08/03/2015 - 16:57

Phát huy tối đa tiềm năng kinh tế của địa phương

 

Là một trong bốn địa phương được quy hoạch nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau đang nỗ lực để cùng Kiên Giang và TP Cần Thơ, An Giang trở thành đầu tàu kinh tế, kéo cả vùng ĐBSCL phát triển toàn diện.

Tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên 5.295 km2, dân số 1,24 triệu người, là một trong 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 1.560 USD, dự kiến năm 2015 đạt 1.700 USD; kim ngạch xuất khẩu đã vượt mốc 1 tỉ USD vào năm 2013 và năm 2014 đạt 1,3 tỉ USD. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo chuyển biến tích cực, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2014 đạt 33%; chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 13,5%; đời sống nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "Kế thừa những thành tựu đạt được, trong giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Cà Mau xác định mục tiêu phát triển là: "Phát huy tiềm năng, lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Phát triển kinh tế, đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng thân thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, chủ động phòng tránh và ứng phó biến đổi khí hậu. Kết hợp phát triển kinh tế với các lĩnh vực xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, gắn thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đẩy mạnh công tác giảm nghèo; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại". Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 9 – 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 3.200 – 3.300 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34 – 35% GDP; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 7,5 – 8 tỉ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 đạt 70%; số giường bệnh/vạn dân đến năm 2020 đạt 26 giường; tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 26%.

* Cà Mau có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển. Để khai thác và phát huy tiềm năng này, tỉnh đã xây dựng và phát triển lợi thế ra sao, thưa ông?

- Cà Mau là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, có vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực, nằm ở trung tâm vòng cung khu vực Đông Nam Á, trên tuyến hành lang giao thông đường biển quốc gia và quốc tế. Tỉnh có 4.654 phương tiện tàu thuyền khai thác hải sản, tổng công suất trên 468.000 CV, đứng thứ 2 vùng ĐBSCL, sau tỉnh Kiên Giang. Để phát huy và khai thác tiềm năng kinh tế biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy hải sản, tổ chức lại khai thác thủy hải sản phù hợp, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển và vùng ven biển, phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn và biển đảo.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24-6-2014, bến cảng khu vực đảo Hòn Khoai có chức năng cảng tổng hợp cho tàu tải trọng lớn. Hiện đã có nhà đầu tư nước ngoài lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dự án này được kỳ vọng không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh Cà Mau mà còn là cửa ngõ cho vùng ĐBSCL để hướng ra biển, góp phần giảm chi phí vận chuyển và nâng cao tính cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của vùng như: thủy sản, lúa gạo, trái cây,…

* Nhà máy điện, đạm Cà Mau và Nhà máy nhiệt điện Ô Môn (TP Cần Thơ) được xác định giữ vai trò đảm bảo an ninh năng lượng cho vùng ĐBSCL. Như vậy, tỉnh có chính sách ưu đãi cũng như tạo điều kiện cho dự án này phát triển ra sao, thưa ông?

- Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau với 2 Nhà máy điện công suất 1.500 MW và Nhà máy đạm công suất 800.000 tấn/năm. Sản lượng điện, đạm sản xuất hằng năm không chỉ đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực của cả nước. Trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: tuyến đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn và các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu khí đặt tại Khu công nghiệp Khánh An liền kề cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Về phía tỉnh Cà Mau. Chúng tôi đã tạo điều kiện tốt nhất, chuẩn bị sẵn mặt bằng để triển khai các công trình do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư trên địa bàn tỉnh; phối hợp đảm bảo an toàn cho các dự án, công trình quan trọng này.

* Trong các quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm thì liên kết là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của vùng. Ông đánh giá như thế nào về mối liên kết giữa 4 địa phương vùng kinh tế trọng điểm thời gian qua?

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL được thành lập năm 2009, về cơ bản đang phát triển theo đúng định hướng, quan điểm và đã thể hiện được vai trò vị trí của vùng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, mức độ thực hiện các mục tiêu của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL còn thấp, kết quả điều phối liên kết phát triển còn một số nội dung chưa thực chất. Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng, đề ra nhiều chương trình liên kết nhưng chưa có hiệu quả, nhất là thể chế về quản lý vùng, chủ yếu vẫn điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo từng đơn vị hành chính riêng.

Đầu tháng 12- 2014, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và đề xuất mô hình, quy chế giai đoạn tới. Theo đánh giá, vừa qua các vùng kinh tế trọng điểm phát triển khá toàn diện, có tốc độ phát triển cao hơn bình quân chung và có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn mang tính tự phát, chỉ dừng lại ở mức độ cam kết thỏa thuận giữa các địa phương. Vì vậy, để phát huy tiềm năng của các vùng kinh tế trọng điểm, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện cơ chế thành lập Hội đồng điều phối cấp vùng, thành phần Hội đồng bao gồm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là thành viên của vùng kinh tế trọng điểm, thực hiện theo nguyên tắc luân phiên hằng năm. Khi thực hiện tốt cơ chế điều phối vùng, kỳ vọng rằng trong thời gian tới mối liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm sẽ gắn kết và phát huy hiệu quả, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng kinh tế trọng điểm nói chung và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL nói riêng.

* Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết