05/05/2020 - 09:07

Ông Đào Phong Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng, Trường Đại học Cần Thơ:

Phấn đấu vào tốp trường đại học mạnh của châu Á - Thái Bình Dương 

Bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học theo lĩnh vực chuyên môn của QS (QS World University Rankings by Subject) năm 2020 công bố nhóm ngành Nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) được xếp hạng 1 tại Việt Nam và nằm trong nhóm hạng 251-300 thế giới. Ông Đào Phong Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng, Trường ĐHCT, cho biết thêm về những nỗ lực để đạt vị thế trên của trường:

- Lần đầu tiên giáo dục đại học Việt Nam có đại diện là Trường ĐHCT trên bảng xếp hạng thế giới ở nhóm ngành Nông nghiệp (thuộc lĩnh vực Khoa học đời sống và Y Khoa). Đó là sự ghi nhận những đóng góp của nhà trường trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản vùng ĐBSCL; cũng như những đóng góp của trường trong nghiên cứu và cung cấp tri thức mới ở các lĩnh vực này cho cộng đồng khoa học thế giới.

Kết quả trên đến từ nỗ lực phát triển bền bỉ suốt hơn 5 thập kỷ của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu và người học Trường ĐHCT nói chung và của nhóm ngành Nông nghiệp nói riêng (gồm các ngành đào tạo về trồng trọt, đất đai, chăn nuôi và thủy sản), định hướng phát triển của tập thể lãnh đạo nhà trường, sự ủng hộ và hợp tác của các đơn vị, tổ chức, cá nhân vùng ĐBSCL, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Xin ông cho biết trường có chiến lược gì để đạt được sự ghi nhận trên?

- Trong hơn 5 năm qua, Trường ĐHCT chủ trương đẩy mạnh việc tham gia xếp hạng chung và định hướng các lĩnh vực thế mạnh. Trường đã thành lập tổ công tác phụ trách việc xếp hạng; tích cực cải tiến danh tiếng học thuật thông qua nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, giảng dạy; đặc biệt là tăng cường mạng lưới nghiên cứu trong và ngoài nước, đẩy mạnh hoạt động học thuật và công bố khoa học; cải tiến danh tiếng tuyển dụng thông qua các chương trình, dự án với doanh nghiệp, nắm bắt và gắn kết đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp.

Bảng xếp hạng QS theo lĩnh vực chuyên môn dựa trên kết quả của 4 chỉ báo là: Khảo sát danh tiếng học thuật; Khảo sát danh tiếng tuyển dụng; Trích dẫn trên bài báo và Chỉ số H. Số điểm tối đa cho từng chỉ báo là 100 điểm. Kết quả đánh giá nhóm ngành Nông nghiệp của Trường ĐHCT là: Danh tiếng học thuật đạt 54,5/100; Danh tiếng tuyển dụng đạt 52,6/100; Trích dẫn trên bài báo đạt 50,4/100; và Chỉ số H đạt 62,4/100. Điểm trung bình của 4 chỉ báo của nhóm ngành Nông nghiệp là 55,1. Kết quả này giúp nhóm ngành Nông nghiệp của trường có cùng thứ hạng với các trường như ĐH Quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc), ĐH bang Mississippi (Hoa Kỳ), ĐH Nông nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc), ĐH Southern Cross (Úc), ĐH Strasbourg (Pháp)… 

Để đạt được 4 tiêu chí trên, trường đã cụ thể hóa giải pháp cho mỗi tiêu chí. Ví dụ như để cải thiện điểm số cho Khảo sát danh tiếng học thuật, nhà trường cải tiến chương trình đào tạo bằng cách tham chiếu và sử dụng tiêu chuẩn về hệ thống bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo của Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á (AUN); tổ chức đào tạo các chương trình tiên tiến, chất lượng cao bằng tiếng Anh; tham gia các dự án quốc tế về quản lý chất lượng giáo dục (chương trình ASEAN-QA với các đối tác Đông Nam Á và Châu Âu, dự án ComO-QM với các đối tác Đức); bồi dưỡng phương pháp sư phạm và tiếp cận hiện đại cho đội ngũ giảng viên; nâng cao năng lực ứng dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong và ngoài nước...

Như vậy, khối ngành Nông nghiệp cung cấp cho người học những ưu thế gì, thưa ông?

- Khối ngành này gồm nhiều chuyên ngành, với những quy định đào tạo, tuyển sinh cụ thể, chú trọng nhóm kiến thức về Khoa học tự nhiên. Tôi cho rằng, phát triển và làm kinh tế nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của Việt Nam, đặc biệt ở ĐBSCL. Thị trường lao động có nhiều cơ hội cho nguồn nhân lực có trình độ cao có hiểu biết về nguồn giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng trọt có ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ có việc làm của người học các ngành thuộc khối Nông nghiệp trong 3 năm qua đều đạt trên 90%; đặc biệt gần đây nhiều cơ hội làm việc với vai trò kỹ sư nông nghiệp ở các tập đoàn đa quốc gia, tại Campuchia hay Nhật Bản.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học khối ngành Nông nghiệp có thể học tập, nghiên cứu sau đại học tại trường. Học viên cao học ngành Nông nghiệp công nghệ cao, Khoa học đất còn được hưởng các chính sách hỗ trợ học phí, và hầu hết các ngành đào tạo đều có hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu.

Trung tâm học liệu, Trường Đại học Cần Thơ.

Trường có chính sách thu hút sinh viên quốc tế không, thưa ông?

- Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, trường quảng bá hình ảnh, học hiệu, uy tín học thuật với thế giới, góp phần thu hút sinh viên quốc tế nói chung, sinh viên khối ngành Nông nghiệp nói riêng. Trường đã ký nhiều thỏa ước hợp tác với các viện - trường quốc tế trong trao đổi sinh viên, công nhận tín chỉ và chuyển đổi giá trị học tập. Sinh viên của trường có thể học tập, nghiên cứu tại các viện - trường đối tác. Ngược lại, sinh viên từ các viện - trường đối tác và các chương trình, dự án quốc tế có thể đến học tập, thực hiện luận văn tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học, thực nghiệm tại Trường ĐHCT. Trường chủ động xây dựng các chương trình học tập riêng biệt theo các chủ đề gắn với thực tiễn ĐBSCL nhằm thu hút sinh viên quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan Nông nghiệp. Hiện nay, khối ngành Nông nghiệp của trường có sinh viên và học viên cao học đến từ Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ và một số quốc gia châu Phi.

Với các trường hợp cụ thể, trường có các chính sách cấp học bổng, ký túc xá để tạo thuận lợi cho sinh viên quốc tế.

Nhiều năm qua, Trường ĐHCT cũng được một số tổ chức trên thế giới xếp trong top các trường hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Ông có thể cho biết trường sẽ sử dụng lợi thế này như thế nào trong phát triển sắp tới?   

- Đây là lợi thế rất lớn của trường trong tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành học, thu hút sinh viên trong và ngoài nước; tiếp tục đóng góp vào sự phát triển quốc gia và khu vực. Đồng thời thu hút thêm các dự án hợp tác và tiếp tục thúc đẩy phát triển. Trường sẽ giữ và nâng cao thứ hạng trong thời gian tới, vì trường đang có rất nhiều dự án nghiên cứu định hướng công bố khoa học quốc tế, đổi mới giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp nhận tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới thông qua hợp tác nghiên cứu. Đó cũng là các nội dung đã được định hướng của Trường ĐHCT, nhằm trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022.

Xin cảm ơn ông!

Trường ĐHCT đang tham gia 2 bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học thế giới: Bảng xếp hạng trắc lượng trang thông tin điện tử kết nối với mạng toàn cầu (gọi tắt Webometrics) và Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học châu Á của Công ty Quacquarelli Symonds Ltd. (gọi tắt QS Asia). Theo Webometrics, Trường ĐHCT thuộc top 4 trường hàng đầu Việt Nam và top 60 trường hàng đầu Đông Nam Á trong giai đoạn 2016-2020. Theo QS Asia, Trường ĐHCT ở nhóm hạng 401-450 trong kỳ xếp hạng công bố năm 2020. Trường cũng đã tiếp xúc và trao đổi với đại diện của Times Higher Education (THE) về khả năng tham gia xếp hạng của tổ chức này trong thời gian sắp tới.

BÍCH NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết