03/10/2008 - 09:32

Diễn đàn kinh tế năm 2008

Ổn định kinh tế vĩ mô: Tập trung vào chính sách tiền tệ

(Cổng TTĐT Chính phủ) - Ngày 2-10, Diễn đàn Kinh tế năm 2008 “Ổn định kinh tế vĩ mô-Thách thức và giải pháp” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Tổ chức GTZ (CHLB Đức) đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng.

Các chuyên gia đều thống nhất, bối cảnh toàn cầu đang có những biến động phức tạp và ít nhiều tác động đến các chỉ số kinh tế vĩ mô của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sau một thời gian hội nhập sâu và rộng, duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đây chính là lúc cần thiết để Việt Nam hoàn thiện một khung chính sách đúng đắn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu những tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế toàn cầu.

Việc phối hợp 2 chính sách tài khóa và tiền tệ để điều hành nền kinh tế theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra về lâu dài sẽ có những tác dụng tích cực. Ông Đỗ Việt Đức (Vụ Ngân sách Nhà nước-Bộ Tài chính) cho rằng, việc điều hành chính sách tài khóa theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách; kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, phấn đấu giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách sẽ phát huy tác dụng rõ hơn khi chính sách tiền tệ đảm bảo được sự chủ động linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, việc kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán phải đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế.

Còn theo Phó Viện trưởng Viện kinh tế học Trần Đình Thiên, trong bối cảnh hiện nay cần xem xét những khó khăn của các cán cân kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Theo đó, chỉ số vĩ mô được Chính phủ ưu tiên ổn định nhất là chống lạm phát phải chủ yếu thuộc trách nhiệm của chính sách tiền tệ, mà cụ thể là lãi suất cho vay và huy động của các tổ chức tín dụng.

Ông Thiên cho rằng việc tập trung vào các công cụ tiền tệ để giải bài toán cân đối vĩ mô phải có sự linh hoạt nhất định.

Xung quanh hướng ưu tiên cho các chính sách tiền tệ, Giáo sư Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Chính sách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề cập trực tiếp đến vấn đề chất lượng quản trị ngân hàng. Theo ông Nghĩa, vấn đề cải cách lại cơ cấu nhằm tăng năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay được coi là vấn đề cấp bách.

Ông Nghĩa cho biết sau 6 tháng nỗ lực, gần đây tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Điều này làm giảm bớt nỗi lo về ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ đối với Việt Nam. NHNN đang nới lỏng các chính sách tiền tệ, cho phép các NHTM được sử dụng trái phiếu bắt buộc của NHNN để cầm cố, chiết khấu. Dự phòng thanh khoản của các NHTM khả quan, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn an toàn (cao nhất là 4,5%, thấp nhất là 0,78% theo chuẩn kế toán Việt Nam).

NGUYỆT HÀ

Chia sẻ bài viết