05/06/2018 - 07:34

Phòng tai nạn thương tích cho trẻ 

Trong 5 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ tiếp nhận điều trị tai nạn thương tích (TNTT) ngoại trú cho 3.456 trẻ và điều trị nội trú cho 519 trẻ. Điều đáng nói, đa số trường hợp tai nạn xảy ra do sự bất cẩn của người lớn. Mùa hè, trẻ có nhiều thời gian vui chơi, nếu thiếu sự chăm sóc, quan tâm của người lớn, nguy cơ bị TNTT rất cao...

Bé Kiều Trang bị bỏng nước sôi. Ảnh: H.HOA
Bé Kiều Trang bị bỏng nước sôi. Ảnh: H.HOA

Sự bất cẩn của người lớn

Nhìn con nằm thiêm thiếp, chân bó bột, chị Nguyễn Thị Tuyết Phương, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, xót xa nói: “Nhà cặp lộ, tôi sợ con băng qua đường nên làm cổng rào, thường xuyên kéo lại. Chỉ sơ suất một chút, người lớn ra vào, quên kéo cổng rào, cháu chạy từ nhà băng qua đường, bất ngờ, xe đang chạy trên đường không thắng kịp. Bé bị tai nạn gãy chân, phải bó bột”.

Còn bé Nguyễn Thị Kiều Trang, hơn 2 tuổi, ở xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đang điều trị bỏng cánh tay trái tại Khoa Ngoại tổng quát, BVNĐ TP Cần Thơ, cũng do một phút sơ ý của người lớn. Mẹ của Kiều Trang kể: “Lúc cả nhà ăn lẩu gần xong, mọi người tản ra bớt, bé giỡn, đi thụt lùi, không may bị té, cánh tay trái chống xuống, lọt vào nồi lẩu. Dù nồi lẩu chỉ còn hơn 1 chén nước, không còn sôi nhưng vẫn bị bỏng. Gia đình hoảng quá, lấy nước lạnh xối lên rồi chạy ra phòng khám tư. Đêm đó, thấy bé không bớt, da phồng rộp, sáng hôm sau, gia đình vội đưa lên BVNĐ TP Cần Thơ”. Mẹ của Kiều Trang cũng cho biết thêm, mới đây, một cháu trong nhà cũng bị bỏng nước sôi. Người nhà bất cẩn làm đổ nước sôi pha sữa trên kệ bàn, cháu với lên, tay nhúng vào ca nước sôi, tuột cả da tay. Cách đây mấy năm, anh trai của Kiều Trang, đi xuống ghe tìm cha, sơ sẩy rớt xuống sông, may là ông ngoại nhìn thấy, cứu kịp.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết: Khoa thường xuyên tiếp nhận trẻ bị TNTT, phần lớn trẻ nhỏ, dưới 5 tuổi là do sơ suất của người lớn. Các cháu ở độ tuổi này còn quá nhỏ, chưa có nhận thức được nguy hiểm nên có tình trạng đút tay vào ổ điện, chụp tay vào ca nước sôi, uống xăng, uống thuốc trừ sâu do người lớn bất cẩn đựng vào chai nước suối… Còn ở trẻ lớn hơn, do các cháu hiếu động chạy nhảy trợt té, tắm sông (đuối nước)…

Khoa Ngoại tổng quát thường tiếp nhận các cháu bị đút chân vào căm xe. Các cán bộ, nhân viên trong Khoa vẫn còn “ám ảnh” một cháu bị đút chân vô căm xe gắn máy, nát vùng cổ chân. Các bác sĩ điều trị bảo tồn mất gần nửa năm. Hiện nay, cháu đi lại được nhưng không chạy được. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Tiến, các cháu bị tai nạn phần lớn là ngồi sau, chân không có chỗ gác hoặc mũi chân vừa chạm đến gác chân, khi chạy xe dằn xóc, theo phản xạ, chân quắp vô bánh xe. Từ đó, xảy ra tai nạn thương tâm.

Sơ cứu không đúng, nhẹ thành nặng

Theo số liệu thống kê của BVNĐ TP Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm 2018, TNTT ở trẻ em giảm trên 60% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng lưu ý, trẻ bị đuối nước có 1 trẻ, giảm 10 trẻ so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, điều đáng lo là một số trường hợp bị tai nạn nhẹ nhưng thành rất nặng do gia đình sơ cứu không đúng. Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến kể: Vừa qua, có 1 ca bị gãy tay phải. Gia đình đưa đi bó thuốc, gây thiếu máu cục bộ các cơ gấp, nhiễm trùng, hoại tử. Dù cố gắng điều trị, không phải đoạn chi nhưng tay phải bị liệt.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị TNTT, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trong TNTT, tai nạn gãy xương, gãy các phần khác của chi chiếm gần 85%. Với trẻ bị gãy xương, không được tự nắn chỗ gãy, mà nên dùng nẹp, cây gỗ cố định chỗ gãy. Trong điều trị ngoại chấn thương hiện nay, khuynh hướng điều trị là trả lại sinh hoạt cho bệnh nhi càng sớm càng tốt. Chỉ định phẫu thuật cũng rộng rãi hơn trước. BVNĐ TP Cần Thơ có triển khai phương pháp phẫu thuật nắn-kết hợp xương dưới màn tăng sáng (máy C-arm). Hiện nay, khoảng 90% các ca chấn thương liên quan đến xương, Khoa Ngoại điều trị bằng phương pháp này, không có vết mổ, trên da chỉ có các lỗ kim, thời gian nằm viện ngắn, ít biến chứng, hiệu quả cao. Sau thời gian phẫu thuật, bệnh nhi cần có thời gian nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu. Quan trọng nhất, gia đình phải tuân thủ lịch hẹn tái khám để bác sĩ kiểm tra lại và hướng dẫn bệnh nhi tập vật lý trị liệu. Dù chưa đến lịch hẹn, nếu thấy vết thương sưng, đau nhức, có dịch nước... nhanh chóng đưa cháu lên BV để bác sĩ kiểm tra lại.

Theo các bác sĩ, trong ngày hè, vai trò của cha mẹ và người chăm sóc trẻ trong phòng tránh TNTT là hết sức quan trọng. Phụ huynh cần rà soát, loại bỏ hoặc che chắn cẩn thận đồ đạc trong và ngoài nhà có thể gây nguy hiểm cho con trẻ; không nên để trẻ đến gần những nơi nguy hiểm như bếp than, lò sưởi, thiết bị điện. Trẻ nhỏ hiếu động, thích leo trèo, vì thế cầu thang phải có lan can; cửa sổ, ban công phải có rào chắn bảo vệ. Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh kính... hoặc các vật nhỏ dễ gây hóc như cúc áo, đồng xu, viên bi, hạt đậu phộng, trái cây (táo, chôm chôm…). Không đựng thuốc tẩy, hóa chất, xăng, dầu vào các chai nước và phải để chúng xa tầm với của trẻ. Không để trẻ ở một mình khi gần bể bơi, ao, hồ, sông, suối... Với những trẻ lớn hơn, khi có tham gia giao thông, người thân cần thường xuyên nhắc nhở, giám sát các cháu tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ. Nhân dịp hè, các gia đình có trẻ nhỏ nên cho cháu đi học bơi, các lớp tập huấn kỹ năng thoát hiểm…

H.HOA

Chia sẻ bài viết