03/09/2018 - 10:35

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, nâng cao thu nhập nông dân 

Những năm qua, thành phố quan tâm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, chú trọng chuyển đổi mục tiêu từ số lượng sang chất lượng, ứng dụng nhanh và kịp thời các thành tựu khoa học công nghệ, để tăng năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Gần 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ từng bước được nâng cao hiệu quả theo hướng bền vững...

Kết quả tích cực

Để phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ chỉ đạo đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ sinh học kỹ thuật cao, cải tiến phương pháp canh tác mới. Đồng thời, các biện pháp cải tạo giống cây con cũng được áp dụng làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa lớn với mô hình đa canh bền vững, chuyên canh chất lượng cao, cung cấp phần lớn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Trồng hoa kiểng tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Đến nay, các khâu chủ yếu trong sản xuất lúa hiện đều được cơ giới hóa. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển gắn với hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, thúc đẩy hình thành được các vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung, sản xuất hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và gắn với phát triển du lịch sinh thái giúp mang lại hiệu quả cao. Các hoạt động chăn nuôi, nhất là nuôi trồng thủy sản được chú trọng phát triển theo hướng tập trung, an toàn sinh học và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao sức cạnh trên thị trường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thành phố đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất mới theo hướng tăng cường liên kết giữa các bên liên quan gắn với quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình là mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được TP Cần Thơ triển khai xây dựng từ vụ hè thu 2011 với quy mô ban đầu chỉ 400 ha tại huyện Vĩnh Thạnh nhưng đến nay đã thực hiện  diện tích gần 20.000 ha/vụ, với 93 cánh đồng, hơn 12.920 hộ tham gia. Nông dân tham gia cánh đồng lớn (CĐL) có lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 1,8-4,5 triệu đồng/ha/vụ nhờ có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, tạo đà phát triển sản xuất bền vững.

Cần Thơ cũng đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất lúa giống và hiện có 123 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh lúa giống, với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao tại địa phương và cung ứng cho các địa phương vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ hơn 113.000 ha nhưng hiện mỗi năm thành phố sản xuất 3 vụ lúa với tổng diện tích trên 230.000 ha, đạt sản lượng trên 1,3 triệu tấn lúa, trong đó có hơn 80% là lúa gạo chất lượng cao. Diện tích trồng cây ăn trái đạt hơn 17.000 ha, với sản lượng trái cây hơn 100.000 tấn/năm. Sản lượng nuôi cá tra xuất khẩu đạt 150.000-200.000 tấn/năm... Nếu năm 2004, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông-lâm nghiệp-thủy sản chỉ mới đạt gần 37 triệu đồng/ha thì năm 2013 tăng lên 125,5 triệu đồng và đến 2017 đạt hơn 163,9 triệu đồng. Tại thành phố, hiện có không ít diện tích nuôi cá tra, trồng rau màu và cây ăn trái cho thu nhập từ 200-600 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Gỡ khó để phát  triển

Dù diện tích đất nông nghiệp giảm do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh nhưng nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp mà giá trị sản xuất trên cùng diện tích không ngừng tăng, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Phát huy các kết quả đạt được, hiện các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục quan tâm có các hỗ trợ cần thiết và kịp thời giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 Theo ông Tiêu Quốc Doãn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, địa phương đang tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với việc phát huy vai trò của các di tích lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch.

Tại huyện Phong Điền, hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã và đang không ngừng tăng cao nhờ quan tâm tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là phát triển các vùng trồng cây ăn trái gắn với xuất khẩu, cũng như phục vụ du lịch và nhiều mô hình nuôi thủy sản, sản xuất rau màu, hoa kiểng giúp mang lại hiệu quả cao. Huyện Phong Điền hiện có 8.000/10.200 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi trồng cây ăn trái, với sản lượng trái đạt 83.000 tấn/năm, mang lại giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua sản xuất nông nghiệp tại thành phố đạt được nhiều kết quả nổi bật. Khu vực nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng khá ổn định và toàn diện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khá phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và trang trại hình thành và phát triển, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khoa học công nghệ được ứng dụng ngày càng nhiều góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ngày càng cao…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết