03/04/2012 - 09:17

TUYỂN SINH 2012 Ở CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP

Rộng "đường đi" hơn cho thí sinh

Giờ thực hành đo đạc của sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. 

Kỳ tuyển sinh năm 2012, đi đôi với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng dạy, các trường cao đẳng, trung cấp ở TP Cần Thơ còn tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề, tăng chỉ tiêu đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, các trường còn mở rộng nhiều loại hình đào tạo như liên thông, địa chỉ, vừa làm vừa học,... nhằm thu hút thí sinh.

Nhiều nét mới...

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương, mạng lưới các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp, trường nghề gần như phủ kín các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh năm 2012, bên cạnh việc tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành học mới, các trường còn có nhiều hình thức đào tạo để thu hút thí sinh. Năm 2012, Trường CĐ Cần Thơ dự kiến mở thêm ngành học mới: Pháp lý bậc CĐ và 4 ngành trung cấp chuyên nghiệp (Du lịch, Nhà hàng- khách sạn, Xây dựng dân dụng, Tài chính- Kế toán). Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, trường không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển dựa trên kết quả điểm thi đại học của thí sinh, ngoài khối thi truyền thống, trường có thêm khối A1. Nếu thí sinh không đủ điều kiện vào học CĐ, có thể học trung cấp. Bậc trung cấp trường xét tuyển học bạ môn Văn và Toán cuối cấp THPT hoặc điểm thi đại học năm 2012 của thí sinh.

Hằng năm, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đào tạo bậc cao đẳng của Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Y tế Cần Thơ đều cao hơn điểm sàn qui định từ 2-3 điểm. Riêng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, hằng năm, số lượng thí sinh dự tuyển vào các ngành trung cấp, nghề đều “trội” hơn so với chỉ tiêu tuyển. Qua đó chứng minh số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường CĐ, trung cấp khá cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thí sinh đã có sự chuyển biến trong việc chọn ngành nghề để học. Theo thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, ngoài các ngành đào tạo truyền thống, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, trường mở thêm 5 nghề mới bậc CĐ gồm: kế toán doanh nghiệp, quản trị mạng máy tính, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, kỹ thuật máy nông nghiệp.

Bên cạnh các trường CĐ, nhiều trường trung cấp ở TP Cần Thơ như: Trung cấp Miền Tây (trước đây là Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghiệp vụ Cần Thơ), Trung cấp Bách nghệ Cần Thơ, Trung cấp Nghề Thới Lai... cũng đã chuẩn bị khá chu đáo cho kỳ tuyển sinh năm 2012. Năm nay, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai tuyển khoảng 300 học sinh cho các ngành trung cấp và Ban Giám hiệu trường đã lên kế hoạch sẵn sàng cho đợt tư vấn tuyển sinh vào giữa tháng 4-2012 tới. Còn Trường Trung cấp Miền Tây, năm nay là năm thứ 2 trường tuyển sinh cho 3 ngành: Tin học, Tài chính kế toán, Tài chính ngân hàng, với tổng chỉ tiêu 600 học sinh. Theo bà Trần Thị Kim Ba, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Miền Tây, trường dự kiến mở thêm các ngành học mới ở lĩnh vực y dược, nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực y tế.

Theo lãnh đạo các trường, lợi thế của các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm và xét tuyển học sinh tốt nghiệp THCS trở lên, nên giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn ngành, nghề học phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó, hầu hết ngành đào tạo của các trường đều có thể học liên thông bậc học cao hơn- “đường vòng” giúp thí sinh vào ngưỡng cửa đại học.

Nỗ lực chung

Theo lãnh đạo các trường, việc tăng chỉ tiêu, mở các ngành học mới dựa trên nguồn lực hiện có và nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương, nhất là khu vực ĐBSCL. Vì thế, trước khi mở mới mã ngành, trường đã tổ chức các đợt khảo sát nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp, cựu sinh viên và sinh viên. Mục đích chính là thu hút thí sinh đến với trường. Thế nhưng, điều này vẫn chưa đủ thuyết phục, nếu như các trường chưa tạo nên “thương hiệu” cho mình. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đã và đang nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học... phục vụ đào tạo, nhất là các ngành học mới. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, cho biết: “Để mở các ngành học mới, trường đã có sự chuẩn bị đầu tư nguồn lực phục vụ cho các ngành học này. Giáo trình, chương trình đào tạo các ngành được biên soạn sát với nhu cầu thực tế địa phương. Tùy theo ngành học, trường tăng cường trang bị kỹ năng thực hành để sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể ứng dụng tốt vào công việc”. Theo ông Dương, năm nay, từ nguồn vốn vay của ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á), trường đã đầu tư gần 8 tỉ đồng trang bị thêm thiết bị thực hành, thực tập, phục vụ cho các ngành nghề cơ khí, gia công cắt gọt kim loại...

Riêng Trường CĐ Y tế Cần Thơ, ngoài cơ sở chính nằm ở đường Nguyễn Văn Cừ, mới đây, trường đã đưa vào sử dụng cơ sở 2 (nằm ở Khu Dân cư 586, quận Cái Răng), với 7 giảng đường, 1 hội trường 300 chỗ phục vụ cho 1.500 sinh viên, học sinh. Thạc sĩ Trần Ngọc Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói: “Chúng tôi đang nâng cấp mở rộng thư viện điện tử, đầu tư thêm một số trang thiết bị thực hành, với kinh phí hàng trăm triệu đồng, nhằm phục vụ việc dạy, học của giảng viên, sinh viên”. Trong khi đó, nhiều năm qua, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ đều dành khoản kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị. Nhờ vậy, những phòng học mới được xây dựng khang trang, đạt chuẩn qui định; 60%-70% các phòng học đều được trang bị màn hình LCD phục vụ cho việc dạy và học. Theo thạc sĩ Trần Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, thành phố đã cấp kinh phí để bồi hoàn giải phóng mặt bằng cho 8,4 ha ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Trường đã xây dựng nhiều mô hình (ao nuôi cá, trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả...) để phục vụ dạy và học. Ông Liêm cho rằng, chất lượng đào tạo là mục tiêu sống còn của các trường. Việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành sẽ góp phần nâng cao hơn chất lượng đào tạo.

Năm nay, mảnh đất trên 2 ha của Trường Trung cấp Miền Tây đã có trên 10 phòng học mới, 1 hội trường 250 chỗ, với nhiều phòng thực hành thực tập. Ban Giám hiệu trường còn tạo điều kiện để giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ vậy, trường hiện có hơn 60 giáo viên (50% có trình độ sau đại học), đủ phục vụ cho các ngành học mới...

* * *

Những kỳ tuyển sinh gần đây, đại học không còn là con đường duy nhất để thí sinh lựa chọn. Tâm lý phải vào được đại học của thí sinh đã có sự chuyển biến, nhưng theo các nhà quản lý giáo dục thì vẫn còn không ít thí sinh chỉ chọn trường cao đẳng, trung cấp, nghề khi không còn hy vọng vào được đại học. Trong khi đó, cơ chế chính sách đối với bậc học CĐ, trung cấp, nghề vẫn chưa thực sự đủ mạnh để tạo sức hút với thí sinh. Theo lãnh đạo các trường, ngoài việc nỗ lực đầu tư của các trường thì rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa từ cơ quan chủ quản, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giúp các trường có điều kiện thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết