 |
Thu hoạch TTCT ở Bến Tre.
Ảnh: CTV. |
Vừa qua, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị chỉ đạo quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT). Tại đây các địa phương ven biển vùng ĐBSCL đều khẳng định: hiệu quả nuôi TTCT và tôm sú hiệu quả đều như nhau; Bộ NN&PTNT cần có những chủ trương phù hợp để phát triển nghề nuôi TTCT ở ĐBSCL
* Nuôi TTCT là hiệu quả!
Đó là khẳng định của hầu hết lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL sau 3 năm nuôi thử nghiệm TTCT. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Nếu như năm 2008 và 2009, năng suất TTCT tại Cà Mau mới đạt 7-10 tấn/ha, thì từ năm 2010 đến nay đã đạt từ 9-11 tấn/ha, kể cả nuôi trong hay ngoài vùng quy hoạch. Với thành công trên, xu hướng nuôi TTCT đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Tại Long An, TTCT chỉ được thả nuôi với mật độ thấp, sử dụng thức ăn tự chế, nhưng năng suất vẫn đạt từ 4-5 tấn/ha, nên vẫn đảm bảo cho người nuôi hiệu quả khá cao. Bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bến Tre cũng khẳng định, từ mô hình nuôi thử nghiệm 16ha vào năm 2007 đến nay, TTCT tại Bến Tre luôn mang lại hiệu quả cao, kể cả đối với vùng trước đây nuôi tôm sú khó khăn.
Theo Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, sau 2 năm thử nghiệm cho thấy mô hình nuôi 1 vụ tôm sú và 1 vụ TTCT rất thành công. Ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho biết: “Chúng tôi đã thử nghiệm trên 10 ao nuôi trong 2 năm qua và nhận thấy cả TTCT lẫn tôm sú đều phát triển rất tốt. Điều này cho thấy, ao nuôi TTCT vẫn có thể nuôi sú lại bình thường”. Với giá tôm như hiện nay, theo ông Huy, TTCT hay tôm sú đều có lợi thế như nhau. Ông Huy phân tích: “TTCT do có lợi thế cỡ nhỏ vẫn bán được giá nên chỉ cần 1,5 tháng là coi như hết... lỗ. Trong khi nuôi tôm sú phải trên 3,5 tháng mới cảm thấy yên tâm. Nếu nuôi TTCT đạt từ 2,5 tháng trở lên xem như đã có được mức lời nhất định. Đó là trong điều kiện bình thường, còn trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay thì TTCT đang có lợi thế hơn tôm sú. Năng suất TTCT tại Sóc Trăng hiện đã đạt bình quân từ 8-10 tấn/ha, cá biệt có người nuôi đạt đến 12 tấn/ha. Như vậy có thể thấy, hiệu quả từ TTCT là không thua gì tôm sú”.
* Thị trường sú hay TTCT là như nhau
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, thẳng thắn nêu quan điểm: “Nếu nhìn vào cơ cấu, số lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2010, sự đóng góp của TTCT rất lớn. Điều này cho thấy, thị trường tiêu thụ TTCT không thua gì tôm sú, nhất là trong thời điểm kinh tế các nước còn đang khó khăn. Các thương nhân nước ngoài khi đến đặt mua tôm sú của Việt Nam bao giờ cũng hỏi có TTCT không”.
Ông Trần Đình Cung, Chi Cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nhận định: “Giá TTCT đang ngày càng cao do nhu cầu thị trường. Nếu như trước tháng 11-2010, tôm TTCT cỡ 56-110 con chỉ từ 53-75 ngàn đồng/kg thì từ cuối năm 2010 đến nay, giá TTCT loại 50 con/kg đã có giá 115 ngàn đồng/kg”. Ông Phạm Minh Tiền, thành viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho biết: “Với mức giá trên, dù có thu hoạch sớm sau 2 tháng thả nuôi, người nuôi vẫn có lời khá. Mặt khác, trước đây, kích cỡ TTCT nuôi thường chỉ vào khoảng 70-120 con/kg thì nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật, kích cỡ TTCT có thể đạt đến 40-50 con/kg”. Liên quan đến vấn đề thị trường, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khẳng định: “Giá tôm thời gian qua rất tốt cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu. Vì thế, cả tôm sú và TTCT vẫn có được đầu ra với giá tốt. TTCT ở ĐBSCL hiện có màu sắc đẹp hơn, kích cỡ đạt lớn hơn và chất lượng cũng được nâng lên nên giá bán vì thế cũng ngày càng cao hơn. Diện tích thực đã nuôi TTCT ở ĐBSCL là rất lớn, vì mỗi ngày, các nhà máy chế biến trong khu vực đều có một lượng lớn TTCT để chế biến. Riêng Sóc Trăng hiện nay mỗi ngày khoảng 50 tấn”.
* Sẽ khó quản lý nếu cấm nuôi TTCT ngoài vùng quy hoạch
Vấn đề dịch bệnh, nhất là hội chứng Taura trên TTCT trở thành đề tài tranh luận sôi nổi tại hội nghị chỉ đạo quy hoạch nuôi TTCT. Tuy nhiên, theo các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, qua 3 năm nuôi TTCT, hầu như dịch bệnh trên TTCT và tôm sú là như nhau, nhưng mức độ thiệt hại của tôm sú cao hơn TTCT. Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban tôm, VASEP, thông tin thêm: “Chúng ta vẫn cứ lo sợ bệnh Taura trên TTCT trong khi các nước khác đã nuôi thành công. Điển hình như: Trung Quốc, Thái Lan đã có trên 10 năm nuôi TTCT nhưng chưa hề phát hiện có dịch bệnh Taura. Từ sau năm 2000 đến nay, trên thế giới chưa hề xảy ra dịch bệnh nào lớn trên tôm nuôi, kể cả TTCT. Tại Hawaii, nơi được xem là trung tâm sản xuất TTCT lớn nhất thế giới, đã nghiên cứu, lọc dòng thành công giống TTCT miễn cảm nhiễm với Taura và phát triển cực nhanh. Công ty CP của Thái Lan đang hưởng thành quả khoa học này thông qua các chương trình hợp tác khoa học. Đây cũng chính là nguyên nhân đưa diện tích nuôi TTCT của Thái Lan hiện nay chiếm đến 95%, chỉ còn 5% dành cho tôm sú”.
Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan, Viện Nuôi trồng thủy sản II, khẳng định: “Các kết quả thử nghiệm gây cảm nhiễm hội chứng Taura trên tôm sú cho thấy mức độ ảnh hưởng rất nhỏ không đáng quan tâm. Cho đến thời điểm hiện nay, các nghiên cứu vẫn chưa phát hiện có sự tạp giao giữa hai đối tượng nuôi tôm sú và TTCT trong vấn đề dịch bệnh để hình thành nên những biến dị di truyền”. Bà Trương Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VII, cũng khẳng định, các mẫu xét nghiệm chưa từng phát hiện có sự hiện diện của vi-rút gây hội chứng Taura.
Sau khi tranh luận về tính hiệu quả, tình hình dịch bệnh và cả thị trường tiêu thụ, lãnh đạo các tỉnh và người nuôi tôm khu vực ĐBSCL đều có chung kiến nghị: Không nên quy hoạch vùng nuôi TTCT riêng biệt với vùng nuôi tôm sú như vừa qua. Ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, đề xuất: “TTCT rất dễ nuôi, nhưng nếu quy hoạch và quy định điều kiện như vừa qua chỉ có những người có vốn cao mới được nuôi. Vấn đề chính hiện nay là quy hoạch diện tích nuôi bao nhiêu là vừa với thị trường tiêu thụ để tránh mất giá, chứ không nên quy hoạch tách biệt 2 vùng nuôi TTCT và tôm sú”. Tiến sĩ Hồ Quốc Lực cho biết thêm: “15 năm trước, Sóc Trăng đã từng cấm nuôi tôm sú tại những vùng lợ, nhưng một số người dám vượt rào và đã thành công, biến nghề nuôi tôm sú trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vấn đề chính ở đây là các giải pháp quản lý dịch bệnh thế nào cho khoa học và hiệu quả, chứ không phải cứ tranh cãi nên hay không nên nuôi TTCT nữa”. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, đề xuất thêm: “Trong tình hình tôm sú thiệt hại hiện nay, việc lấp lại TTCT là rất phù hợp vì thời gian ngắn, tránh được thời điểm mưa nhiều. Bộ NN&PTNT cẩn trọng là cần thiết, nhưng duy trì sự cẩn trọng từ năm 2004 đến nay là quá lâu, trở thành rào cản cho sự phát triển nghề nuôi. Mặt khác, nghề nuôi sú đang ngày càng khó khăn, Bộ NN&PTNT nên cho nuôi TTCT có điều kiện vì nếu cấm sẽ rất khó khăn trong quản lý”.
XUÂN TRƯỜNG