13/08/2024 - 17:47

Phơi nhiễm nhựa gây tự kỷ ở bé trai? 

Theo một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Nature Communications, phơi nhiễm với hóa chất bisphenol A (BPA) từ lúc còn trong bụng mẹ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở các bé trai.

Hóa chất trong nhựa có thể ảnh hưởng đến nguy cơ khởi phát chứng tự kỷ.

Vì là một phụ gia phổ biến trong nhựa cứng, BPA xuất hiện trong nhiều sản phẩm nhựa dùng để đựng thực phẩm và thức uống, khiến người tiêu dùng dễ tiếp xúc với BPA mỗi ngày. BPA có thể mô phỏng các tác động của hoóc-môn estrogen trong cơ thể. Mặc dù tác động này yếu, nhưng vẫn đặt ra những lo ngại về ảnh hưởng của BPA tới sức khỏe tổng thể. Một số quốc gia cũng đã cấm sử dụng BPA trong bình sữa trẻ em để phòng ngừa các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.

Còn tự kỷ là một rối loạn về phát triển não bộ, được chẩn đoán dựa trên những khó khăn trong kỹ năng giao tiếp xã hội, ngôn ngữ bị hạn chế và các kiểu hành vi lặp đi lặp lại. Những người mắc chứng tự kỷ có thể gặp phải các vấn đề khác như co giật, thay đổi chức năng vận động, lo lắng, các vấn đề về cảm giác, vấn đề về giấc ngủ cũng như rối loạn đường ruột. Các triệu chứng này có mức độ nghiêm trọng khác nhau, vì vậy những người mắc chứng tự kỷ sẽ đối mặt với những trải nghiệm khó khăn khác nhau trong cuộc sống.

Ðặc điểm di truyền có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chứng tự kỷ khi có hơn 1.000 gien liên quan đến rối loạn về phát triển thần kinh này. Ngoài yếu tố gien, các yếu tố môi trường cũng có thể góp phần gây ra chứng tự kỷ. Ví dụ, một số loại thuốc chống co giật không còn được phép kê đơn cho phụ nữ mang thai do chúng làm tăng nguy cơ khiến con họ mắc các rối loạn về phát triển thần kinh, bao gồm chứng tự kỷ.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đã xem xét việc phơi nhiễm BPA trong tử cung và nguy cơ khởi phát tự kỷ trên 1.074 trẻ em Úc. Khi ghi nhận 43 trẻ (29 bé trai và 14 bé gái) mắc chứng tự kỷ trong độ tuổi từ 7-11, nhóm nghiên cứu rà soát lại kết quả xét nghiệm nước tiểu thu thập từ 847 bà mẹ vào cuối thai kỳ và đo lượng BPA, sau đó tập trung phân tích các mẫu có mức BPA cao nhất. Họ cũng đánh giá các thay đổi gien bằng cách phân tích máu từ dây rốn của trẻ khi sinh. Ðiều này nhằm kiểm tra hoạt động của enzyme aromatase, có liên quan đến mức estrogen trong cơ thể. Tình trạng trẻ có những thay đổi gien có thể giúp chỉ ra mức estrogen thấp hơn, được phân loại là có “hoạt động aromatase thấp”. Sau cùng, họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa mức BPA cao ở mẹ và nguy cơ mắc chứng tự kỷ cao hơn ở các bé trai có hoạt động aromatase thấp.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra tác động của phơi nhiễm BPA từ trong tử cung ở chuột. Ở những con chuột tiếp xúc BPA theo cách này, họ thấy hành vi chải lông tăng lên (biểu thị cho hành vi lặp đi lặp lại) và hành vi tiếp cận xã hội giảm xuống. Chúng cũng cho thấy những thay đổi ở vùng hạnh nhân (phụ trách xử lý các tương tác xã hội) của não sau khi phơi nhiễm BPA. Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng nồng độ BPA cao có thể làm giảm hoạt động của enzyme aromatase, từ đó thay đổi quá trình sản xuất estrogen và làm thay đổi cách phát triển của tế bào thần kinh trong não chuột.

Theo các tác giả, tuy nghiên cứu không khẳng định nhựa có chứa BPA gây ra chứng tự kỷ, nhưng nó cho thấy BPA có thể tác động đến nồng độ estrogen ở trẻ sơ sinh và bé trai, từ đó có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng tự kỷ.

AN NHIÊN (Theo MedicalXpress)

Chia sẻ bài viết