21/06/2016 - 10:01

PHÒNG CHỐNG BỆNH CHỔI RỒNG TRÊN NHÃN BẰNG GIẢI PHÁP TỔNG HỢP

Nhãn là một trong những loại cây ăn trái có diện tích trồng khá lớn tại TP Cần Thơ và cũng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều nhà vườn. Tuy nhiên, sự xuất hiện và bùng phát của bệnh chổi rồng trên cây nhãn trong những năm gần đây đã khiến năng suất, sản lượng của nhiều vườn nhãn bị sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Để phòng, chống hiệu quả bệnh chổi rồng, nhiều chuyên gia cho rằng, nông dân cần quan tâm thực hiện các giải pháp tổng hợp.

*Sản lượng giảm

Hiện nay, TP Cần Thơ có trên 14.950 ha trồng cây ăn trái các loại. Các loại cây ăn trái được trồng nhiều gồm: dừa với hơn 2.300 ha, xoài các loại 2.548ha, nhãn hơn 1.837ha, chuối 1.458ha, chanh khoảng 1.127ha, dâu 819ha, cam 771ha, bưởi 399ha, mận 593ha, sầu riêng 537ha, măng cụt 328ha, chôm chôm 316 ha… Riêng đối với cây nhãn, thời gian qua được phát triển trồng tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Cái Răng, Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn, Thốt Nốt… với các giống: nhãn tiêu da bò, xuồng cơm vàng, nhãn long, nhãn Ido… Trong đó, nhãn tiêu da bò (tiêu Huế) chiếm diện tích nhiều nhất do đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, nhãn tiêu da bò cũng chính là đối tượng bị bệnh chổi rồng và thiệt hại nặng nhất trong thời gian qua. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố hiện có khoảng 1.284ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, trong đó diện tích nhiễm nặng (tỷ lệ bệnh trên 70%) là 288ha, diện tích nhiễm trung bình (tỷ lệ bệnh từ 30-70%) là 555ha và diện tích nhiễm nhẹ (dưới 30%) là 441ha.

Thu hoạch nhãn tiêu da bò tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền.

Nhiều nhà vườn cho biết, hiệu quả kinh tế từ cây nhãn là tương đối cao. Tuy nhiên, đối với những vườn nhãn bị nhiễm bệnh và không được nhà vườn quan tâm phòng trị bệnh và chăm sóc đúng mức thì hiệu quả kinh tế rất thấp. Theo ông Nguyễn Út Em, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, trên địa bàn huyện hiện có 412ha nhãn, trong đó 350ha đang cho trái. Thời gian qua, diện tích nhãn của huyện cho năng suất trái bình quân từ 10-20 tấn/ha và nhiều nông dân trồng nhãn có thể đạt mức thu nhập từ 300-350 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ việc trồng nhãn của nhiều bà con cũng có xu hướng bị sụt giảm do dịch bệnh chổi rồng bùng phát thời gian qua. Huyện hiện có trên 52ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, trong đó có khoảng 20ha bị nhiễm bệnh nặng và trung bình, 30ha nhiễm nhẹ. Ông Nguyễn Thanh Chân, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật quận Ninh Kiều-Cái Răng cũng cho biết, nhiều vườn nhãn trên địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng cũng đang bị giảm năng suất, sản lượng trái do bệnh chổi rồng làm cho nhãn giảm tỷ lệ ra bông và đậu trái. Trong tổng diện tích trên 513ha nhãn tại địa bàn 2 quận thì có 50ha bị nhiễm bệnh nặng (tỷ lệ nhiễm trên 70%), hơn 120ha nhiễm bệnh trung bình (từ 30-70%) và 293,8ha nhiễm bệnh nhẹ. Thời gian qua, nhà vườn đã chuyển trên 31ha nhãn sang các loại cây trồng khác hoặc lấy đất phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, xây cất nhà.

*Thực hiện các giải pháp tổng hợp

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của bệnh chổi rồng trên nhãn và giá cả đầu ra sản phẩm trên thị trường nhiều lúc còn bấp bênh nên thời gian qua đã có không ít nhà vườn chặt bỏ nhãn hoặc có ý định bỏ nhãn để chuyển sang các loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Thanh Liêm, ngụ khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, cho biết: "Tôi có 2 công nhãn đã trồng được 18 năm. Bệnh chổi rồng đã làm năng suất cho trái vườn nhãn của tôi bị sụt giảm hơn 20% so với trước đây. Vụ trái vừa qua, vườn nhãn của tôi chỉ cho sản lượng trái khoảng 1,2 tấn. Hiện tôi đã trồng xen chôm chôm vào vườn nhãn. Tới đây, khi chôm chôm cho trái, tôi sẽ phá bỏ nhãn".

Mặc dù vậy, nhiều nhà vườn cũng đã tích cực trong thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng chống bệnh chổi rồng để giữ lại vườn nhãn. Anh Bằng Thành Dũng, ngụ ấp Trường Trung, xã Trường Thành, huyện Thới Lai có 8 công nhãn tiêu da bò đã trồng được 12 năm tuổi. Anh Dũng cho biết: "Dù vườn nhãn của tôi bị nhiễm bệnh chổi rồng từ các năm trước, khiến sản lượng nhãn bị sụt giảm khoảng 50% so với lúc chưa có bệnh nhưng tôi quyết giữ lại vườn nhãn chứ không đốn bỏ. Qua sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp tại địa phương và nắm bắt các thông tin từ báo đài, Internet tôi đã thực hiện các biện pháp phun thuốc trừ nhện lông nhung, kết hợp với các biện pháp chăm sóc, bón phân, tưới nước phù hợp nhằm tăng sức đề kháng cho cây nhãn. Kết quả, những vụ nhãn gần đây năng suất cho trái của nhãn đã tăng trở lại và càng mừng hơn khi các đợt thu hoạch trái vừa qua tôi bán được nhãn với giá khá cao từ 18.000- 21.000 đồng/kg".

Theo ông Nguyễn Thanh Chân, Trưởng Trạm bảo vệ thực vật quận Ninh Kiều-Cái Răng, được sự hỗ trợ của Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, năm 2015 Trạm Bảo vệ thực vật quận Ninh Kiều-Cái Răng đã triển khai dự án " Xây dựng mô hình tuyên truyền các giải pháp quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn ở một số tỉnh ĐBSCL và Hưng Yên". Thông qua dự án này, có 3 hộ dân trồng nhãn trên tổng diện tích 3ha tại quận Cái Răng được hỗ trợ một phần chí phí để tham gia xây dựng mô hình phòng chống bệnh chổi rồng. Người trồng nhãn được tập huấn, nắm rõ qui trình phòng chống bệnh, được củng cố, nâng cao kiến thức quản lý, canh tác nhãn, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ. Qua đó, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, phân biệt và lựa chọn nhãn thuốc đem lại hiệu quả cao hơn trước. Nông dân đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tế, áp dụng theo từng thời vụ, giúp nhãn dần phục hồi, cho năng suất tốt. Năm 2016, Trạm bảo vệ thực vật quận Ninh Kiều-Cái Răng tiếp tục hỗ trợ duy trì mô hình trên, đồng thời có kế hoạch mở rộng mô hình lên thêm 1ha.

Để phòng chống hiệu quả bệnh chổi rồng trên nhãn, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ khuyến cáo, các địa phương cần quan tâm hướng dẫn nhà vườn trong việc sử dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, bao gồm cả các biện pháp phun thuốc, chăm sóc cây đến các giải pháp về giống, về mùa vụ… Thời điểm mùa mưa là điều kiện thuận lợi để nông dân tại các địa phương đồng loạt ra quân thực hiện công tác phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn.

Ông Nguyễn Thanh Chân cho biết: "Trong phòng chống bệnh chổi rồng trên nhãn, ngoài việc lựa chọn, phun thuốc phòng trị bệnh đúng cách và đúng thuốc cho hiệu quả, thì việc chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho cây nhãn là cực kỳ quan trọng". Ông Nguyễn Út Em, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền, cũng cho biết: "Thời gian qua, cùng với việc khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phun thuốc, bón phân và chăm sóc tốt cho cây nhãn nhằm chống lại bệnh chổi rồng, ngành nông nghiệp địa phương còn khuyến cáo nông dân phát triển trồng giống nhãn ít bị nhiễm bệnh chổi rồng là nhãn Ido. Đến nay, nông dân tại huyện đã phát triển trồng được gần 100ha nhãn Ido và nhiều vườn nhãn Ido đang cho hiệu quả kinh tế khá tốt nhờ có năng suất trái tốt và giá bán thường cao hơn nhãn tiêu da bò". Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cũng đã kiến nghị UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên nhãn để hỗ trợ nhà vườn duy trì vườn nhãn.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết