07/12/2009 - 20:59

Ý tưởng sáng tạo

Sân chơi trí tuệ của sinh viên

Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trao giải Nhất ý tưởng “Giải pháp quảng bá thương hiệu sản phẩm cá thác lác Hậu Giang ứng dụng thương mại điện tử và e-marketing” tại vòng thi chung kết. 

Hai năm qua, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng” do Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ phối hợp với các trường ĐH khu vực ĐBSCL tổ chức ngày càng thu hút nhiều sinh viên tham gia. Những ý tưởng của sinh viên được đánh giá trên các tiêu chí “sáng tạo, lợi ích cộng đồng, tính khả thi,...”. Cuộc thi không chỉ là sân chơi mà còn là “chất kích thích” thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Ý tưởng “Giải pháp quảng bá thương hiệu sản phẩm cá thác lác Hậu Giang ứng dụng thương mại điện tử và e-marketing” của 5 sinh viên Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Tây Đô đã vượt qua nhiều ý tưởng khác, đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng năm 2009”. Với câu hỏi từ Ban Giám khảo: “Nếu sản phẩm cá thác lác Hậu Giang có thương hiệu thì lợi nhuận sẽ bao nhiêu?”, cả nhóm đưa câu trả lời thuyết phục: “Lợi nhuận có được khi đã trừ chi phí. Chúng em chưa thể xác định được lợi nhuận đầu ra cho sản phẩm là bao nhiêu, bởi chưa cọ xát thực tế. Nhưng có thể khẳng định lợi nhuận là vô hình, còn thương hiệu là vô giá. Và đây là điều quí nhất mà chúng em đã học được để ứng dụng vào thực tế sau khi ra trường”...

Nhắc lại cuộc thi vừa qua, Lê Nguyễn Minh Duy, sinh viên ngành Ngoại thương K32, Trường ĐH Cần Thơ, trưởng nhóm đoạt giải Nhất, cho biết: “Mục tiêu ban đầu của nhóm khi tham gia cuộc thi là để có kinh nghiệm làm đề tài luận văn tốt nghiệp, đồng thời thử sức bản thân. Đề tài này được lấy số liệu từ chính quê hương Hậu Giang của chúng tôi”. Còn Trang Bích Thuận, sinh viên ngành Tài chính- Ngân hàng K1, Trường ĐH Tây Đô, nói: “Tôi học Tài chính- Ngân hàng. Khi tham gia cuộc thi, tôi học hỏi thêm nhiều kiến thức ở các lĩnh vực thương mại điện tử, marketing- những kiến thức quí giá bổ trợ cho chuyên môn của tôi. Đặc biệt cuộc thi đã giúp tôi rèn luyện thêm những kỹ năng “mềm” như tự tin thuyết trình trước đám đông, làm việc nhóm...”.

Với mục tiêu quảng bá thương hiệu sản phẩm cá thác lác Hậu Giang ở trong nước và nước ngoài thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử và e-marketing, nhóm tác giả của ý tưởng phải làm việc cật lực để thu thập số liệu thực tế. 5 thành viên trong nhóm phân công nhau: Minh Duy tìm số liệu về cá thác lác ở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang; Thuận tính toán chi phí; Hiếu xây dựng bài báo cáo qua ứng dụng công nghệ thông tin;... Do học khác lớp, khác trường, việc tập hợp nhóm không dễ dàng. Các bạn phải làm việc vào ngày thứ 7, chủ nhật và ban đêm. “Đau đầu nhất là bài toán chi phí. Tôi phải tính toán từng li, từng tí, từ chi phí in tờ rơi quảng cáo đến chi phí thuê lô bán hàng ở hội chợ. Điều mà chúng tôi rút ra được, quảng cáo qua thương mại điện tử và e-marketing là sự lựa chọn thông minh của các doanh nghiệp, bởi xu hướng hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá thương hiệu là hữu hiệu nhất”- Bích Thuận kể.

Ý tưởng “Đề án xây dựng Trung tâm Tư vấn- Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Cần Thơ” của Nguyễn Bá Phượng Nhung, sinh viên ngành Công nghệ sinh học, chương trình tiên tiến K32, Trường ĐH Cần Thơ, đoạt giải Nhì. Đây không chỉ đơn thuần là ý tưởng tham dự cuộc thi, mà còn là ước mơ hoài bão của một cán bộ Đoàn. Phượng Nhung cho biết: “Đề tài này không thuộc chuyên ngành mà tôi đang học nhưng tôi rất thích. Tôi tham gia hoạt động Đoàn nhiều năm, tiếp xúc và hiểu sinh viên của trường đang thiếu cái gì. Không chỉ ở Cần Thơ mà cả ĐBSCL, các trường thiếu hẳn hoạt động hỗ trợ kỹ năng sống, trong khi đây là hành trang quí báu đối với sinh viên”. Trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo trong đêm thi chung kết, Nhung tự tin nhìn nhận thực tế để khẳng định: “Nhu cầu là vô hạn, còn khả năng là hữu hạn. Vì thế, ý tưởng Trung tâm Tư vấn- Hỗ trợ sinh viên chỉ nằm trong phạm vi của Trường ĐH Cần Thơ. Nhưng có thể khẳng định, khi trung tâm hoạt động hiệu quả thì việc nhân rộng sang các trường ĐH khác là lẽ tất yếu”.

Đề tài của Phượng Nhung cũng chỉ rõ số lượng sinh viên của Trường ĐH Cần Thơ ngày càng đông, cuộc sống, việc học tập của các sinh viên gặp không ít khó khăn. Căng thẳng trong học tập, trở ngại trong tình cảm,... khiến nhiều sinh viên có suy nghĩ lệch lạc, bị trầm cảm, có thể “lạc hướng”... Trung tâm tư vấn và hỗ trợ sinh viên sẽ tư vấn, giúp đỡ sinh viên vượt qua những giai đoạn khó khăn đó. Để có tư liệu thực hiện đề tài này, Nhung tìm tòi, tham khảo hoạt động tư vấn hỗ trợ sinh viên theo cách truyền thống của các trường ĐH ở ĐBSCL; tìm nét riêng cho ý tưởng của mình. Nhung cũng thường xuyên tự đặt câu hỏi với mình, với bạn bè: cần gì? giải quyết như thế nào?... rồi tham khảo ý kiến của các sinh viên khóa trước, của thầy cô để hoàn chỉnh dần ý tưởng của mình. Nhung nói: “Qua cuộc thi, điều mà tôi học được là sự tự tin, kiến thức xã hội. Đây là hành trang quí báu, giúp tôi vững bước hơn sau khi tốt nghiệp”.

* * *

Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng năm 2009” được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 11-2009. Có 33 ý tưởng của sinh viên 8 trường ĐH khu vực ĐBSCL tham dự. Theo PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải, Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Cần Thơ, cuộc thi là sân chơi trí tuệ cho sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học. Qua 2 năm tổ chức, số lượng ý tưởng tham gia cuộc thi ngày càng nhiều, ý tưởng ngày càng sát hợp với thực tế. PGS TS Lưu Thanh Đức Hải nói: “Không chỉ dừng lại ở ý tưởng, thông qua “Vườn ươm doanh nghiệp” sẽ triển khai vào năm 2010, các ý tưởng của sinh viên sẽ được hỗ trợ để đưa vào ứng dụng thực tế. Chúng tôi cũng hy vọng có sự hỗ trợ thêm từ doanh nghiệp để kích thích phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên và cũng là cơ hội để tìm ý tưởng phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp”.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết