08/12/2016 - 09:28

Phần mềm Smas: Hiện đại hóa công tác quản lý giáo dục

Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý là một trong những vấn đề trọng tâm trong công tác cải cách hành chính của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn trong những năm qua. Việc ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường (Smas) của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn đã góp phần rút ngắn thời gian làm việc, tạo cầu nối thông tin thông suốt từ cấp quản lý giáo dục đến phụ huynh học sinh…

Phần mềm quản lý nhà trường Smas được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đưa vào thực hiện thí điểm ở một số địa phương trên cả nước, trong đó có Cần Thơ. Qua đó, Cần Thơ đã triển khai thực hiện đến một số trường ở các quận, huyện. Riêng địa bàn quận Ô Môn, việc ứng dụng phần mềm Smas đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện thí điểm tại các trường Tiểu học và THCS từ năm học 2012-2013. Năm học 2016-2017, 100% trường Tiểu học và THCS trên địa bàn quận Ô Môn đã đưa vào sử dụng phần mềm Smas.

Giáo viên Trường THCS Lê Lợi sử dụng phần mềm Smas đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, việc sử dụng phần mềm Smas không chỉ phục vụ hữu hiệu cho lưu trữ, quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, quản lý quá trình giảng dạy và học tập, mà còn giúp nhà trường tiết kiệm thời gian đối với công tác thống kê, báo cáo. Các trường được chi nhánh Viettel Ô Môn tập huấn, hỗ trợ nên việc cập nhật dữ liệu và phổ biến tới giáo viên được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Không chỉ thực hiện chức năng quản lý (cập nhật đầy đủ dữ liệu, thông tin về giáo viên, học sinh, điểm, xếp loại…), phần mềm này còn có chức năng nổi bật: nhắn tin tích hợp từ phần mềm với các dịch vụ tin nhắn giáo viên (SMS Teacher) và dịch vụ tin nhắn phụ huynh học sinh (SMS Parents). Tính năng này gồm những tin nhắn tự động (khi nhà trường cập nhật đầy đủ dữ liệu lên phần mềm Smas theo định kỳ, phần mềm sẽ tự động gửi thông tin tới các số điện thoại di động đăng ký nhận tin) và tin nhắn chủ động (khi có những thông tin đột xuất, nhà trường cập nhật vào phần mềm để nhắn tin cho giáo viên, hoặc phụ huynh). Đây được xem là sự kết hợp hiệu quả giữa công nghệ thông tin và viễn thông nhằm tạo nên cầu nối thông tin chặt chẽ, chính xác và kịp thời giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, giúp công tác giáo dục học sinh tại gia đình và nhà trường được tốt hơn.

Ông Tạ Duy Phương, Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, cho biết: Phần mềm quản lý nhà trường đã hỗ trợ các trường trong công tác quản lý hồ sơ học sinh, hồ sơ giáo viên, quá trình học tập và rèn luyện của học sinh; quá trình công tác, giảng dạy của giáo viên; quản lý các kỳ thi của học sinh. Hệ thống phần mềm này là một giải pháp tổng thể và đồng nhất trong việc tin học hóa công tác quản lý học sinh, giáo viên ở các nhà trường. Với việc ứng dụng phần mềm này trong quản lý nhà trường, việc tính điểm, cũng như đánh giá học sinh được thực hiện nhanh gọn hơn thay vì viết tay vào sổ theo dõi hay học bạ như trước đây.

Cô Trần Thị Kim Tuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A2, Trường THCS Lê Lợi, phấn khởi nói: "Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, việc tổng hợp điểm của học sinh ở tất cả các môn, cũng như theo dõi tình hình học tập của các em học sinh trong lớp chiếm khá nhiều thời gian trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, khi ứng dụng phần mềm Smas, các giáo viên ở từng bộ môn đều tự nhập điểm môn mình giảng dạy (từng bài kiểm tra, từng học kỳ) qua phần mềm. Căn cứ vào đó, chỉ cần sử dụng phần mềm, tôi có thể theo dõi được tình hình học tập của các em một cách thường xuyên, điểm của từng môn, thái độ học tập của học sinh đối với môn học. Bên cạnh đó, phần mềm hệ thống sẽ tự chia điểm và xếp loại, có thể hạn chế phần nào việc giáo viên cho điểm, hoặc cố làm tròn điểm khi chia điểm trung bình. Vì thế, việc đánh giá học sinh khách quan và công bằng hơn".

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đánh giá học sinh tiểu học phải dựa vào Thông tư số 30 là vừa đánh giá bằng lời kết hợp với điểm số. Vì vậy, mỗi giáo viên hằng tháng phải đánh giá 3 loại là theo dõi chất lượng, hoàn thành năng lực và đánh giá phẩm chất đạo đức. Sau đó, đến cuối mỗi học kỳ, các giáo viên phải đánh giá vào phiếu liên lạc và học bạ cho từng học sinh nên mất rất nhiều thời gian. Ông Nguyễn Văn Triệu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, quận Ô Môn, cho biết: "Khi ứng dụng phần mềm, giáo viên chỉ cần thực hiện các thao tác trên phần mềm vào từng ô đánh giá sẽ có thể nhận xét từng em học sinh một cách thuận lợi, giảm thời gian ghi chép so với trước đây. Nhờ vậy, giáo viên có thêm thời gian đầu tư vào công tác giảng dạy".

Bên cạnh những thuận lợi, việc sử dụng phần mềm Smas cũng còn gặp một số khó khăn nhất định. Điển hình như khi hệ thống mở, máy chạy chậm, có lúc không lưu được dữ liệu (do giáo viên truy cập nhiều); phần mềm Smas chưa phổ biến ở tất cả các địa phương nên khi học sinh chuyển đi, chuyển đến, một số trường còn yêu cầu học bạ; hiện nay số lượng phụ huynh đăng ký tin nhắn cũng còn hạn chế… Ông Ngô Hoàng Khang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, cho biết: "Ngoài thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng phần mềm Smas, thời gian tới, Phòng tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đổi mới nội dung, phương pháp pháp dạy học, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Đặc biệt, phòng tiếp tục xây dựng mô hình giáo dục điện tử, trường học điện tử. Theo đó, mỗi trường tùy thuộc vào tình hình thực tế sẽ xây dựng mô hình trường học điện tử đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục…".

P.Nguyễn

Chia sẻ bài viết