29/01/2019 - 07:31

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ:

Sẵn sàng nguồn lực phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới 

Còn gần hai năm học nữa, vào năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới chính thức được triển khai thực hiện đối với lớp 1. Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ thông tin chi tiết với độc giả Báo Cần Thơ: 

Năm học 2020-2021, Chương trình GDPT mới sẽ được thực hiện đối với học sinh lớp 1. Trong ảnh: Học sinh tiểu học tham dự Ngày hội Robothon năm 2018. 

- Chương trình GDPT mới được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi của xã hội tương lai, đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS theo các hướng: học lên THPT, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm cho các em tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau GDPT hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung; còn Chương trình GDPT mới theo mô hình phát triển năng lực; bằng những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại cùng với các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực. Từ đó đáp ứng kỳ vọng đào tạo nhân lực hội nhập quốc tế. Nội dung chương trình GDPT hiện hành gần như đồng nhất cho tất cả học sinh ở các cấp học; thì Chương trình GDPT mới đã phân biệt rõ hai giai đoạn như nêu trên.

Cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các trường THCS thuộc quận Ninh Kiều dự tập huấn phương pháp dạy học mới. Ảnh: B.NG

Trong chương trình GDPT hiện hành, sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học đôi khi chưa chặt chẽ. Nhược điểm này sẽ được khắc phục khi thực hiện Chương trình GDPT mới, bởi chương trình chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này. Chương trình mới trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng phù hợp với điều kiện địa phương, cơ sở giáo dục; góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

* TP Cần Thơ đã có bước chuẩn bị như thế nào cho Chương trình này, thưa bà?

- Khi Bộ GD&ĐT chưa chính thức công bố Chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã có lộ trình chuẩn bị nguồn lực. Đơn cử như việc phát triển các mô hình Trường học mới (VNEN), Trường Điển hình đổi mới… để tạo nền tảng. Đặc biệt, mô hình Trường Điển hình đổi mới được triển khai từ năm học 2017-2018, là tiền đề để thực hiện Chương trình GDPT mới hiệu quả. Sở GD&ĐT thành phố đã tổ chức Hội nghị “Tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình, sách giáo khoa GDPT mới”; đồng thời rà soát trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ nhà giáo để tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, đảm bảo đủ năng lực triển khai thực hiện chương trình.

TP Cần Thơ xác định đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố cốt lõi để thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới. Ngành đã rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tinh giản, bố trí, sắp xếp con người, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Dịp hè năm 2018, Sở đã tổ chức các khóa học bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên. Từ đó, chúng tôi đã phân tích được điểm mạnh, yếu của đội ngũ nhà giáo, chủ động chuẩn bị nguồn lực vững vàng về chuyên môn, tiếp cận hiệu quả chương trình môn học. Năm học 2018-2019, thành phố cơ bản đã chuẩn bị chu đáo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu mới.    

Bên cạnh đó, ngành đã chỉ đạo các đơn vị rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy học, trên cơ sở đó xác định nội dung ưu tiên trong xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện và đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới.

* Xin bà cho biết những việc sẽ được triển khai trong thời gian tới để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT mới?

- Bám sát sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Thành ủy, UBND thành phố; cùng sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện; ngành GD&ĐT phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do thành phố giao năm 2019. Đồng thời, tập trung thực hiện các hoạt động chuyên môn có chiều sâu và mang tính chất lâu dài như: Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch Trường Điển hình đổi mới; chú trọng các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh; tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, cha mẹ học sinh tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh. Ưu tiên đầu tư nguồn lực về con người bằng cách tiếp tục phối hợp với các viện, trường có uy tín tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.

Ngành tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kết nối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ và đạt chuẩn. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm từ các mô hình giáo dục tiên tiến và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo yêu cầu đổi mới.

Xin bà cho biết thêm lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới tại Cần Thơ?

Thời gian qua, từ nhiều nguồn, TP Cần Thơ đầu tư hàng trăm tỉ đồng phục vụ cho lĩnh vực GD&ĐT. Nhờ vậy đến nay, thành phố có 306 trường đạt chuẩn quốc gia (trong tổng số 461 trường, không tính Trường Dạy trẻ Khuyết tật), đạt 66,38%. Toàn ngành có khoảng 15.000 cán bộ quản lý,  giáo viên. 

- Cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước, TP Cần Thơ triển khai thực hiện chương trình GDPT mới đúng theo lộ trình của Bộ GD&ĐT. Chương trình bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021 (đối với lớp 1); năm học 2021-2022 (đối với lớp 2 và lớp 6); năm học 2022-2023 (đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10); năm học 2023-2024 (đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11); năm học 2024-2025 (đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12).  Theo đó, sau khi trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi vào học lớp 1 của năm học 2020-2021, thì sẽ học theo chương trình GDPT mới; còn với học sinh hoàn thành chương trình lớp 1, lên lớp 2 của năm học 2020-2021 thì vẫn học chương trình GDPT hiện hành.

Với tính ưu việt của chương trình GDPT mới cùng với sự chuẩn bị chu đáo các nguồn lực; nhất là sự đổi mới tư duy, phương pháp của đội ngũ nhà giáo; việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới sẽ đạt hiệu quả như kỳ vọng.

* Xin cảm ơn bà!

Bích Ngọc (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết