10/08/2018 - 21:36

Nông sản Bình Thủy rộng đường hội nhập 

Hiện nay, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã có 5 mặt hàng nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đây là cú hích để nông sản Bình Thủy ngày càng vươn xa, mở rộng con đường hội nhập, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và quảng bá tiềm năng du lịch cho địa phương.

5 nhãn hiệu tập thể được trao cho nông sản Bình Thủy gồm: vú sữa Thới An Đông, rau an toàn Long Tuyền, sữa bò Long Hòa, nấm bào ngư Thới An Đông và hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ.

Làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ thu hút khách tham quan nhờ quảng bá nhãn hiệu tập thể. 

Mới đây nhất, việc sản phẩm sữa bò Long Hòa được cấp nhãn hiệu tập thể đã làm nức lòng người chăn nuôi ở phường Long Hòa. Ông Võ Thanh Cần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bò sữa Long Hòa, cho biết: nghề nuôi bò sữa có ở địa phương gần 20 năm qua. Hiện, HTX có 35 hộ nuôi với tổng số đàn bò hơn 500 con. Sản lượng sữa cung ứng cho thị trường mỗi ngày từ 3-4 tấn. Với giá bán khoảng 14.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày một con bò cho người nuôi lãi từ 70.000- 80.000 đồng. Ông Cần cho biết, do con bò sữa mang lại cho người nuôi thu nhập cao nên bà con rất chú trọng chăm sóc, thu hoạch sữa để tạo thương hiệu uy tín. Nhờ vậy, suốt 20 năm qua, bò sữa Long Hòa luôn là nguồn nguyên liệu được “săn đón” của nhiều công ty sản xuất sữa lớn. “Hiện, sữa bò Long Hòa được công ty Vinamilk bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định nên bà con rất yên tâm”- ông Cần cho biết. Ông thông tin thêm, từ việc sữa bò Long Hòa có nhãn hiệu riêng, HTX sẽ xúc tiến quảng bá hình ảnh, khai thác thế mạnh này trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Sau hơn 3 năm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể rau an toàn Long Tuyền, người trồng rau ở phường Long Tuyền thấy rõ sự “vươn xa” của nông sản quê mình. Rau Long Tuyền giờ đã được cung ứng vào siêu thị, hệ thống nông sản sạch của TP Cần Thơ, bếp ăn trường học và phục vụ du lịch. Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền, cho biết: HTX hiện có 13 hộ tham gia sản xuất với gần 6ha, chủ yếu trồng các loại cho trái như bầu, bí, dưa leo, khổ qua, cà, ớt…

Còn tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, du khách dần biết nhiều đến sắc hoa nơi đây với lượng khách tham quan ngày càng tăng vọt. Ngày giáp Tết, mỗi ngày làng hoa đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, mua hoa. Nhiều thương lái cũng tìm về đây mua hàng và nhất là làng hoa đã cung ứng phần lớn hoa cho Đường Hoa Xuân Cần Thơ hằng năm. Ông Đoàn Hữu Bốn, Phó Chủ nhiệm Làng hoa, nói rằng: Với diện tích sản xuất 40ha và 227 thành viên tham gia canh tác, trung bình hằng năm Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ cung cấp ra thị trường  khoảng 450.000 giỏ hoa, kiểng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây. Trung bình mỗi vụ hoa Tết, mỗi hộ trồng hoa ở làng nghề kiếm lời từ 70-100 triệu đồng, các hộ trồng kiểng bonsai có thể kiếm lời gần 200 triệu đồng. Để khẳng định nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận, bà con làng hoa rất chịu khó tìm tòi nhiều giống mới với màu sắc phong phú và hấp dẫn về trồng.

Bà con các HTX, làng nghề chia sẻ, việc nông sản mình làm ra có được nhãn hiệu là điều vui mừng, nhưng làm sao để giữ uy tín, hình ảnh nông sản là điều cần thiết. Điển hình như ở HTX Rau an toàn Long Tuyền, tất cả nông sản đều được trồng trong nhà lưới, quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, sử dụng phân thuốc đến tưới tiêu, thu hoạch, đóng gói sản phẩm. Còn ông Võ Thanh Cần, Giám đốc HTX Bò sữa Long Hòa, cho rằng: sự cẩu thả, không uy tín của người nông dân chính là trực tiếp “giết” thương hiệu và khước từ lợi ích của chính mình. Ông Cần lý giải, ví như việc thu hoạch sữa bò cần được thực hiện sạch sẽ, tuyệt đối an toàn từ chuồng trại đến vệ sinh… Nếu sữa thiếu khô, thiếu béo, nhà tiêu thụ sẽ phát hiện bằng máy và trừ vào giá sản phẩm rất nặng. Sự liên đới trách nhiệm đó chính là động lực để nhãn hiệu tập thể thực sự uy tín.

Câu chuyện rau Long Tuyền, nấm bào ngư, vú sữa Thới An Đông được đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch cho thấy sức lan tỏa của nhãn hiệu. Ông Nguyễn Văn Tập, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng vú sữa tại khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, cho biết: “Từ khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, bà con trong tổ hợp tác rất phấn khởi, vì được nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố biết tới. Nhờ đó, đầu ra sản phẩm ổn định, nông dân bán được giá cao, không bị thương lái ép giá”.

Theo ngành nông nghiệp quận Bình Thủy, với những nông sản đã có nhãn hiệu, địa phương luôn xác định đây là những nông sản chủ lực và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nuôi trồng, phát triển. Điển hình nhất là việc hỗ trợ nông dân vay vốn, tập huấn về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống, cho đi tham quan thực tế. Một tín hiệu vui nữa là tất cả nông dân tham gia sản xuất nhãn hiệu tập thể cho nông sản đều là xã viên HTX hoặc tổ hợp tác. Đây là điều kiện để bà con trau dồi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tìm đầu ra sản phẩm. Ông Lê Văn Út, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư Thới An Đông, cho biết: Nếu mỗi hộ làm riêng lẻ thì rất khó trong tiêu thụ và mất quyền lợi. Chính việc “đông tay thì vỗ nên kêu” đã giúp nấm bào ngư rộng đường trên thị trường.

Rõ ràng, trong xu thế hội nhập, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản là rất cần thiết và nông dân đang được hỗ trợ để xây dựng nhãn hiệu. Điều này có ý nghĩa hơn khi nông sản tiến thẳng vào các thị trường khó tính, gia tăng giá trị sản phẩm. 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết