13/10/2015 - 08:45

Nông nghiệp “căng sức” hội nhập

 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, TPP và các FTA thế hệ mới sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh khắc nghiệt cho DN Việt Nam. Đặc biệt, nhóm mặt hàng nông sản chịu sức ép lớn nhất, Việt Nam phải mở cửa thị trường, loại bỏ các dòng thuế nhập khẩu đối với hàng nông sản, trong khi rào cản kỹ thuật chưa có hoặc không cao, nên thị trường nội địa sẽ gặp bất lợi. Còn đối với thị trường xuất khẩu, TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại) và SPS (biện pháp vệ sinh dịch tễ) rất quan trọng đối với khả năng tiếp cận thị trường các nước của nông sản Việt Nam thậm chí còn rủi ro nhiều hơn so với thuế quan. Ở góc nhìn của người quản lý đầu ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng:

ĐBSCL xuất khẩu nông sản khá lớn, khi có TPP sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường thế giới, giúp cho việc ổn định sản xuất, tăng thu nhập của người dân. Các mặt hàng nông sản ở ĐBSCL chịu tác động rất lớn bởi TPP, với việc 90% các dòng thuế sẽ dỡ bỏ nhanh chóng về mức 0% sẽ tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam vào thị trường thế giới, đảm bảo đầu ra, ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của chúng ta ở mức độ thấp, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, có sự cạnh tranh nội vùng, có những điểm yếu nhất định trong TPP. Khi chúng ta hội nhập cần phải đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.

Các giống lúa chất lượng cao được trưng bày, giới thiệu trong một dịp Hội chợ triển lãm được tổ chức tại TP Cần Thơ. Ảnh: M.HUYỀN

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Cần Thơ tập trung tổ chức sản xuất theo nhóm, theo vùng, theo ngành hàng có phát triển liên kết trong từng ngành, từng lĩnh vực để tạo ra nền sản xuất có sản lượng ổn định, có tiêu chuẩn, quy trình đồng bộ, có khả năng đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến nhất để đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới. Chẳng hạn như năm 2004 thành phố có 94.000ha đất lúa với sản lượng bình quân từ 1- 1,1 triệu tấn/năm. Diện tích lúa giảm bình quân 1.000ha/ năm và đến nay đã giảm xuống còn 88.000ha nhưng sản lượng bình quân năm đạt khoảng 1,4 triệu tấn. Giá thành sản xuất tiếp tục giảm, đã tạo được những vùng sản xuất lúa tập trung, cung cấp nguyên liệu chất lượng cho chế biến xuất khẩu. Theo yêu cầu hội nhập, chúng ta phải thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của thị trường một cách công nghiệp, tức là phải rõ ràng, công khai, minh bạch và phải từng bước hiện đại hóa.

DN của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các DN Việt Nam tham gia thị trường thế giới còn rất non trẻ, kinh nghiệm còn ít, nguồn lực còn yếu, chủ yếu DN vừa và nhỏ là nhiều, kinh nghiệm trên thương trường, thị trường thế giới còn hạn chế. Trong quá trình hội nhập đôi khi DN lại quên đi việc giữ vững sân nhà, trong khi sân nhà là rất quan trọng. Chẳng hạn hằng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo trong khi sản lượng gạo xấp xỉ 20 triệu tấn, tức là tiêu thụ nội địa khoảng 2 phần và xuất khẩu 1 phần. Thái Lan, Myanmar, Campuchia sản xuất lúa mùa từ 1-2 vụ trong năm nên chất lượng tốt hơn lúa cao sản của chúng ta. Gạo Việt Nam vẫn được người Việt Nam ưa chuộng về chất lượng. Tuy nhiên giá gạo nội địa thực tế cao hơn so với giá xuất khẩu và trong quá trình hội nhập, mở cửa thị trường, nếu gạo nội địa vẫn giữ giá cao sẽ khó cạnh tranh về giá với các loại gạo nhập khẩu. Trong hội nhập, những mặt hàng nào chúng ta không có khả năng cạnh tranh thì không cần phải cạnh tranh mà tập trung đi sâu vào những sản phẩm có thế mạnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để tổ chức sản xuất bám theo nhu cầu thị trường, theo thị hiếu của người tiêu dùng. Tóm lại, trong quá trình hội nhập TPP của ngành nông nghiệp, yếu tố sống còn chính là hạ giá thành, nâng cao chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để nông sản của Việt Nam vừa có được chỗ đứng trên thị trường thế giới, vừa giữ vững được sân nhà.

Minh Huyền (ghi)

Chia sẻ bài viết