23/08/2019 - 15:54

Ông Ba Lý ở Bắc Vàng 

Bà con ở phường Thới Long, quận Ô Môn, vẫn thường gọi ông Phạm Văn Lý như vậy với sự cảm phục và yêu mến. Bà con quý ông Ba Lý không chỉ ở lối sống gương mẫu, gia đình êm ấm, mà còn ở tấm lòng trượng nghĩa, cho đi.

Ông Ba Lý (thứ hai, từ phải sang) cùng những người bạn ở Nhà ăn tình thương.

Ông Ba Lý (thứ hai, từ phải sang) cùng những người bạn ở Nhà ăn tình thương.

Hai tuyến đường từ cầu Bà Rui vào Bắc Vàng và từ cầu Bà Rui ra vàm Xẻo Cái - Chùa Bà, thuộc phường Thới Long, bây giờ phẳng phiu, khang trang. Hai bên đường bà con trồng hoa và không quên cách đây vài năm tuyến đường này vẫn còn sình lầy, đi lại rất khó khăn. Vậy rồi chính quyền địa phương cùng bà con cùng chung sức làm đường, trị giá tỉ đồng. Trong đó, ông Ba Lý luôn là người tiên phong trong vận động và góp tiền phần nhiều. Ông Lê Viết Lâm, khu vực Thới Xương 1, nói: “Anh Ba Lý ở Bắc Vàng góp trước rồi mới vận động bà con. Gia đình nào khó khăn, thiếu thốn thì anh Ba góp dùm luôn, nhờ vậy tuyến đường mới làm mau lẹ”.

Khoảng 5-7 năm trở lại đây, ông Ba Lý ở Bắc Vàng tạo dấu ấn ở nhiều con đường, cây cầu của địa phương. Khó mà kể ra hết được, như cầu Thanh Niên, cầu Xẻo Lác, cầu Long Ngữ… ông Ba Lý hùn trước mỗi cây cầu 10 triệu đồng rồi tiếp tục vận động bà con. Ông còn là chủ công trong mô hình Nhà ăn tình thương của phường Thới Long, mỗi ngày phục vụ hàng trăm suất ăn miễn phí cho bà con nghèo. Là phó ban điều hành nhà ăn, ông Ba Lý tháo vác từ chuyện lo vận động mạnh thường quân, điều phối các tổ phục vụ, rồi cùng làm với mọi người.

Bà con giới thiệu ông Ba Lý ở Bắc Vàng còn làm nhiều chuyện rất hay như mỗi năm tặng hàng trăm triệu đồng cho bà con nghèo cất nhà mới hoặc thay mái lợp bằng tôn cho khỏi cảnh mưa dột. Rồi xe cứu thương từ thiện ở phường Thới Long và phường Long Hưng gần đó cũng có dấu ấn ông Ba đóng góp và vận động phần nhiều. Vậy nhưng hỏi ông Ba Lý, ông cười hiền và trả lời tỉnh queo: “Mình làm hoài tới vậy thôi”. Với ông Ba Lý, việc nhân nghĩa ông làm cứ nhỏ như hạt bụi, để gió cuốn đi. Ông không nhớ chuyện đã qua mà tính toán chuyện cho tương lai: ai cần giúp gì, đoạn đường nào cần sửa, nhà ăn tình thương làm sao để duy trì… Vậy nhưng, bà con thì nhớ rất kỹ những nghĩa cử cao đẹp của ông. Bà Trịnh Thị Ửng, ngụ phường Thới Long, nói: “Chú Ba Lý tốt bụng lắm, hễ thấy người nghèo khó, túng ngặt là chú Ba giúp liền. Chú Ba giúp hết người gặp khó chứ không riêng gì tôi”.

***

Ông Ba Lý năm nay 67 tuổi, cố cựu ở địa phương. Đọc đoạn viết ở trên, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ông Ba đã “hưu”, rảnh rỗi nên lo chuyện xã hội. Nhưng không, ông Ba đang điều hành 8 lò gạch. Công việc đầu tắt mặt tối chứ chẳng xuể tay, vậy nhưng ông Ba vẫn dành thời gian đáng kể để làm từ thiện.

Ông Ba nói, làm từ thiện cũng là để nhớ lại một thời gian khó đã qua, chỉ “người khó nghèo mới hiểu người nghèo khó”. Ông Ba lập gia đình từ năm 20 tuổi và trong năm đó cũng đã làm cha. Vốn liếng của gia đình nhỏ chỉ là 2 công đất và căn nhà cất bằng thân cau rộng chưa đầy 20 thước vuông. Vợ chồng ông làm đủ nghề, ai thuê gì làm đó. “Nếu nói khổ, chắc vợ chồng chú nếm đủ cái khổ trên đời này rồi”, ông Ba Lý nói vậy. Vì lẽ đó mà bây giờ nghe ai khổ, cần giúp là ông giúp ngay, không chút đắn đo.

Chừng 20 năm nay, chuyện làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình khá giả, ông Ba mới hết cơ cực. 6 người con giờ đã có cơ ngơi và cũng khá giả nên ông Ba Lý vui vẻ, tự hào và xem đó như thành quả đời người. Ông lý giải thêm về chuyện làm từ thiện, đó là cách để nêu gương cho con cháu. Nhìn xem cha, ông của mình được mọi người yêu mến, làm nhiều chuyện có ích cho đời thì hẳn con cháu trong gia đình cũng sẽ làm theo. Đại gia đình ông Ba Lý giờ đuề huề con cháu, ông không còn sợ cái nghèo mà lo cái nghĩa. Ông luôn căn dặn con cháu làm ăn việc gì cũng lấy chữ tín, chữ tình lên hàng đầu; với các cháu thì ông chỉ cụ thể từng người, từng việc ngoài xã hội để khuyên răn.

Gia đình ông Ba Lý vừa được UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong xây dựng Gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2009-2018. Cùng với hàng chục Giấy khen, Bằng khen khác, ông Ba Lý cất giữ cẩn thận lắm, ông nói rằng chẳng phải để khoe, mà để nêu gương cho con cháu.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết