúa này cho phẩm chất gạo kém, gạo bị gãy, bạc bụng nhiều. Vụ đông xuân 2011-2012, nhiều bà con ở xã tôi chọn giống IR50504 để sạ vì thấy các năm trước giá bán chỉ thấp hơn vài trăm đồng/kg so với nhiều loại lúa hạt dài, nhưng ít sâu bệnh, năng suất lại cao (có thể đạt 1 tấn/công tầm lớn) nên tính ra “ngon ăn” hơn làm lúa hạt dài. Không ngờ năm nay ngay trong vụ đông xuân lúa IR 50404 giá khá rẻ và thấp hơn nhiều so với lúa thơm và lúa hạt dài nên mức lợi nhuận cũng kém xa”. Ông Lê Văn Bảy, ở khu vực Tân Phước, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tôi quyết định duy trì làm lúa thơm Jasmine trong vụ đông xuân nên bán lúa được với giá khá cao 7.200 đồng/kg, trừ giá thành sản xuất khoảng 4.200 đồng/kg lúa, tôi có lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/kg lúa. Trong khi đó, nếu chuyển sang làm giống IR50404, giá thành sản xuất cũng phải ở mức 3.800-4.000 đồng/kg lúa, nhưng giá bán lúa chỉ 5.000-5.200 đồng/kg. Vụ hè thu 2012, tôi sẽ sạ giống lúa OM 4218”.

Thực tế từ vụ đông xuân 2011-2012 đã cho thấy, vấn đề giống lúa IR50404 khó tiêu thụ không chỉ nằm ở yếu tố chất lượng mà quan trọng hơn chính là nhu cầu của thị trường. Thời gian qua, giống lúa IR50404 không chỉ khẳng định ưu thế về năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt mà chất lượng lúa gạo hàng hóa còn đáp ứng tốt được nhiều nhu cầu sử dụng như: nấu cơm ăn, làm bún, làm bánh, phục vụ chăn nuôi... Tuy nhiên, khi sản xuất ra số lượng lớn vượt so với nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu thì việc gặp khó trong tiêu thụ là điều tất yếu xảy ra. Dù vậy, không ít nông dân cho biết, trong vụ hè thu này họ vẫn còn có ý định gieo sạ giống lúa IR 50404 vì đã quen làm giống này rồi, hơn nữa sợ làm giống lúa khác không đạt năng suất cao! Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo cấp thấp của nước ta được nhiều doanh nghiệp dự đoán là sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, do phải đối mặt với ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh.

Hạn chế sử dụng giống lúa có chất lượng gạo kém

Vụ đông xuân 2011-2012, nông dân tại TP Cần Thơ xuống giống hơn 87.760 ha lúa, các giống lúa gieo trồng gồm: Jasmine chiếm tỷ lệ 47,4%, các giống lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ 26,8%, IR 50404 là 25,8%.

Tỷ lệ gieo sạ lúa IR 50404 trong vụ đông xuân khá cao, do vậy ngành nông nghiệp thành phố đã lưu ý các địa phương cần hết sức chú ý việc khuyến cáo nông dân hạn chế gieo sạ giống này trong vụ hè thu nhằm tránh tình trạng gặp khó về đầu ra. Ngay từ nửa cuối tháng 2-2012, ngành nông nghiệp thành phố đã tổ chức sơ kết tình hình sản xuất lúa đông xuân 2011-2012 và tổ chức triển khai ngay kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2012 nhằm đảm bảo tốt công tác chỉ đạo sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cơ cấu giống lúa cho vụ hè thu 2012 gồm 3 bộ giống. Giống chủ lực gồm: OM 2517, Cần Thơ 1 (OM 7347), OM 4900, OM 4218, 0M 5451. Giống bổ sung: OM 1490, OM 2717, OM 6162, OM 4088, Jasmine 85. Giống triển vọng: Cần Thơ 2, Cần Thơ 3, OM 6377, OM 8923. Đặc biệt, để nông dân bán được lúa thuận lợi, các địa phương phải tích cực khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng giống IR 50404, tránh tình trạng sản xuất nhiều nhưng không có thị trường tiêu thụ. Đồng thời, đây cũng là giống lúa có chất lượng kém, tỷ lệ bạc bụng cao trong vụ hè thu, cần tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng có chất lượng cao đảm bảo xuất khẩu.

Để đảm bảo sản xuất lúa hè thu 2012 đạt kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp thành phố xác định cần phải thực hiện tốt công tác quản lý dịch bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Xây dựng lịch xuống giống né rầy dựa vào thời gian rầy di trú kết hợp với điều kiện thủy văn và đảm bảo cách ly vụ ít nhất 3 tuần để chuẩn bị làm đất, tu sửa bờ bọng, hạn chế ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn và hạn chế sâu bệnh lây lan tích lũy từ vụ đông xuân sang hè thu. Dự kiến lịch xuống giống 2 đợt lúa vụ hè thu 2012 gồm: đợt 1: gieo sạ từ 3-4 đến 10-4-2012 (13-3 đến 20-3 âm lịch). Đợt 2: gieo sạ từ 3-5 đến 10-5-2012 (13-4 đến 20-4 âm lịch). Tuy nhiên, lịch thời vụ này chỉ mang tính tham khảo, tùy vào điều kiện thực tế, ngành nông nghiệp các địa phương xây dựng lịch thời vụ và tổ chức xuống giống tập trung đồng loạt trên từng khu vực đê bao cho phù hợp. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thành phố cũng khuyến cáo các địa phương và nông dân cần tiếp tục tăng cường việc xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo sản xuất gắn kết với nhu cầu thị trường. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố dự kiến nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các quận, huyện trọng điểm trồng lúa lên 2.000-3.000 ha trong vụ hè thu 2012.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết