14/01/2008 - 09:19

Phát động "1.000 ngày vì thủ đô xanh, sạch, đẹp" chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Sáng ngày 13-1, thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ phát động “1.000 ngày vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp” chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội (TL-HN), tại trước tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm.

Đây là hoạt động mở đầu đầy ý nghĩa của Chương trình “Khoảnh khắc Thăng Long-Hà Nội” ghi dấu thời điểm 1.000 ngày tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm TL-HN, thu hút sự tham dự của gần 2.000 người, đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Tiếp sau lễ phát động là cuộc diễu hành biểu dương lực lượng quần chúng quanh hồ Hoàn Kiếm, cổ động cho phong trào. Đi đầu là đội hồng kỳ và đội kèn đồng gồm 300 người, tiếp đến là các khối diễu hành cùng xe mô hình trang hoàng cờ hoa rực rỡ của 14 quận, huyện trong thành phố. Góp phần làm sôi động thêm không khí của ngày hội ra quân là đội múa rồng truyền thống với 28 rồng lớn đến từ Hoàng Mai - Thanh Trì và dàn cồng chiêng cổ gồm gần 30 chiếc mang tên Lạc Việt. Ông Lê Thanh Bảo, 75 tuổi phụ trách dàn cồng chiêng đặc sắc này, phấn khởi cho biết: dàn chiêng cổ Lạc Việt đã từng đi biểu diễn để lại ấn tượng tốt đẹp tại Tây Nguyên và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Là con cháu họ Lê sống trên đất Thăng Long - Hà Nội, ông rất tự hào khi được tham gia các hoạt động chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm TL-HN. Trong buổi lễ khai trương đồng hồ đếm ngược tối 13-1, dàn chiêng của ông còn vinh dự được tham gia hai tiết mục hòa tấu tác phẩm Hai Bà Trưng-Du kích ca và góp phần hòa cùng âm thanh của đồng hồ ghi dấu thời điểm 1.000 ngày tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm TL-HN lúc 22 giờ.

Khác với không khí sôi động của lễ ra quân diễu hành quanh hồ, triển lãm “Gợi nhớ một nét xưa Hà Nội” tại khu vực Nhà Kèn-vườn hoa Lý Thái Tổ có vẻ khiêm nhường giống như tên gọi với các panô ảnh màu, đen trắng và một ngôi nhà cổ 3 gian nhỏ xinh làm từ tre, gỗ. Theo ông Trần Thế Khôi, cán bộ Trung tâm Triển lãm Quảng cáo Hà Nội: Ngôi nhà này được chuyển đến từ Cầu Giấy, giới thiệu không gian văn hóa đặc trưng của gia đình Hà Nội xưa với đủ gian thờ, hương án, hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè... Trong ngôi nhà cổ, qua cách bày biện đồ đạc, cách người phụ nữ têm trầu trên sập gụ, cạnh đấy hai người đàn ông đánh cờ, phía ngoài nhà là các cụ đồ mải miết viết chữ nho trên giấy điều, người xem có thể cảm nhận nét thanh tao, tĩnh mặc trong nếp sống đậm chất nhân văn của người Hà Nội xưa. Cạnh ngôi nhà cổ ấy là gần 200 bức ảnh, màu và đen trắng được trưng bày theo các chủ đề, trong đó có nhiều cặp ảnh mang tính đối chiếu, chụp tại một địa điểm nhưng ở các thời gian khác nhau. Không ít người xem đã ngỡ ngàng khi hình dung tại nơi chiếc cầu gạch mang tên Cầu Giấy bắc qua sông Tô năm 1889 năm xưa, nay đã mở rộng thành con đường lớn Cầu Giấy với 4 làn xe chạy, hay như dáng dấp của Văn Miếu năm 2008 đã đổi thay nhiều so với bức ảnh chụp cách đây nhiều thế kỷ. Người xem còn có thể tìm thấy từ những khuôn hình, dáng dấp của hệ thống di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc, nếp sống thanh lịch, những lễ hội đậm đà bản sắc, những làng nghề truyền thống, những bộ trang phục mang đặc trưng Hà Nội.

Tâm điểm chú ý của Chương trình là chiếc đồng hồ điện tử đếm ngược 1.000 ngày tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm TL-HN với màn hình LED hiện đại dựng chếch phía sau tượng đài Cảm Tử tại vườn hoa đền Bà Kiệu. Chiếc đồng hồ điện tử cao khoảng 7m phảng phất dáng hình của Khuê Văn Các, ngoài chức năng đếm ngược thời gian 1.000 ngày còn được sử dụng để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đến bạn bè trong và ngoài nước. 22 giờ hôm nay, đồng hồ đếm ngược sẽ đổ hồi chuông đầu tiên. Tiếng chông đó sẽ tiếp tục ngân vang trong 1.000 ngày tới đây, nhắc nhở mỗi chúng ta từng bước chuyển của thời gian với bao việc phải làm để kỷ niệm 1.000 năm TL-HN thực sự là Đại lễ của Thủ đô và cả nước.

HỒNG HẠNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết