27/07/2018 - 21:12

Phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường 

Những năm qua, tình hình quản lý, xử lý rác thải trên địa bàn từng bước được cải thiện, song, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. TP Cần Thơ tích cực triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý rác thải trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Hiện khoảng 91% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn được thu gom, xử lý. Trong ảnh: Thu gom rác trên đường Võ Văn Kiệt.

Xử lý cơ bản rác thải sinh hoạt, y tế

Trong thời gian qua, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải y tế phát sinh trên địa bàn TP Cần Thơ được thu gom, vận chuyển xử lý theo quy định. Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đạt khoảng 91%, tương đương 650 tấn rác/ngày. Rác thải chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp và đốt tại các bãi rác ở Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ. Thời gian qua, Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố xây dựng và phê duyệt Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, định hướng quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, bao gồm cụ thể các điểm thu gom, xử lý rác thải, lộ trình đóng cửa các bãi rác chôn lấp. Để đảm bảo vệ sinh môi trường tại các bãi rác hiện hữu, hằng tuần, Sở Xây dựng chủ trì Tổ liên ngành kiểm tra tình hình tại các khu xử lý rác, đồng thời lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân xung quanh. Qua đó, kịp thời có giải pháp xử lý các vấn đề bức xúc cũng như báo cáo cấp trên các vấn đề vượt cấp.

Về chất thải y tế, bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn khoảng 1.380kg/ngày bao gồm chất thải nguy hại lây nhiễm và không lây nhiễm. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại thực hiện đúng quy định. Các cơ sở y tế đều có hợp đồng với đơn vị xử lý rác thải nguy hại. Vừa qua, Sở Y tế là chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thuộc dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, giảm chi phí vận chuyển, xử lý như hiện tại. Dự án hiện đã hoàn thành với công nghệ không đốt (hấp nhiệt ướt) kết hợp nghiền cắt, công suất hoạt động khoảng 2.240 kg/ngày. Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm cho 14 bệnh viện gồm: Nhi đồng, Y học cổ truyền, Da liễu, Lao và Bệnh phổi, Ung bướu, Tâm thần, Huyết học Truyền máu, Mắt Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Phụ sản, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Quân y 121, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Tim mạch. Hiện nay Sở Y tế đang xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải từ các bệnh viện đến cụm xử lý.

Đối với chất thải trong khu công nghiệp, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Lượng rác thải từ các khu công nghiệp khoảng 200 tấn/ngày. Trong đó, rác thải công nghiệp thông thường vẫn chưa có điểm xử lý tại thành phố. Hầu hết các doanh nghiệp phải thuê đem đi nơi khác xử lý với chi phí khá cao.

Tháo gỡ khó khăn

 TP Cần Thơ đã nỗ lực nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp nhằm quản lý hiệu quả nguồn rác thải trên địa bàn và đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chuyên môn, TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực này. Cụ thể, tình hình quá tải và ô nhiễm môi trường tại bãi rác ở Ô Môn, Cờ Đỏ khá nghiêm trọng do nước rỉ rác tràn ra ngoài khiến người dân phản ứng. Việc này ảnh hưởng đời sống và sản xuất của người dân xung quanh bãi rác. Hiện TP Cần Thơ vẫn chưa có khu xử lý chất thải công nghiệp thông thường, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thành phố chưa ban hành phân công chức năng nhiệm vụ quản lý chất thải rắn trên địa bàn theo Nghị định mới của Chính phủ. Hoạt động Nhà máy phát điện cần lượng rác đã được phân loại và đảm bảo đủ khối lượng là 400 tấn/ngày. Tuy nhiên, một số địa bàn, người dân vẫn chưa nhận thức rõ về phân loại rác tại nguồn…

 Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Đến nay, nhiều hạng mục Nhà máy đốt rác phát điện đã cơ bản hoàn thành và dự kiến đến tháng 9-2018 đưa hoạt động sẽ giải quyết cơ bản lượng chất thải phát sinh hằng ngày trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy và huyện Thới Lai. Mặt khác, góp phần giải quyết tình trạng quá tải, ô nhiễm tại các bãi rác hiện hữu. Đối với khu xử lý chất thải công nghiệp thông thường đã có quy hoạch tại khu xử lý rác huyện Thới Lai, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét xây dựng tiêu chí phù hợp để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp thông thường tại khu này. Các bãi rác Ô Môn, Cờ Đỏ sẽ tiến hành đóng cửa theo đúng lộ trình đề ra.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Vấn đề xử lý rác thải nói chung hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước rất nan giải. Đây là vấn đề lớn cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ các sở, ban ngành mới có thể thực hiện tốt và đưa vào ổn định. Phó Chủ tịch Đào Anh Dũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố ban hành phân công nhiệm vụ các sở, ngành về quản lý, xử lý rác thải trên địa bàn. Đến cuối tháng 8-2018, trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan rà soát, kiểm tra liên tục, thường xuyên tình hình xử lý rác ở các bãi chôn lấp, đặc biệt trong mùa mưa. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt bảo vệ môi trường tại các khu này. Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra thực hiện phân loại rác tại nguồn ở các địa phương. Trong đó, tính toán lượng rác thải đảm bảo số lượng theo quy định khi nhà máy đi vào hoạt động. Công tác tuyên truyền phải làm sao để chuyển biến nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại rác; xem xét ký kết quy chế thực hiện từng tổ chức, đoàn thể; đẩy mạnh tuyên truyền trực quan sinh động. Thống nhất theo quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghiệp thông thường tại khu xử lý rác tập trung Thới Lai. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các sở liên quan xây dựng tiêu chí kêu gọi đầu tư xử lý, tính toán khối lượng, quy mô nhà máy có định hướng thời gian tới để kêu gọi đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, sớm đề xuất phương án đóng cửa các bãi rác ở Ô Môn, Cờ Đỏ theo đúng tiến độ, thời gian nào, xử lý ra sao… Sở Tài chính xem xét trình giá thu gom, vận chuyển rác thải y tế nguy hại, sớm có giá cụ thể. Qua đó, đảm bảo hiệu quả hoạt động cụm xử lý rác thải y tế…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết