26/07/2020 - 09:00

Nữ thương binh và những tờ vé số nghĩa tình 

Hơn 30 năm qua, hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, tật nguyền len lỏi bán vé số tại chợ Long Hưng A (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã trở nên gần gũi và quen thuộc. Bà là nữ thương binh Đặng Thị Bảy nổi tiếng với tấm lòng kiên trung, giữ trọn lời hứa với đồng đội. Năm nay, tuy đã ở tuổi 74 nhưng bà vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, bởi với bà, còn sức là còn cống hiến.

Bà Bảy chăm sóc các ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng A.

Dành cả tuổi thanh xuân cho cách mạng

Chúng tôi về Long Hưng A tìm bà Bảy vào những ngày đất nước đang chuẩn bị kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Len lỏi trong chợ Long Hưng A, hơn 9 giờ, chúng tôi mới gặp được bà trong quán ăn nhỏ ven chợ. Chị Mai Như Ý (chủ quán ăn) nói: "Bác Bảy là vậy đó, sáng sớm tranh thủ bán cho khách quen. Ðến gần trưa mới ăn sáng, rồi bán tiếp. Ðến chiều lại vào nghĩa trang chăm sóc các ngôi mộ liệt sĩ".

Xong bữa ăn sáng, bà lão dáng người nhỏ bé với bàn tay phải co quắp, đôi chân chậm chạp, tay cầm xấp vé số lại lê từng bước vào chợ. Cũng như những người con ưu tú khác của quê hương, trải qua chiến tranh, nhiều người hy sinh hoặc gửi lại một phần thân thể nơi chiến trường, thì bà Bảy với các vết thương trên cơ thể cùng những mảnh đạn còn trong đầu, hạng thương binh ¼ dường như chưa thể nói hết những hy sinh của bà dành cho Tổ quốc. Khi xấp vé số vơi đi, theo bà về nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng A, bên những đồng đội nằm trong lòng đất mẹ, câu chuyện ngày xưa của bà lại ùa về.

Bà Bảy kể, bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Noi theo cha và các anh chị, năm tròn 13 tuổi, bà tham gia làm giao liên hợp pháp tại xã. Trong quá trình đó, những nhiệm vụ được tổ chức giao bà đều hoàn thành tốt. Năm 17 tuổi, bà được đưa đi học khóa hộ sinh và 1 năm sau bà được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Ðảng. "Lúc này, Long Hưng A là địa bàn trọng yếu nên địch đánh phá hết sức ác liệt. Vì thế, sau lễ kết nạp, tôi cùng các đồng đội là đảng viên vừa kết nạp hứa với nhau: Ðến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống".

Bà Bảy kể tiếp: "Mậu Thân năm 1968, trong một trận đánh đồn, trên đường rút quân, đơn vị tôi bị địch phục kích, nhiều người bị thương và hy sinh. Tôi may mắn thoát chết nhưng cũng bị thương ở vùng đầu và liệt nửa thân người. Lúc này, khi biết các đồng đội hy sinh, tôi lại liệt nửa người nên nghĩ lời hứa trước đây chắc sẽ không bao giờ thực hiện được". Thân thể tật nguyền, không thể trực tiếp chiến đấu, bà Bảy được phân công ở tuyến sau mua thuốc men tiếp tế cho quân y, rồi được bồi dưỡng chuyên môn hộ sinh, y tế làm y tá cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ngày đất nước thống nhất, 19 đồng đội ngày ấy của bà đã vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang xã Long Hưng A, riêng bà Bảy còn sống nhưng trong đầu vẫn còn 3 mảnh đạn, làm tay phải co quắp, 2 chân yếu ớt, đi lại chậm chạp. Lúc này, vết thương liên tục hành hạ, làm sức khỏe bà ngày càng suy kiệt nên đến năm 1979, bà phải nghỉ mất sức. Ðúng lúc này, 2 cháu nội của người anh lâm cảnh mồ côi, rồi người em gái bị bệnh không đủ sức nuôi con… bà lại dang rộng vòng tay để trở thành "mẹ" của 3 đứa trẻ trong căn nhà tạm bợ, mọi chi tiêu gia đình đều trông chờ vào đồng lương thương binh của bà.

Hơn 30 năm trước, do nhu cầu ăn học ngày càng lớn của các con, bất chấp thương tật, bà lãnh vé số đi bán dạo để cải thiện cuộc sống. Lúc này, lời hứa với đồng đội năm nào vẫn còn đó như thôi thúc, tiếp thêm cho bà nghị lực vượt qua khó khăn để ngày ngày rong ruổi khắp nơi bán vé số. Hết ngày, sau khi trừ tiền trang trải cuộc sống gia đình, phần còn lại, bà cho vào heo đất. Mỗi khi có người trúng số "thưởng", bà cũng cho hết vào đó tích lũy dần để thực hiện lời hứa của mình.

Thực hiện lời hứa năm xưa

Năm 2010, khi hay tin lãnh đạo xã Long Hưng A trùng tu lại nghĩa trang liệt sĩ, bà Bảy đập ống heo đất sau nhiều năm dành dụm, được 72 triệu đồng, bà mang hết đến xã. Bà Bảy nói, lúc đó bà chỉ có nguyện vọng duy nhất là góp phần vào việc sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, nơi có những đồng đội bà nằm đó. "Khi tôi mang tiền đến xã xin được đóng góp, lúc đầu lãnh đạo xã thuyết phục tôi giữ lại số tiền đó để an dưỡng nhưng tôi bảo đây là số tiền tôi bỏ ống suốt 12 năm qua chớ đâu phải tiền vay mượn. Ðây là tâm nguyện của tôi, nếu không thực hiện chắc có lẽ khi chết, tôi không nhắm mắt được"- bà Bảy nói.

Ông Nguyễn Dung Thạch, Chủ tịch UBND xã Long Hưng A, cho biết lãnh đạo và nhân dân địa phương vô cùng cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của bà Bảy. Bà là tấm gương tiêu biểu cho sự hy sinh thân mình vì Tổ quốc, yêu lao động, cống hiến hết mình cho quê hương. Đặc biệt là tấm lòng kiên trung, giữ trọn lời hứa với đồng đội, xứng đáng cho thế hệ trẻ noi theo.

“Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì nghĩa cử, việc làm của bác Bảy là hình ảnh tiêu biểu nhất cho việc học tập và làm theo gương Bác. Thời gian qua, địa phương cũng lấy tấm gương của bác Bảy để tuyên truyền, giáo dục, nêu gương để mọi người học theo”- ông Thạch nói.  

Ông Nguyễn Dung Thạch, Chủ tịch UBND xã Long Hưng A, kể: "Lúc đầu lãnh đạo xã rất băn khoăn. Vì xã là một trong số ít địa phương cấp xã được đặc cách duy trì nghĩa trang có từ kháng chiến chống Mỹ nên được duyệt kinh phí chỉnh trang nghĩa trang cho hoàn chỉnh. Trong khi đó, bác Bảy là thương binh nặng, gia đình còn khó khăn... Lãnh đạo xã phải xin ý kiến huyện, tỉnh, rồi trước thái độ quyết liệt của bác, cuối cùng xã đồng ý và tìm cách giúp để bác thực hiện đúng lời hứa của mình với đồng đội. Sau đó, xã đã sử dụng 70 triệu đồng đóng góp của bác Bảy vào việc ốp gạch men lên toàn bộ 144 ngôi ngộ của nghĩa trang liệt sĩ xã. Còn bác giữ 2 triệu đồng lại để mua con heo quay mừng công trình hoàn thành".

Sau khi nghĩa trang được trùng tu khang trang, bà Bảy thường xuyên đến dọn dẹp, nhang khói cho đồng đội. Hơn hết, bà rất mừng vì bản thân đã thực hiện được lời hứa với đồng đội năm xưa. Bây giờ, mỗi ngày bà lại đến nghĩa trang, khi thì lau mộ, lúc thì dọn rác, nhổ cỏ, tối đến thì nhang khói. Tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn tiếp tục bán vé số, tiếp tục tích góp để có tiền giúp người khó khăn, nhất là hộ chính sách. Chị Mai Như Ý nói: "Thấy bác Bảy làm việc có ý nghĩa nên bà con ở đây ai cũng quý, trước hết là mua vé số ủng hộ, sau đó là xem bác như một tấm gương sáng để giáo dục con cháu noi theo".

Tôi tạm biệt bà Bảy khi chiều bắt đầu ngả bóng. "Mấy hôm nay, chập tối trời hay mưa nên tôi không đốt nhang được, chắc họ lạnh rồi. Hôm nay trời đẹp, chập tối tôi sẽ ra thắp nhang cho họ" - dứt lời, bà Bảy bước đi. Người nữ thương binh nhỏ bé, nhấc từng bước chân lần ra hướng cổng. Bóng bà kéo dài theo vệt nắng cuối ngày hòa vào những hàng mộ của đồng đội đang ngủ yên trong lòng đất mẹ!

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết