17/07/2023 - 13:57

Quy định pháp luật về tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo 

Hỏi: Theo quy định, cơ quan nào có trách nhiệm tiếp công dân?

Ðáp: Căn cứ Luật Tiếp công dân hiện hành, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân gồm: Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục; UBND các cấp; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các cơ quan của Quốc hội; HÐND các cấp; tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước. Ðại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban MTTQVN, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Hỏi: Công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh có những quyền và nghĩa vụ gì?

Ðáp:  Luật Tiếp công dân quy định khi đến nơi tiếp công dân, người KNTC, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau đây: trình bày về nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh; được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến KNTC, kiến nghị, phản ánh của mình; KNTC về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân; nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý KNTC, kiến nghị, phản ánh; trường hợp người KNTC, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch; các quyền khác theo quy định của pháp luật về KNTC.

Khi đến nơi tiếp công dân, người KNTC, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây: nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân; trường hợp nhiều người cùng KNTC, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung KNTC của mình.

Hỏi: Người dân thực hiện việc KNTC, kiến nghị, phản ánh sẽ nhận kết quả trả lời trong thời gian bao lâu?

Ðáp: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến KNTC, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây: KNTC, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết; việc xem xét KNTC để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; từ chối thụ lý đối với KNTC không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý; nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết KNTC có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết KNTC cho người KNTC theo quy định của pháp luật về KNTC…

H.Y

Chia sẻ bài viết