26/08/2017 - 16:28

Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ

Phát triển nhà ở theo quy hoạch và phù hợp với các nhóm đối tượng 

Xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội, ngày 2-8-2017, UBND TP Cần Thơ Ban hành Quyết định số 1980/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Sở Xây dựng TP Cần Thơ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản thành phố có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện triển khai chương trình này. Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết:

- Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ được xây dựng nhằm quyết tâm thực hiện các Chiến lược hành động phát triển nhà ở quốc gia, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu chung trong từng giai đoạn của Chiến lược này đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn thành phố có 300.000 căn hộ với tỷ lệ nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây cất chiếm khoảng 78,2%. Tổng diện tích đất xây dựng của toàn thành phố là 20,4 triệu m2. Diện tích đất xây dựng bình quân là 68,5 m2/hộ. Tổng diện tích sàn toàn thành phố 22,2 triệu m2. Diện tích sàn bình quân toàn thành phố đạt 19,5 m2/người. Trong vòng 5 năm trở lại đây, quy mô, diện tích nhà ở của người dân cũng như các lô nền, nhà ở của doanh nghiệp bất động sản đầu tư có sự thay đổi về diện tích và chất lượng dần tăng lên, sản phẩm đa dạng hơn đã phần nào phản ảnh mức sống và nhu cầu ngày càng tăng của người dân. TP Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, là nơi thu hút lượng dân cư đông đảo từ các tỉnh thành trong vùng và trong cả nước đến làm việc, học tập và sinh sống, tạo ra nhu cầu đáng kể về nhà ở. Lẽ đó, Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm giải quyết tốt vấn đề nhà ở nói chung, đặc biệt là nhà ở cho các nhóm đối tượng còn khó khăn về nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội, kích thích phát triển kinh tế.

* Xin ông cho biết mục tiêu chính của Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030?

- Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố phấn đấu đạt 25,5m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị khoảng 29m2 sàn/người, khu vực nông thôn khoảng 22m2 sàn/người. Diện tích nhà ở tối thiểu phải đảm bảo 8m2 sàn/người. Đầu tư xây dựng tăng thêm diện tích nhà ở của toàn thành phố khoảng 12,8 triệu m2 sàn, với khoảng hơn 139.000 căn hộ. Chương trình ưu tiên phát triển nhà ở cho các nhóm đối tượng xã hội, nhà ở thu nhập thấp; phát triển quỹ nhà ở phục vụ nhu cầu tái định cư cho các dự án phát triển đô thị, di dời khu vực nguy cơ sạt lở, khu vực lấn chiếm kênh rạch... Theo đó, tỷ lệ nhà ở xã hội cho sinh viên, học sinh thuê phải đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu của sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên toàn thành phố. Tỷ lệ nhà ở xã hội đáp ứng cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đạt tối thiểu 70% nhu cầu công nhân được giải quyết chỗ ở. Tỷ lệ căn hộ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các quận trên địa bàn thành phố phải đạt trên 60% tổng số đơn vị nhà ở được xây dựng mới. Tỷ lệ nhà ở cho thuê phải đạt tối thiểu 30% tổng quỹ nhà ở….

* Việc huy động nguồn lực cho Chương trình phát triển nhà ở của thành phố được định hướng ra sao, thưa ông?

Chung cư thu nhập thấp, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy đang trong giai đoạn hoàn thiện.

- Theo Chương trình này, quỹ đất phát triển nhà ở đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 1.040ha và phân bổ theo địa bàn các quận, huyện. Tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 57.371 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 1%; vốn của khối tư nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp bất động sản để phát triển các khu đô thị, khu dân cư tập trung… chiếm 41,78%; 57,22% còn lại là vốn đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình. Sở Xây dựng đang dự thảo lấy ý kiến của các sở, ngành hữu quan và các quận, huyện về Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nhà ở của thành phố đến năm 2020. Kế hoạch đặt ra yêu cầu cụ thể là các địa phương, đơn vị trong 5 năm và hằng năm phải xác định được vị trí, khu vực phát triển nhà ở, số lượng, quy mô dự án phát triển nhà ở; xác định các loại nhà cần đầu tư; dự báo diện tích cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở; dự báo nguồn vốn cho phát triển nhà ở.

* Thành phố sẽ có kế hoạch gì để giải quyết tốt nhu cầu nhà ở cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, thưa ông?

- Theo số liệu khảo sát và đánh giá nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020, ước tính có khoảng hơn 46.000 người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Thời gian qua, thành phố cùng các doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư xây dựng các công trình nhà ở xã hội và giải quyết được chỗ ở cho hơn 14.000 người có nhu cầu. Như vậy, từ nay đến năm 2020 cần phải giải quyết thêm chỗ ở cho khoảng 32.000 đối tượng có nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội. Vì vậy, Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng thêm gần 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. UBND thành phố đã giao cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiên cứu tìm giải pháp kêu gọi đầu tư, tạo nguồn lực đầu tư, giành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, vay vốn ưu đãi để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội nhằm tiến tới tối ưu hóa các biện pháp giảm giá mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Thành phố xác định trách nhiệm xây dựng các giải pháp ưu đãi để hạ giá thành đầu tư trong các sản phẩm nhà ở xã hội là vấn đề căn cơ trong chính sách phát triển nhà ở xã hội. Sở Xây dựng đang nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố triển khai các chính sách, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư nhà ở xã hội cần cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, quan tâm nâng cao chất lượng nhà ở, nhất là nhà ở cho công nhân để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm đối tượng này. UBND thành phố luôn nỗ lực tạo môi trường đầu tư và cơ chế, chính sách thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa... để huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, giúp cho người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động... được thuê, thuê mua nhà và mua nhà để cải thiện chỗ ở.

*  Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết