Khi mùa đông đi qua già nửa chặng đường, cái giá lạnh như đã ngấm vào đất trời và vạn vật. Thêm một ngày mưa phùn, rét đến tím môi, lạnh má. Những chiếc áo mùa đông dầy cộm vẫn giữ nguyên từ đầu mùa đã đến lúc phải lôi ra khoác lên người. Nhưng đến chập tối, mưa nhỏ dần, chỉ còn lui bui trên tóc. Sáng sau thức dậy, cả không gian như đã vỡ òa trong cái rét khác. Rét ngọt...
Ngày còn nhỏ, nghe mẹ nhắc “Trời đã sang cữ rét ngọt...”, tôi vẫn thường tự hỏi đã rét sao còn có rét ngọt. Sau này, khi mỗi tuổi trưởng thành, đã qua những trải nghiệm có hạnh phúc và đắng cay, biết cảm nhận trong buồn có vui, trong được có mất, đã hiểu thế nào là quy luật luân chuyển của đất trời “trong âm có dương, trong dương có âm”, mới hiểu các cụ ngày xưa thật tài tình khi gọi những ngày rét đẹp là rét ngọt. Trời một màu mây trắng đục nhưng sao không thấy u ám. Thời tiết không quá khô hanh nhưng cũng không nồm ẩm, không gian tạnh ráo, phong quang đến lạ kỳ. Trong cái rét đến thấu da thịt dường như vẫn cảm nhận được ái ấm áp, cái mới mẻ còn rất mơ hồ nhưng biết nó đang đến từ phía xa xôi. Rét ngọt, ấy là rét... chờ Tết.
Ảnh minh họa
Vào độ rét ngọt, là khi lũ trẻ con đã vững sức khỏe sau thời gian giao mùa, học sinh thư thái sau một kỳ học, người lớn còn nhiều bận mải nhưng biết công việc một năm cùng sắp hoàn thành. Ở làng quê, ngoài đồng, ruộng đã vỡ đất đang chờ nước đổ ải. Ở thành thị, phố phường nhộn nhịp bước vào mùa mua sắm. Trong cái yên ắng của muôn loài còn đang chìm trong giấc ngủ đông dài, lòng người đã chộn rộn cảm xúc của năm cũ đang qua, năm mới sắp đến. Những nhớ nhung, mong ước ùa về.
Tôi nhớ mãi ý thích kỳ cục của một người bạn. Cứ mỗi mùa vào độ rét ngọt là cô lại lôi cái đĩa nhạc cũ ra để nghe bài hát “Gửi em ở cuối Sông Hồng”. Người này còn khăng khăng cho rằng người nhạc sỹ nhất định đã sáng tác bài hát này vào những ngày rét ngọt nên bài hát mới hay đến thế:
“...Anh ở biên cương, sương lạnh giá buốt mùa đông tới
Nơi quê hương em bước vào vụ mới
Rằng anh thương em, đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa cấy thẳng hàng không...”
Một người bạn khác của tôi lại có ý thích kỳ cục không kém đó là cứ khi trời rét già lại đem hương ra đốt. Sau này tôi biết thêm không chỉ có bạn tôi mà còn khá nhiều người có ý thích như vậy. Có lẽ trong tâm hồn những người này vẫn hằng thường trực mong Tết về. Nhớ nhung sao là mùi hương ngày Tết. Có lẽ đi đến cuối trời cũng không quên được mùi thơm thanh tịnh, quyến luyến và bịn rịn ấy.
Đêm rét ngọt, nằm nghe tháng Chạp trở mình, lại thương về bếp rạ của bà ngày trước. Thoảng trong gió như thấy mùi khoai nướng cháy vỏ thơm lừng, mùi nếp hương, lá dong, mùi đất trời nồng ấm. Nhớ ơi rét ngọt, rét chờ Tết...
Theo Bảo Anh (Báo Hải quân Việt Nam)