26/09/2022 - 08:26

Quận Ô Môn triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người dân 

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Quận Ô Môn đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo chủ trương của Chính phủ và TP Cần Thơ. Nhờ vậy, các hộ kinh doanh, người lao động trên địa bàn đã phục hồi sản xuất, kinh doanh, có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lê Văn Bé, kinh doanh tạp hóa và nước giải khát ở khu vực Thới Mỹ (bìa trái) được hỗ trợ 3 triệu đồng do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Từ nhiều năm nay, nguồn thu nhập của gia đình ông Trần Văn Thành ở khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long là chạy "xe ôm", bán cơm. Năm 2021, do dịch COVID-19 bùng phát, phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, cuộc sống gia đình ông Thành gặp nhiều khó khăn. "Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm chúng tôi đang làm ăn ổn định. Ðể đảm bảo các yêu cầu trong phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi phải tạm dừng các hoạt động, thành ra cũng không có nguồn thu nào khác. Những tháng cuối năm 2021, gia đình chúng tôi rơi vào cảnh túng quẫn” - ông Thành kể lại.

Bây giờ, gia đình ông Thành đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ông và 2 thành viên trong gia đình được hỗ trợ tổng cộng 6 triệu đồng theo Nghị quyết số 52/NQ-HÐND của HÐND TP Cần Thơ ban hành chính sách hỗ trợ lao động không giao kết hợp đồng lao động trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ (Nghị quyết số 52). Tiệm cơm của gia đình ông đã mở bán trở lại, thu nhập mỗi ngày 300.000 đồng.

Gần nhà ông Thành, gia đình ông Lê Văn Bé, kinh doanh tạp hóa và nước giải khát. Gia đình ông Bé có 6 người, khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, phải đóng cửa tiệm. Cũng nhờ được hỗ trợ 3 triệu đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết số 68), gia đình ông Bé vơi bớt khó khăn. Ngay sau thời gian giãn cách xã hội, gia đình ông đã kinh doanh trở lại. Ông Bé chia sẻ: “Lúc khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng, tuy không lớn nhưng đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và động viên đối với người dân. Số tiền đó rất quý giá, giúp gia đình tôi trang trải nhu cầu tối thiểu trong lúc khó khăn”.  

Theo ông Trần Sĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Thới Long, đến nay, phường có 93 hộ kinh doanh được hỗ trợ 297 triệu đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; có 7.152 người lao động được hỗ trợ gần 14,1 tỉ đồng theo Nghị quyết số 52 của HÐND thành phố; có 207 người về từ vùng dịch được hỗ trợ 103,5 triệu đồng theo Kế hoạch số 207/KH-UBND của UBND thành phố về tổ chức tiếp nhận người dân Cần Thơ trở về từ vùng dịch... Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động được rà soát kỹ lưỡng, xét duyệt dân chủ và công khai, cấp phát kịp thời nên không xảy ra sai sót, không có khiếu nại.

Theo bà Ðỗ Thị Ngọc Hoa, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn, nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Phòng đã khẩn trương phối hợp triển khai rà soát, lập danh sách, thẩm định những người thuộc đối tượng nhận hỗ trợ... Ðến nay, toàn quận có 927 hộ kinh doanh được hỗ trợ hơn 2,78 tỉ đồng và có 860 người bán vé số được hỗ trợ 1,72 tỉ đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; có 47.292 người được hỗ trợ hơn 94,58 tỉ đồng theo Nghị quyết số 52 của HÐND thành phố. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh, người lao động tự do đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực, khiếu nại, tố cáo.

Bà Ðỗ Thị Ngọc Hoa cho biết: “Nhờ thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời và thực hiện mô hình vừa sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, từ đầu năm 2022 đến nay, hầu hết các hộ kinh doanh, người lao động trong quận có việc làm và thu nhập ổn định. Các cấp, các ngành, đoàn thể quận quan tâm công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19 và những lao động trở về từ ngoại tỉnh để họ sớm quay trở lại làm việc, ổn định cuộc sống. Trong 9 tháng đầu năm, quận giải quyết việc làm cho 7.613 người, đạt 111,7% kế hoạch năm”.

Chia sẻ bài viết