06/11/2014 - 08:33

Quốc hội thảo luận 3 dự thảo, dự án luật

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 5-11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Với 11 chương, 98 điều, dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân kế thừa và phát triển trên cơ sở cơ cấu, bố cục lại các quy định trong hai luật về bầu cử hiện hành. Những quy định của dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Hiến pháp mới, đồng thời nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hóa một số nội dung trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2011.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật; cũng như phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật. Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát các quy định của Hiến pháp để cụ thể hóa các quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, các quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia.

Thảo luận dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo luật phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn và bầu ra những người ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Bảo đảm sự phù hợp của Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật để công dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử của mình…

Trên cơ sở tán thành cần có quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử nhưng một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn để bảo đảm có sự thống nhất trong thực hiện, tạo điều kiện cho người ứng cử sử dụng được một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân, song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình bầu cử.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, đa số đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi tên gọi của Luật thành “Luật Giáo dục nghề nghiệp” và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật để thống nhất lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp phát triển, đáp ứng cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu tập trung thảo luận về: Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp; chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp; tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề...

Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo Tờ trình, dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) vẫn giữ đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhưng có sửa đổi, bổ sung nhằm khẳng định truyền thống của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức kết nối giữa Nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm tới hai nội dung về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam (Chương V) và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI). Đối với hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, so với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.

Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần phân định rõ giám sát của MTTQ Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Nghiên cứu các hình thức giám sát cho phù hợp, đa dạng, phong phú hơn nhằm bảo đảm việc giám sát mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tạo nên sự nặng nề, trùng lắp tầng nấc giám sát.

Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI), các ý kiến cho rằng việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết.

Theo chương trình, ngày 6-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Chia sẻ bài viết