12/02/2008 - 11:11

Nồng ấm tình nghèo

Ngôi nhà nhỏ ở số 261 Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực 1, tổ 1, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ là tổ ấm của vợ chồng anh Đào Thái và chị Lý Thị Hoàng. Dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng anh chị vẫn nuôi dạy con cái học hành đàng hoàng, xây dựng nếp nhà mẫu mực. Nhiều năm qua, gia đình anh Thái được chọn là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu của phường Xuân Khánh.

Đồng lòng vượt khó

Chị Lý Thị Hoàng và anh Đào Thái là người Khmer, quê gốc ở Cần Thơ. Lấy nhau trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn nên hai vợ chồng phải tự lực mọi thứ. Ban ngày, anh Thái đi dạy ở Trường Tiểu học số 3 Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, còn chị Hoàng bán tạp hóa. Anh Thái được nhà trường cho mượn một mảnh đất nhỏ trong khuôn viên trường cất nhà ở tạm. 3 đứa con lần lượt ra đời, gánh mưu sinh càng trĩu nặng. Khi trường lấy lại đất, anh chị về tá túc nhà mẹ ruột chị Hoàng ở phường Xuân Khánh và ở luôn cho tới nay. Thấm thoát mà đã 20 năm...

Vợ chồng anh Thái hạnh phúc bên những tờ giấy khen của các con. 

Nhắc lại chuyện xưa, vợ chồng anh Thái không kìm được xúc động. Những năm đầu khó khăn không kể xiết, 3 đứa con phải tách ra, đứa gởi ngoại, đứa theo cha đi dạy, đứa ở nhà với mẹ, mẹ đi giúp việc nhà thì gởi hàng xóm. Khi chị Hoàng sinh đứa con thứ 3 thì phát hiện chị bị suy tim. Anh Thái bán tất cả tài sản để nuôi con, chữa bệnh cho vợ, nợ nần chồng chất. Trong những lúc túng bấn, vợ chồng càng nương nhau vượt qua sóng gió. Sau một thời gian, thấy các con xa nhau tội quá, nên anh chị quyết định gom về một nhà, đói no có nhau.

Chị Hoàng nói:“Khổ nên cái gì cũng làm, tích tiểu thành đại. Nhờ trời thương nên chúng tôi đi đâu cũng có người giúp”. Thấy chồng đạp xe đạp đi dạy học tận Ô Môn xa quá, chị Hoàng mượn tiền mua chiếc honda cũ cho anh Thái làm phương tiện đi lại. Ban đêm, anh Thái mướn thùng gắn vào xe chở đồ thuê. Không có sức khỏe làm việc nặng, chị Hoàng bán bánh mì tại nhà hai cữ sáng và tối. Để lo cho các con đầy đủ hơn, chị bán thêm sinh tố, nước giải khát. Thấy mẹ cực quá, ngoài giờ học, các con thay phiên nhau phụ. “Nhiều người làm thì thu nhập cao hơn, nhưng vì phụ mình các con phải bớt thời gian học tập, kết quả giảm sút. Tôi quyết định không bán nước giải khát nữa và kiên quyết không cho các con phụ giúp để chỉ tập trung vào việc học mà thôi” - chị Hoàng kể. Thấy được tấm lòng và sự hy sinh của mẹ cha, các con của chị đều tự bảo ban nhau cố gắng. 3 đứa con của vợ chồng anh Thái đều ngoan, học hành giỏi giang. Người con đầu tên Đào Hoàng Ánh Dương, đang học năm thứ 2 Trường Cao đẳng song ngữ Sóc Trăng, chuyên ngành tiểu học. Người thứ hai tên Đào Hoàng Bảo Khuyên, học lớp 11 Trường Nội trú dân tộc quận Ô Môn. Con út tên Đào Hoàng Thái Khoa, đang học lớp 9 Trường THCS Tân An.

Các con học cao thì nỗi lo trong anh Thái càng tăng. Ngoài bồi dưỡng chuyên môn cho mình, anh Thái còn luôn tự học không ngừng để theo kịp các con, đôn đốc các con học. Mỗi tối anh và con trai út cùng ngồi vào bàn với phương châm: chưa học đủ chưa đi ngủ, người ở xa thì nhắc nhở qua điện thoại, thư. Anh luôn động viên các con tự lực học tập, không giấu dốt. Anh Thái tâm sự: “Gia đình là tài sản quý nhất nên tôi luôn cố gắng vun bồi. Không gì vui bằng được nhìn thấy các con tiến bộ mỗi ngày”.

Nếp nhà mẫu mực

Sau một thời gian dài cật lực, anh chị bắt đầu mua sắm được vật dụng trong nhà, sửa lại mái nhà cũ đã dột nát. Anh Thái đổi được chiếc xe máy khác tươm tất hơn. Anh cũng nghỉ nghề chạy xe lôi theo chủ trương của Nhà nước. Còn chị Hoàng vẫn gắn bó với xe bánh mì để kiếm tiền chợ hàng ngày. Vợ chồng anh cư xử với nhau như bạn thân, tâm đầu ý hợp trong mọi chuyện. Mấy chục năm sống chung anh chị chưa hề có tiếng cự cãi. Anh Thái cho biết: “Thấy vợ hiền lành, sức khỏe yếu nên tôi càng thương nhiều hơn”. Vốn là mẫu phụ nữ ẩn mình ở phía sau để lo cho chồng con, chị Hoàng nhã nhặn góp lời: “Cơm sôi nhỏ lửa thì qua hết, là vợ chồng thì lại càng phải nhường nhịn, hy sinh cho nhau”. Anh chị luôn duy trì bữa cơm gia đình như là một cách để hâm nóng tình cảm. Chị Hoàng còn đi học may để tự tay may quần áo cho chồng con.

Anh Thái hiện đang dạy chương trình song ngữ Việt – Khmer ở Trường Tiểu học số 3 Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. 27 năm gắn bó với nghề và ngôi trường này, ngoài tình yêu trẻ, anh bám nghề còn để dựa vào đó mà giáo dục các con. Vợ chồng anh Thái dạy con bằng chính bản thân mình: cha mẹ luôn gương mẫu trong từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử để con cái noi theo; tất cả ý kiến của mọi người trong gia đình đều được tôn trọng, không áp đặt; sống giản dị, tiết kiệm để lo cho mai sau; sống phải biết giúp đỡ mọi người, lắng nghe ý kiến đóng góp để trui rèn bản thân.

Sau khi ổn định chuyện nhà, năm 2005, chị Hoàng bắt đầu tham gia hoạt động xã hội với công tác phụ nữ. Hiện chị Hoàng là thành viên Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ khu vực 1, phường Xuân Khánh, phụ trách tổ phụ nữ người dân tộc. Chị Hoàng là nhân tố tích cực trong công tác vận động chị em làm kinh tế, xây dựng gia đình, tuyên truyền kiến thức pháp luật...

Ngôi nhà của anh chị nhiều năm qua là nơi họp mặt bạn bè, người thân, con cháu đến trọ học. Đây còn là điểm báo cáo tin tức của chị em ở Chi hội, sáng nào các chị đi chợ cũng ghé ngang nhà chị Hoàng. Nhờ vậy, mà các chị nắm rất rõ tình hình trong khu vực. Tết đến, nhà chị Hoàng còn là điểm vui chơi của chị em người dân tộc. Chị Hoàng tập hợp chị em lại để cùng múa hát những điệu nhạc truyền thống, tâm sự và tìm cách giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống.

Nhận xét về vợ chồng chị Hoàng, bà Lý Thị Hồng Phương, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN phường, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 1, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Chị Hoàng là một trong số rất ít người dân tộc làm cán bộ hội, luôn nhiệt tình trong công tác, là phụ nữ “hai giỏi” trong việc nước lẫn việc nhà. Chị may mắn có được hậu phương vững chắc là chồng con ủng hộ hết mình. Vợ chồng chị Hoàng dù nghèo nhưng rất coi trọng sự học, cùng nhau xây dựng nề nếp gia đình, lối xóm đều quý mến”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết