01/11/2012 - 08:36

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Quan tâm nhiều đến vấn đề giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(TTXVN)- Tiếp tục ngày thảo luận thứ 2 tại hội trường, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2013, các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm nhiều đến vấn đề giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng trong buổi thảo luận, một số bộ trưởng, trưởng ngành đã làm rõ hơn một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội còn nhiều tranh luận.

Đa số các đại biểu ghi nhận thành tích phát triển KT-XH trong bối cảnh đặc biệt khó khăn của nền kinh tế; đồng thời cũng thẳng thắn trao đổi về những tồn tại yếu kém của trong quản lý, điều hành và đề xuất nhiều giải pháp cho những tháng còn lại cuối năm 2012 và năm 2013.

Đề cập đến những thách thức và những yếu kém của nền kinh tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng: doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; hàng tồn kho lớn, trong khi hàng nhập lậu vẫn xuất hiện tràn lan; nợ xấu ngân hàng vẫn là bài toán chưa có lời giải; DN khó tiếp cận nguồn vốn vay; thị trường bất động sản (BĐS) chưa phục hồi, tái cơ cấu kinh tế mới chỉ bắt đầu... Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng có những giải pháp điều hành, khắc phục, tháo gỡ những điểm ách tắc của nền kinh tế, khôi phục ổn định và phát triển sản xuất.

Chia sẻ với những quan ngại của các đại biểu Quốc hội đối với những khó khăn của DN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết,
hệ thống ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiệm vụ gia nợ, giãn nợ cho các tổ chức tín dụng, từ tháng 4 đến nay, đã có 36.000 tỉ đồng nợ xấu được gia nợ, giãn nợ. Hiện, Ngân hàng cũng đang phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều buổi giao lưu với DN, ngân hàng thương mại để tìm hiểu những khó khăn cụ thể của từng DN, ngân hàng cụ thể, để có biện pháp tháo gỡ.

Giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ cho biết, để có thể tăng lương theo lộ trình (thời điểm 1-5-2013), dự kiến cần phải có 60.000-65.000 tỉ đồng. Điều này là vượt quá khả năng cân đối ngân sách trong năm 2013 do thu ngân sách 2012 đạt thấp và có thể không đạt dự toán, mức thu năm 2013 cũng rất khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ dự kiến báo cáo Quốc hội chỉ thực hiện tăng lương tối thiểu cho cán bộ nghỉ hưu, người có công và trợ cấp khó khăn cho cán bộ công chức có hệ số tiền lương thấp. Tuy nhiên, qua thảo luận của các đại biểu Quốc hội và để đáp ứng nhu cầu của người hưởng lương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, dự kiến trình Quốc hội quyết định phương án tăng lương ngay sau khi xem xét, quyết định dự toán ngân sách 2013 với phương án tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công ở mức 100.000 đồng/tháng bắt đầu từ 1-7-2013.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.

Các đại biểu nhất trí với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về bối cảnh kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN. Đồng thời, đề nghị, cần đánh giá tổng quát, cụ thể về tác động, bất cập phát sinh và kết quả của việc triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, đặc biệt là chính sách miễn, giảm, giãn thuế trên diện rộng, chính sách cắt giảm đầu tư công để làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách trong những năm sau.

Nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội khó khăn, thu NSNN năm 2012 có khả năng chỉ đạt dự toán và đồng tình với nhận định của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về những nguyên nhân khiến kết quả thu NSNN năm 2012 chưa đạt ở mức kỳ vọng. Trong bối cảnh thu cân đối NSNN gặp nhiều khó khăn, thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, việc Chính phủ giữ mức bội chi NSNN là 4,8% GDP như Quốc hội đã quyết định đã là cố gắng lớn.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, năm 2013, tình hình thu, chi NSNN tiếp tục khó khăn; các cân đối lớn trở nên bức xúc, gay gắt khi nhu cầu chi tiêu quá lớn, khả năng đáp ứng của NSNN lại quá hạn hẹp. Do đó, Chính phủ cần làm rõ quan điểm, định hướng việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2013 để có phương án xây dựng dự toán NSNN phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải dành một khoản từ tiết kiệm chi tiêu để khắc phục bớt khó khăn của các đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí, cán bộ công chức hưởng lương thấp. Trong bối cảnh cân đối NSNN năm 2013 gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh lương có thể chưa thực hiện được song cũng phải tiết kiệm chi để dành một số tiền cho việc nâng mức hưởng vốn đang rất ít ỏi của những đối tượng này.

Về dự toán chi NSNN năm 2013, nhiều đại biểu đề nghị trong bối cảnh cân đối NSNN hạn hẹp, phải hạn chế tối đa việc ban hành chính sách chi mới, bãi bỏ kịp thời những chính sách chi kém hiệu quả, cơ cấu lại các khoản chi trên tinh thần tiết kiệm, chủ động cắt, giảm những khoản chi chưa thật sự cấp bách, đồng thời làm rõ lĩnh vực, nhiệm vụ cần ưu tiên.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã giải trình thêm một số vấn đề về bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2012; phát hành trái phiếu Chính phủ; chương trình mục tiêu quốc gia... Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại cách bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hơn nữa hiệu quả. Trong các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ vốn sự nghiệp rất lớn nên không có nguồn lực để cân đối.

Theo Chương trình, ngày 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.

Chia sẻ bài viết