24/02/2018 - 16:08

Quy hoạch phân khu đô thị thành phố theo hướng hiện đại 

UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn nhằm định hướng phát triển không gian đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, hiện đại. Ngành xây dựng thành phố cũng đang triển khai chọn tư vấn lập các đồ án quy hoạch phân khu này, đồng thời phấn đấu hoàn thành và trình phê duyệt tất cả 5 quy hoạch phân khu các đô thị Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt trong năm 2018.

Định hướng quy hoạch

Theo nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 260/QĐ-UBND), phạm vi quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính của quận Ô Môn, diện tích khoảng 13.193,43ha. Tính chất khu vực lập quy hoạch: là đô thị gắn kết với khu đô thị trung tâm của TP Cần Thơ; trung tâm công nghiệp chuyên ngành, công nghệ cao, công nghiệp điện năng cấp vùng. Đồng thời, đây là khu đô thị mới của TP Cần Thơ về lâu dài; là đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy - cảng tổng hợp cấp vùng, trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm tài chính, thương mại- dịch vụ cấp quốc gia và cấp thành phố. Khu đô thị phát triển không gian dọc trục giao thông chính đô thị (quốc lộ 91 và đường nối quốc lộ 91 với quốc lộ Nam sông Hậu); không gian cảnh quan bao gồm tuyến công viên sinh thái có khu vực bán ngập nước, các hồ nước, công viên ven sông Hậu, vùng công nghiệp công nghệ cao được bố trí bao quanh và đan xen phần phát triển đô thị. Ô Môn sẽ là đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, hiện đại, mang tính đặc trưng của một đô thị công nghiệp.

Quy hoạch đô thị Ô Môn phát triển theo hướng hiện đại. 

Dự kiến dân số quận Ô Môn đến năm 2020 khoảng 180.000 người, đến năm 2030 khoảng 220.000 người. Chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật theo Nhiệm vụ quy hoạch đã được duyệt: đất xây dựng đô thị từ 150 đến 200 m2/người, đất dân dụng đô thị từ 80-90 m2/người… Một số chỉ tiêu chính về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cần đạt cơ bản như: đất ở bình quân đầu người 55m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân lớn hơn hoặc bằng 29m2 sàn/người; đất cây xanh đô thị lớn hơn hoặc bằng 12m2/người; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị lớn hơn hoặc bằng 8m2/người; tỷ lệ đất giao thông và giao thông tĩnh so với diện tích đất xây dựng đô thị lớn hơn hoặc bằng 20%...

UBND thành phố yêu cầu ngành chức năng thành phố nghiên cứu đề xuất phát triển không gian đô thị Ô Môn, cụ thể hóa các nội dung của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, chuẩn bị kết cấu hạ tầng cho mục tiêu kinh tế - xã hội quận Ô Môn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp Chương trình phát triển nhà ở và Chương trình phát triển đô thị của thành phố; đồng thời nghiên cứu để nhận diện, đề xuất giữ gìn, phát huy và khai thác hiệu quả các giá trị đặc thù của đô thị Ô Môn (vật thể, phi vật thể) đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của quận và thành phố. Ngoài ra, các ngành chức năng cần xác định cấu trúc tổ chức không gian đô thị; các dự án phát triển đô thị; hệ thống hạ tầng khung để triển khai các dự án đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng và kiểm soát sự phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch trên địa bàn quận.

Trong khi đó, theo Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Thốt Nốt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 259/QĐ-UBND), phạm vi quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính của quận Thốt Nốt, diện tích khoảng 12.104ha. Tính chất khu vực lập quy hoạch: là khu đô thị của TP Cần Thơ; trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và công nghiệp phụ trợ; trung tâm kho vận cấp vùng; trung tâm thương mại-dịch vụ của thành phố và cấp vùng; trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan trên sông Hậu, các khu ở tập trung và ở sinh thái. Đô thị định hướng phát triển không gian gắn với các trục giao thông về đường bộ và đường thủy, bao gồm tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, quốc lộ 80 là trục xương sống đô thị, tuyến sông Hậu và kênh Cái Sắn. Khu đô thị còn được định hướng phát triển khu cảng, khu công nghiệp đa ngành, kết nối với các khu, cụm công nghiệp lân cận (của tỉnh An Giang, Đồng Tháp) tạo thành khu công nghiệp tập trung lớn của vùng ĐBSCL…

Dự kiến dân số quận Thốt Nốt đến năm 2020 khoảng 200.000 người, đến năm 2030 khoảng 240.000 người. Chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật: đất xây dựng đô thị từ 150 đến 200 m2/người, đất dân dụng đô thị từ 80-90 m2/người… Một số chỉ tiêu chính về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cần đạt cơ bản như: đất ở bình quân đầu người 55m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân lớn hơn hoặc bằng 29m2 sàn/người; đất cây xanh đô thị lớn hơn hoặc bằng 12m2/người; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị lớn hơn hoặc bằng 8m2/người; tỷ lệ đất giao thông và giao thông tĩnh so với diện tích đất xây dựng đô thị lớn hơn hoặc bằng 20%... UBND thành phố cũng yêu cầu ngành chức năng thành phố nghiên cứu đề xuất phát triển không gian đô thị nhằm thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ và quận Thốt Nốt, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và thành phố.

Triển khai lập đồ án quy hoạch

Để quy hoạch khả thi, UBND TP Cần Thơ yêu cầu ngành chức năng thành phố lựa chọn tổ chức tư vấn lập đồ án quy hoạch phân khu quận Ô Môn và quận Thốt Nốt theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Thời gian lập đồ án quy hoạch 8 tháng kể từ khi lựa chọn được nhà thầu đến lúc được phê duyệt. Cơ quan thẩm định đồ án quy hoạch là Sở Xây dựng thành phố, cơ quan phê duyệt đồ án quy hoạch là UBND thành phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Huỳnh Văn Sáu, quy định sau khi có Quy hoạch chung TP Cần Thơ, thành phố phải tổ chức lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và các quy hoạch phân khu để làm cơ sở định hướng phát triển đô thị TP Cần Thơ. Ông Huỳnh Văn Sáu cho biết, sau khi Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn và quận Thốt Nốt được phê duyệt, Sở đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn lập các đồ án quy hoạch phân khu này. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố và hai địa phương lập quy hoạch trong thời gian tới. Trên cơ sở quy hoạch kinh tế-xã hội của thành phố và của các quận sẽ lồng ghép vào lập quy hoạch các phân khu này. Trong năm 2018, ngành xây dựng thành phố cũng phấn đấu hoàn thành và trình phê duyệt tất cả các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000 các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt.

Quy hoạch phân khu đô thị để làm cơ sở cho các địa phương lập các quy hoạch tỷ lệ 1/2000, 1/500, triển khai thực hiện các dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương... Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn Nguyễn Thanh Tao cho biết thời gian tới, quận sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn lập quy hoạch cung cấp hiện trạng, các số liệu cần thiết, các quy hoạch nhằm đảm bảo quy hoạch phân khu phải phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn quận.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết