14/09/2021 - 08:13

Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý 

Đối với vụ án, vụ việc được trợ giúp viên pháp lý hoàn thành trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL), việc xác định chất lượng vụ án, vụ việc TGPL được quy định các tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Báo Cần Thơ xin giới thiệu đến bạn đọc quy định về việc quản lý chất lượng vụ việc TGPL.

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ kiểm tra công tác TGPL tại Chi nhánh số 5 (Ô Môn, Bình Thủy).

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ kiểm tra công tác TGPL tại Chi nhánh số 5 (Ô Môn, Bình Thủy).

Việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL được xem là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền nhằm đánh giá quá trình thực hiện TGPL của người thực hiện TGPL. Qua đó, đưa ra những kết luận khách quan, chính xác về mức độ chất lượng của vụ việc TGPL đã hoàn thành làm cơ sở để đề ra và thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL của người thực hiện TGPL. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của tổ chức thực hiện TGPL, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. 

Tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm tổ chức thẩm định chất lượng vụ việc TGPL do người thực hiện TGPL của tổ chức mình thực hiện để có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng vụ việc TGPL. Kết quả thẩm định chất lượng vụ việc TGPL được thể hiện bằng văn bản và lưu hồ sơ vụ việc TGPL. Cơ quan quản lý nhà nước về TGPL có trách nhiệm quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng.

Việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL căn cứ vào tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc TGPL quy định tại Điều 16, Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28-8-2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL. Theo đó, Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thuộc UBND  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch đánh giá chất lượng. Trong đó, xác định rõ phạm vi; tỷ lệ vụ việc, bảo đảm người thực hiện TGPL có vụ việc được đánh giá; cách thức tiến hành đánh giá và các điều kiện cần thiết khác (nếu có) để thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Kết quả đánh giá chất lượng vụ việc TGPL được thể hiện bằng văn bản. Khi thực hiện đánh giá chất lượng các vụ việc, cơ quan có thẩm quyền đánh giá theo quy định có thể mời các trợ giúp viên pháp lý, luật sư có kinh nghiệm, chuyên gia pháp luật tham gia đánh giá hoặc tư vấn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL phức tạp. Người được mời tham gia phải có ý kiến bằng văn bản đối với vụ việc được yêu cầu đánh giá.

Việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL dựa trên 3 tiêu chí. Tiêu chí về trách nhiệm nghề nghiệp của người thực hiện TGPL (30 điểm): tuân thủ pháp luật, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; giải thích, hướng dẫn, cung cấp thông tin kịp thời về vụ việc cho người được TGPL; bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện vụ việc. Tiêu chí về thực hiện TGPL (60 điểm): thực hiện TGPL phù hợp với yêu cầu TGPL và phạm vi được phân công; thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc; nghiên cứu và áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm nội dung TGPL đúng và phù hợp với pháp luật; tham gia các hoạt động tố tụng hoặc tham gia các hoạt động đại diện ngoài tố tụng để kịp thời có giải pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL; quá trình thực hiện TGPL được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ việc TGPL. Tiêu chí về sự hài lòng của người được TGPL trên cơ sở ý kiến phản hồi của người được TGPL hoặc người thân (10 điểm).

Xếp loại chất lượng vụ việc TGPL: vụ việc chất lượng tốt (vụ việc có tổng số điểm đạt từ 90 điểm trở lên); vụ việc chất lượng khá (vụ việc có tổng số điểm đạt từ 70 đến dưới 90 điểm); vụ việc đạt chất lượng (vụ việc có tổng số điểm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm); vụ việc không đạt chất lượng (vụ việc có tổng số điểm đạt dưới 50 điểm hoặc vụ việc mà người thực hiện TGPL hoặc tổ chức thực hiện TGPL vi phạm điều cấm theo quy định của Luật TGPL). 

HOÀNG YẾN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết