10/12/2015 - 21:43

Vụ lúa thu đông 2015

Nông dân Tân Phú Đông bị thiệt hại nặng

Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, lượng mưa ít, hạn, mặn xâm nhập sớm nên vụ lúa thu đông 2015 của huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại nặng...

 Nhiều nông dân Tân Phú Đông tiến hành trồng sả trên diện tích lúa đã chết.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, vụ lúa thu đông 2015, toàn huyện chỉ xuống giống hơn 1.300ha (giảm hơn 200ha so với vụ hè thu) với lịch gieo sạ của huyện, từ 10 đến 25-10-2015. Thế nhưng, do ảnh hưởng của thời tiết dẫn đến nhiều diện tích xuống giống không đúng lịch thời vụ, gây khó khăn cho sản xuất.

Do điều kiện thổ nhưỡng, vụ lúa thu đông tại huyện Tân Phú Đông được xác định là vụ chính, được nông dân kỳ vọng nhất trong năm. Thế nhưng, năm nay, mưa kết thúc sớm, hạn, mặn xâm nhập sâu, độ phèn trên đất tăng cao dẫn đến hơn 60% diện tích lúa vụ thu đông bị chết, nhiều cánh đồng trơ đất, nứt nẻ, nhiều bà con nông dân rơi vào cảnh trắng tay. Đứng trước 4.000m2 đất lúa đang khô trắng, đất nứt nẻ, ông Nguyễn Văn Hải, xã Phú Đông buồn nói: "Lúc mới gieo sạ khoảng 15 ngày, mạ non lên rất đều. Ai ngờ, nắng gắt kéo dài chỉ vài ngày, đất bị xì phèn, lúa bắt đầu vàng và chết hoàn toàn, thiệt hại 100%. Không riêng gì gia đình tôi, hầu như bà con ở khu vực này đều bị như vậy, chỉ 1 - 2 đám ruộng là còn hy vọng. Bây giờ, chẳng dám sạ lại lần 2 vì cứ bơm nước vào, nắng nóng kéo dài, đất bị xì phèn lúa không bao giờ sống nổi".

Trước những khó khăn của vụ lúa thu đông 2015, nhiều bà con nông dân huyện Tân Phú Đông chủ động chuyển đổi diện tích đất lúa bị chết sang trồng các loại cây màu khác, đặc biệt là cây sả với hy vọng gỡ gạt lại một phần chi phí đầu tư cho vụ lúa bị mất trắng này. Bà Huỳnh Thị Thủy, xã Phú Đông đang cùng 3 - 4 chị em khác đang tất bật trồng sả trên diện tích lúa vừa chết, cho biết: "Vụ lúa vừa gieo sạ rồi bị thiệt hại hơn 4 triệu đồng: làm đất, mướn nhân công, lúa giống, tiền phân và thuốc... Năm rồi, vụ này gia đình tôi cũng lời được một ít. Năm nay như vậy xem như trắng tay. Thấy đất còn ẩm nên tôi mua sả về trồng. Bỏ đất trống thì uổng mà trồng thì "năm ăn, năm thua" vì đất ở đây phèn, mặn dữ lắm. Nếu không trồng cây sả thì bỏ đất trống đến mùa mưa năm sau mới bắt đầu gieo sạ lại được". Bà Võ Thị Yến, xã Phú Thạnh, cho biết: "Năm nay, mưa kết thúc sớm, đất đã nứt nẻ, chỉ biết đứng nhìn lúa chết mà chẳng biết phải làm gì. Nếu trồng sả vào đến tháng Giêng, tháng 2 năm sau không có nước tưới, sả cũng không phát triển nổi thì lại mất cả vốn lẫn lời, nghèo vẫn cứ nghèo. Vì vậy, tôi không dám mạo hiểm".

Hiện tại, các ngành chức năng huyện Tân Phú Đông đang vận động các nguồn kinh phí từ tỉnh để hỗ trợ cho những gia đình có diện tích bị mất trắng như hiện nay. Đồng thời, có kế hoạch bảo vệ những diện tích còn lại, giảm tối đa mức thiệt hại, phần nào giúp bà con trồng lúa tại huyện Tân Phú Đông vơi bớt khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, cho biết: "Nhận định tình hình khó khăn cho vụ lúa thu đông 2015 nên bước đầu huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con chuyển đổi cây trồng ở những khu vực khó khăn về nguồn nước. Thế nhưng, theo tập quán, bà con cứ gieo sạ nên khi khô hạn kéo dài đất bị xì phèn dẫn đến thiệt hại. Hiện tại, huyện đang tập trung nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng và không cho mặn xâm nhập vào bên trong để bảo vệ diện tích còn lại. Tuy nhiên, cái khó hiện tại, nếu nắng kéo dài, nước tại các tuyến kênh sẽ cạn và độ phèn, mặn bắt đầu tăng cao, đe dọa diện tích lúa còn lại của bà con nơi đây".

Bài, ảnh: CAO NGUYÊN

Chia sẻ bài viết