01/07/2014 - 08:29

Phát triển cây đậu nành ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nông dân lại “ngán” đậu nành !

Mặc dù vùng đất ở ĐBSCL có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng cây đậu nành, nhưng vài năm trở lại đây, người dân trong vùng đã dần bỏ loại cây này để trồng loại cây khác, trong đó nhiều nhất là cây mè.

Bỏ đậu nành trồng mè

Vài năm trước đây, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là nơi đi tiên phong trong việc trồng đậu nành. Mỗi khi thu hoạch, người dân bán với giá khoảng 18.000 đồng/kg, với năng suất khoảng 2-2,5 tấn/ha/vụ, sau khi trừ chi phí, còn lời khoảng 15-18 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, do loại cây trồng này tốn nhiều công chăm sóc và không có lời bằng trồng một số loại cây ngắn ngày khác nên dần dần không còn được nông dân ưa chuộng.

Người dân Vĩnh Long thu hoạch đậu nành.

Ông Trần Văn Đời, người dân ở xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân, cho biết: “Trồng đậu nành cực lắm. Lợi nhuận không cao đã đành, giá lại có xu hướng giảm. Hiện nay, giá đậu nành bán ra chỉ còn 13.000-14.000 đồng/kg. Hiện nay, người dân trong xã đã chuyển sang trồng cây mè rất nhiều, cây này cho lợi nhuận cao hơn đậu nành lại dễ trồng”.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã không mặn mà với cây đậu nành, một loại cây đã từng giúp người dân thoát nghèo khi cây lúa cho lợi nhuận thấp. Trước đây 4 năm, huyện Bình Tân có khoảng 100ha đậu nành nhưng hiện nay chỉ còn 10 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Tân An Thạnh. Ông Nguyễn Văn Trạng, Phó Phòng kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Hiện toàn tỉnh có khoảng 480,5 ha đất trồng đậu nành, ngoài huyện Bình Tân thì diện tích trồng đậu nành tập trung nhiều ở xã Tân Thạnh, huyện Long Hồ và xã Phú Thành, huyện Trà Ôn”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp - tỉnh có diện tích trồng đậu nành lớn nhất vùng ĐBSCL, hiện nay diện tích trồng đậu nành đang bị giảm mạnh, từ 7.600ha năm 2007 giảm xuống còn khoảng 700ha như hiện nay, tập trung ở huyện Cao Lãnh, Châu Thành và thành phố Cao Lãnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là người nông dân chưa chủ động được nguồn giống, hệ thống tưới tiêu trên địa bàn tỉnh cũng chưa được đầu tư cho việc sản xuất cây trồng cạn.

Ngoài tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, các địa phương khác trong vùng ĐBSCL như: Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang…người dân cũng dần bỏ cây đậu nành chuyển sang trồng cây khác. Theo đó, diện tích bị giảm từ trên 8.900ha (năm 2009) xuống còn khoảng 2.900ha vào năm 2013. Theo tính toán của ngành nông nghiệp các địa phương, cây đậu nành chỉ cho năng suất cao hơn cây lúa, còn các loại cây khác thì kém xa. Nếu đậu nành lời khoảng 15-18 triệu đồng/ha, thì mè cho lợi nhuận khoảng 50–60 triệu đồng/ha/vụ, đậu bắp 70 triệu đồng/ha/vụ, dưa leo 170 triệu đồng/ha/vụ, hoa huệ 150–180 triệu đồng/ha…

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Liên quan đến việc sản xuất đậu nành trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, nhận định: “Đúng là người dân trồng đậu nành sẽ không có lợi nhuận cao bằng một số loại cây trồng khác. Hiện nay, giá đậu nành giảm cũng làm cho nhiều hộ dân trồng loại cây này thêm nản lòng. Nếu để mở rộng diện tích trồng loại cây này thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ bao tiêu ổn định và cần đẩy mạnh khâu cơ giới hóa trong quá trình sản xuất”.

Về biện pháp thực hiện trong thời gian tới, theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT và các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu, đưa giống đậu nành cho năng suất cao, có thể kháng sâu đục hạt cho người dân sản xuất. Thời gian tới, các địa phương cần xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung quy hoạch chi tiết lại vùng trồng đậu nành, có gắn kết việc sản xuất với tiêu thụ…

Tiến sĩ Nguyễn Phước Đằng, Trưởng Bộ môn Di truyền Giống nông nghiệp (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ), nói: “Hiện nhu cầu tiêu thụ đậu nành rất cao. Sản phẩm đậu nành được người dân địa phương bán cho thương lái trong tỉnh làm đậu hủ, nước tương, sữa đậu nành… Chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu, lai tạo ra những giống mới, ít sâu bệnh để cung cấp cho người dân”. “Để tăng diện tích cây đậu nành, ngành nông nghiệp cần đầu tư nhiều hơn trong khâu chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, tổ chức hệ thống nhân giống đủ lượng hạt cung cấp trong thời điểm gieo sạ (giống đậu nành dễ mất tỷ lệ nẩy mầm), đồng thời có chính sách trợ giá, hỗ trợ kỹ thuật…” - Tiến sĩ Đằng cho biết thêm.

Theo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, đậu nành rất thích hợp để trồng luân canh trên nền đất lúa ở vùng ĐBSCL. Cây đậu nành có vai trò cung cấp một lượng đạm và cải thiện cấu trúc của đất. Hiện nay, nhiều người có xu hướng sử dụng các sản phẩm chế biến từ đậu nành. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng được diện tích cây đậu nành vẫn là bài toán nan giải, trong đó cần phải có sự vào cuộc một cách sâu sát của ngành chức năng, của Nhà nước thì mới hy vọng cải thiện được những bất cập nêu trên.

Bài, ảnh: MINH NGỌC

Chia sẻ bài viết