13/05/2017 - 16:54

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành đối thoại với doanh nghiệp thủy sản

Ngày 13-5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Đối thoại về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) liên quan đến quản lý chuyên ngành của 3 Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và Y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: NGUYỄN DÂN (TTXVN)

Một trong những trọng tâm của Nghị quyết số 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thời gian qua, VASEP đã có kiến nghị về một số vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới quản lý chuyên ngành của 3 Bộ: Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, liên quan đến Bộ Y tế, VASEP đề nghị bỏ toàn bộ quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp về an toàn thực phẩm với lý do Luật An toàn thực phẩm không quy định, dẫn theo một số quy định và đang gây khó khăn cho doanh nhiệp khi mất tới 15 ngày, không phù hợp với thông lệ quốc tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận văn bản công bố hợp quy về an toàn thực phẩm, giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận hợp quy về an toàn thực phẩm. Kiến nghị tiếp theo liên quan đến phân công trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trong việc tiếp nhận bản công bố hợp quy thuộc lĩnh vực, nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo nguyên tắc: một cửa, một doanh nghiệp chịu sự quản lý của một bộ.

Đối với đề nghị của VASEP là bỏ toàn bộ quy định về công bố phù hợp theo Nghị định 38, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Căn cứ Luật an toàn thực phẩm, kiến nghị này hợp lý. Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn. Bộ Y tế đã có nhiều Thông tư, trong đó có mức giới hạn, ví dụ như danh mục thuốc thú y dùng trong thực phẩm (67 loại), thuốc bảo vệ thực vật, trước đây để ở thông tư. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của VASEP và chuyển sang quy chuẩn, đúng Luật An toàn thực phẩm.

Về đề nghị đơn giản hóa hồ sơ đăng ký tiếp nhận và trả lời công bố kết quả theo Nghị định 38, Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định: Hiện, Bộ Y tế đã, đang áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Bộ đã triển khai hình thức dịch vụ công trực tuyến từ cuối năm 2014 và tất cả đều đăng ký trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp đánh giá rất cao tác dụng cải cách thủ tục hành chính của dịch vụ này.

Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, VASEP kiến nghị về bất cập vướng mắc liên quan đến xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, bùn thải trong nhà máy chế biến thủy sản, phương án bảo vệ môi trường; vị trí, vai trò, trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong hỗ trợ cho doanh nghiệp; giá trị pháp lý của các số liệu quan trắc tự động. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nêu thực tế có cơ sở thu gom ở địa phương chưa có giấy phép hành nghề hoặc doanh nghiệp thủy sản đã ký hợp đồng cho cơ sở thu gom nhưng vẫn phải cung cấp chứng từ chứng minh cơ sở đã đổ, xử lý chất thải đó ở đâu. Nếu đã ký hợp đồng, cơ sở thu gom phải có trách nhiệm báo cáo với Thanh tra Tài nguyên và Môi trường, chứ không phải là doanh nghiệp thủy sản. Có doanh nghiệp thủy sản phản ánh kể cả rác thải là bao bì các-tông, không phải chất thải nguy hại nhưng doanh nghiệp vẫn bị xử phạt vì không có quy định.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu rõ: Về quản lý chất thải rắn nguy hại, theo quy định, phải có đơn vị đủ điều kiện xử lý, mới được phép tiếp nhận. Vừa qua có doanh nghiệp đã hợp đồng để cơ sở thu gom rác thải đem đi đổ bừa bãi. Những doanh nghiệp ở vùng xa xôi, hẻo lánh thì cơ sở thu gom chất thải nguy hại phải được ủy thác từ doanh nghiệp có đủ điều kiện xử lý. Quy định này được áp dụng riêng đối với chất thải rắn nguy hại, không phải là đối với chất thải rắn thông thường. Tiếp thu kiến nghị của VASEP, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn cụ thể. Bộ khuyến khích địa phương có quy chuẩn phù hợp thực tế. Bộ cũng sẽ có các phương án để tháo gỡ từng trường hợp cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch ban hành thông tư hướng dẫn xử lý chất thải nguy hại và không nguy hại, dự kiến khoảng tháng 8 sẽ ban hành...

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc tới yêu cầu xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo; ban hành nhiều văn bản, Chỉ thị về cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thực tế, ngoài các hội nghị, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, các Phó Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành, địa phương để có nhiều phương thức làm việc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Phó Thủ tướng tin tưởng tọa đàm sẽ là nơi để các bộ, ngành trao đổi với doanh nghiệp, với tinh thần tất cả vì công việc chung, tất cả mọi công việc điều hành của Chính phủ đều công khai, minh bạch với nhân dân, với công luận.

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết