14/10/2019 - 20:24

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Phát triển kinh tế tập thể xuất phát từ nhu cầu của người dân, đề cao nguyên tắc tự nguyện, dân chủ 

(CT)- Chiều 14-10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (NQ13). Dự tại điểm cầu Cần Thơ có các đồng chí: Trần Quốc Trung,  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện NQ TƯ 5, khóa IX về kinh tế tập thể. Ảnh: LÂM KHÁNH – TTXVN

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Đó là cần xác định phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) là nhiệm vụ chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo coi đây là nhiệm vụ cần quan tâm. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển KTTT, trong đó, xây dựng khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế trên các lĩnh vực. Phát triển KTTT xuất phát từ nhu cầu của người dân, đề cao nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nguyên tắc hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT); có cơ chế pháp lý vững chắc, rõ ràng hơn nhằm khuyến khích, phát triển KTTT hiệu quả và thành công. Liên kết hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp - xem đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ, giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển mới. Rà soát lại chính sách: đào tạo lao động, đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư phát triển hạ tầng... trên cơ sở đó chỉnh sửa phù hợp, tạo thuận lợi cho KTTT. Khuyến khích đổi mới quản trị HTX; trong đó, có quy định kiểm toán, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là công tác thông tin cho các thành viên HTX. Củng cố vai trò Liên minh HTX Việt Nam trong khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản phương thức sản xuất nông nghiệp, đời sống nông thôn, dẫn dắt phát triển phong trào HTX. Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong xây dựng thể chế chính sách, hỗ trợ phát triển KTTT...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 15 năm triển khai NQ13, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả của HTX. Đặc biệt, Luật HTX năm 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX, đã tạo ra khung pháp luật cơ bản phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX. Đến nay, KTTT có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, nhất là HTX nông nghiệp. Số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp. Nhiều loại hình HTX mới được thành lập như HTX môi trường, HTX trường học, HTX
y tế…

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thực tế, KTTT, HTX phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng. Một số HTX còn thụ động, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của kinh tế thị trường. Đóng góp vào GDP của khu vực này có xu hướng giảm sút, từ trung bình khoảng 6% trong năm 2003 đến gần 4% năm 2018...

T. Trinh

Chia sẻ bài viết