08/05/2008 - 21:35

Rất hiếm trường hợp sốc phản vệ khi tiêm ngừa

• Xin bác sĩ cho biết, sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin như thế nào? Làm thế nào để nhận biết tình trạng sau khi tiêm vắc-xin bị sốc phản vệ và cách xử lý ban đầu? Tôi định chở cháu tiêm ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ (con tôi gần 1 tuổi) nhưng ngại không dám tiêm, bác sĩ có thể cho tôi lời khuyên?

Thúy Nga

(phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TPCT)

* Trả lời:

Phản ứng sau tiêm chủng có thể chia ra làm loại phản ứng nhẹ và phản ứng nặng. Các loại vắc-xin thường gây ra các phản ứng nhẹ như sốt, nổi ban... đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với một chất lạ là vắc-xin. Phản ứng nặng thường ít gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng. Phản ứng nặng có thể là sốt cao co giật, choáng lịm, hội chứng não, khóc dai dẳng, sốc phản vệ... Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng tức thì trầm trọng, xảy từ sau khi tiêm cho tới một tiếng đồng hồ sau tiêm, dẫn tới tình trạng suy tuần hoàn, co thắt phế quản hoặc co thắt thanh quản, phù nề thanh quản.

Sốc phản vệ rất hiếm xảy ra (khoảng 1 trường hợp cho khoảng 1 triệu liều tiêm). Sốc phản vệ hay dễ lầm với ngất bất tỉnh (choáng vận mạch) và chóng mặt sau tiêm chủng (ít nguy hiểm hơn).

Ngất thường xảy ra ngay sau khi tiêm hoặc đang trong lúc tiêm trong khi sốc phản vệ xảy ra muộn hơn, thường là từ 5-30 phút sau tiêm. Khi bị sốc phản vệ, bệnh nhân nổi mẩn, quầng đỏ trên da; mặt sưng, thở khò khè; mạch yếu không đều, huyết áp hạ, trụy mạch; buồn nôn, đau bụng; mất ý thức...

Nói chung, việc chẩn đoán và xử trí ban đầu sốc phản vệ được cán bộ y tế tại bàn tiêm đảm nhận vì tất cả bàn tiêm ngừa đều có trang bị phương tiện xử trí ban đầu trong trường hợp này. Chị nên đưa con đi tiêm ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ em theo đúng lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế xã vào ngày 1-5 hàng tháng (miễn phí). Chị cũng có thể tiêm chủng các bệnh này ở các phòng tiêm ngừa dịch vụ (thu phí), như: Phòng tiêm ngừa của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ. Tại đây, ngoài các vắc-xin thường có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng còn có một số vắc-xin ngừa bệnh khác mà Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa triển khai.

Bác sĩ Dương Phước Long

(Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết