01/04/2018 - 18:10

Phối hợp tái tạo nguồn lợi thủy sản 

Những năm qua, công tác tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm, cụ thể hóa bằng hoạt động thả cá hằng năm ra môi trường tự nhiên. Tăng cường công tác quản lý  các hoạt động phóng sinh, thả cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giáo hội Phật giáo TP Cần Thơ vừa ký kết bản ghi nhớ phối hợp thực hiện công tác này.

Việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thiết thực, góp phần bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, cải thiện môi trường, hệ sinh thái, tạo nên sự phong phú của các quần thể, đa dạng sinh học với nhiều giống loài quý hiếm, có giá trị kinh tế. Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, thời gian qua, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các quận, huyện tập trung thực hiện thả cá ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Lượng cá thả ra tự nhiên hằng năm từ 3-5 tấn. Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa to lớn của hoạt động thả phóng sinh đối với việc tái tạo nguồn lợi thủy sản, hoạt động này cũng nảy sinh nhiều bất cập.

Hoạt động thả cá tại quận Bình Thủy. Ảnh: T. TRINH
Hoạt động thả cá tại quận Bình Thủy. Ảnh: T. TRINH

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Do thiếu kiến thức về các loài thủy sản, người dân thường phóng sinh các loài không chọn lọc, bao gồm cả cá cảnh, các giống nhập nội chưa được khảo nghiệm, các loài thủy sinh ngoại lai xâm hại, như: rùa tai đỏ, cá chim trắng. Nếu các loài ngoại lai xâm hại được phát tán ra môi trường tự nhiên sẽ phát triển rất mạnh, chúng cạnh tranh thức ăn và môi trường sống của các loài thủy sản, lấn át các loài bản địa, thậm chí một số loài thủy sản trở thành con mồi cho các loài ngoại lai. Đây là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái tại các thủy vực, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng và phát triển tự nhiên của các loài thủy sản.

Để hoạt động phóng sinh, thả cá thực sự có ý nghĩa về mặt công đức cũng như hiệu quả về tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, theo kế hoạch phối hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giáo hội Phật giáo TP Cần Thơ sẽ tổ chức tuyên truyền đến các tăng ni, phật tử và nhân dân trong toàn thành phố biết ý nghĩa về công tác bảo tồn và tái tạo nguồn lợi các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và tác hại của các loại thủy sinh ngoại lai. Bên cạnh đó, công bố danh mục các loài quý hiếm, danh mục các loài ngoại lai xâm hại và các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; các văn bản quy định của Nhà nước liên quan đến các loài thủy sản quý hiếm, các loài thủy sinh ngoại lai xâm hại và nguy cơ xâm hại, các quy định xử phạt trong việc nuôi giữ, buôn bán, vận chuyển và sử dụng sản phẩm của các loại thủy sản quý hiếm, ngoại lai xâm hại... để các tăng ni, phật tử và nhân dân hiểu biết, chấp hành. Giáo hội Phật giáo thành phố sẽ triển khai đến các chùa, các thiền viện trên địa bàn lồng ghép trong 100% các buổi thuyết pháp về việc phóng sinh như thế nào cho đúng cách, đúng kỹ thuật, vừa bảo đảm được đạo đức tôn giáo vừa góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản. Các cơ quan cũng sẽ phối hợp hướng dẫn, vận động tăng ni, phật tử, người dân thả phóng sinh những giống thủy sản bản địa, quý hiếm, có giá trị kinh tế hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội, đúng quy trình kỹ thuật nhằm tăng tỷ lệ sống của giống thủy sản trong quá trình thả phóng sinh.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố tổ chức thực hiện các hoạt động tập huấn, hội thảo, tuyên truyền (cấp phát 5.000 tờ rơi, 1.000 tờ áp phích…) giáo dục về công tác phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản cho các tăng ni, phật tử trong toàn thành phố. Phối hợp tổ chức thả giống phóng sinh các loài thủy sản tại các buổi lễ phóng sinh được tổ chức vào 2 sự kiện lớn hằng năm: Ngày truyền thống ngành thủy sản 1-4 và tháng 7 Âm lịch hằng năm.

Theo Thượng tọa Thích Bình Tâm, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Cần Thơ, hằng năm, các chùa trên địa bàn đều tổ chức hoạt động phóng sinh thả cá vào các dịp lễ Vu Lan, ngày đưa ông Táo, rằm tháng Giêng... Nội dung hợp tác về lĩnh vực thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất thiết thực, phù hợp với tinh thần nhà Phật và chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước. Giáo hội Phật giáo TP Cần Thơ cùng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các quận, huyện của thành phố sẽ thường xuyên tuyên truyền, vận động các chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật tử tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua hoạt động thả giống phóng sinh, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học…

 T. TRINH

Chia sẻ bài viết