16/04/2010 - 20:30

Nơi sáng một chữ “Tình”

Cầu “Tình làng” bắc ngang rạch Bông Vang thay cho “cầu khỉ” cũ (bên phải).

Không gian yên ả, thanh bình, những dòng kinh, rạch uốn lượn, những vườn vú sữa trĩu quả khiến ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ không khác gì những vùng quê Nam bộ khác. Nhưng điều đặc biệt là nơi đây có rất nhiều công trình mang tên “Tình làng” và với quan hệ làng xóm tốt đẹp.

* Cái “tình” ở vùng ven...

Ấp Tân Hưng mới được chia tách đầu năm 2009 từ một phần ấp Thới Hưng, xã Giai Xuân. Là một địa phương thuần nông, vẫn giữ được vẻ đẹp yên bình của một làng quê dù nằm cách trung tâm thành phố không xa.

Chúng tôi gặp trên một đoạn đường thuộc tổ 2, ấp Tân Hưng, có một tấm bảng ghi “Cống lấp Tình làng”. Ông Nguyễn Văn Tám, Bí thư chi bộ ấp, giải thích: trước kia ở đây có cây cầu bắc ngang rạch nhỏ do bà con trong xóm cùng làm nên và đặt tên là cầu Tình làng. Gần đây, bỏ cầu đi để làm cống. Khi địa phương bắt đầu làm đường nhựa, bà con lấp cống lại và đặt ống bọng phía dưới, nên gọi là “cống lấp” nhưng vẫn giữ tên Tình làng. Ông Nguyễn Văn Tám cho biết thêm: “Ấp này còn nhiều công trình Tình làng như thế lắm. Những công trình ấy đều do bà con chung sức làm. Những cái tên gọi ấy để thể hiện tình đoàn kết, gắn bó với nhau của bà con”.

Đúng vậy, tình làng nghĩa xóm ở Tân Hưng bao đời nay đã được người dân giữ gìn, vun đắp. Những ai trong lúc khó khăn, hoạn nạn luôn có hàng xóm láng giềng động viên, chia sẻ. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Rạng sống với người con trai trong căn nhà xiêu vẹo, không có đất sản xuất, phải đi làm mướn, chạy gạo từng bữa. Con trai bà bị bệnh nặng qua đời, để lại bà với người con dâu thường xuyên đau yếu và đứa cháu mới vào mẫu giáo. Bản thân bà Rạng cũng mắc nhiều chứng bệnh do tuổi già sức yếu. Chính quyền và bà con đã lo hậu sự cho con trai bà Rạng chu đáo, lạc quyên tiền hỗ trợ gia đình. Lối xóm thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình, cho tiền, gạo, hay có món gì ngon cũng đem sang biếu. Tình cảm ấy đã làm dịu bớt những đau thương bất hạnh của gia đình bà Rạng. Hay trường hợp gia đình ông Lê Văn Mưa, không có đất đai, vợ chồng sống bằng nghề phụ hồ, công việc không ổn định. Hai đứa con thì đang tuổi ăn tuổi học. Tình cờ chúng tôi chứng kiến chính quyền xã và ấp đang bàn việc cất cho ông Mưa một căn nhà tình thương. Ông Mưa xúc động cho biết, bà con vẫn thường xuyên giúp đỡ gia đình, có công việc gì cũng “ưu tiên” gọi ông bà làm...

Tinh thần “bán bà con xa mua, láng giềng gần”, đoàn kết, yêu thương nhau đã trở thành phương châm sống lâu đời ở Tân Hưng. Một biểu hiện sinh động cho “tình quê chan chứa” chính là mô hình “nuôi heo ăn Tết”. Sau Tết Nguyên đán, bà con trong ấp chia ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 12 đến 15 gia đình, hùn 100.000 đồng/gia đình. Số tiền gom góp được cho những người có nhu cầu về vốn vay với lãi suất thấp. Cuối năm, bà con thu nợ và bù thêm tiền để mua cho đủ con heo khoảng 100kg làm thịt cùng nhau ăn Tết. Ông Huỳnh Văn Sáu, ngụ tổ 2, ấp Tân Hưng kể: “Sáng 28 Tết mà đi từ đầu đến cuối ấp có gần 20 điểm làm thịt heo, già trẻ, gái trai tụ họp lại vui lắm. Xong rồi nấu cháo lòng ngồi ăn cả một sân lớn như đám tiệc vậy. Bởi vậy, ở đây ai cũng mong đến Tết...”. Khi gia đình nào có đám tiệc ít ai thuê nhà tiệc, bàn ghế hay đặt nấu mà bà con xúm lại người một tay dựng rạp, trang trí, mượn bàn ghế giúp gia chủ.

Ấp Tân Hưng có đến 80% hộ trồng vú sữa. Kinh tế bà con có nhiều khởi sắc, tuy vậy còn một số hộ khó khăn, chưa có kinh nghiệm làm vườn. Bà con làm vườn chưa từng phải mua cây vú sữa giống nào. Hộ nào có nhu cầu cây giống thì lại những gia đình có vườn vú sữa xin chiết nhánh về trồng. Gia chủ còn hướng dẫn cách chiết, chăm sóc giùm nhánh chiết và hướng dẫn người mới trồng. Mọi người nói rằng: đồng tiền đâu sánh bằng tình nghĩa. “Bà con lối xóm, thương nhau còn không hết, ở đó mà...” - đó là câu nói của bà con Tân Hưng, cũng là phương châm sống đẹp, giúp thắt chặt “tình làng quê, nghĩa xóm giềng”.

* Một nếp sống văn hóa

Trục lộ chính của ấp Tân Hưng nằm dọc theo rạch Trà Niền ngọn, hai bên đường rợp bóng cây xanh, những chùm hoa râm bụt tươi màu trong nắng mới. Con đường nhựa phẳng phiu chạy dài hơn 4 km với hệ thống cầu, cống chỉnh chu. Dưới rạch, ghe xuồng qua lại tấp nập trên dòng nước trong xanh. Được biết con đường này đã được chính quyền ấp chọn xây dựng “Con đường đẹp” của ấp.

Đa phần nhà trong ấp đều có hàng rào, cổng rào cây xanh, được bà con quan tâm cắt tỉa gọn gàng sạch đẹp. Ý thức giữ gìn nét văn hóa cho xóm làng dường như đã trở thành thói quen trong cuộc sống của người dân. Thấy có cỏ, rác trên đường là mọi người tự động dọn dẹp, phát quang; đường đi có ổ gà, bong trốc trước nhà ai thì người nấy tự giác lấp vá. Mỗi khi rảnh việc, bà con lại rủ nhau phát quang những bãi đất trống có cỏ, sửa sang lại bảng tuyên truyền, cổng chào - không được ai vận động, kêu gọi.

Cầu đường trong ấp phần lớn đều do người dân góp sức xây dựng. Ấp mới đưa vào sử dụng cây cầu bắc ngang rạch Bông Vang bằng bê tông ngang 2 mét dài hơn 25 mét trị giá 15,6 triệu đồng, trong đó bà con đóng góp gần 14 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Sáu, ở tổ 2, phấn khởi: “Giờ đây, bà con hai bên rạch qua lại được dễ dàng. Từ đây không còn cảnh phải gửi xe đạp, xe máy nhà người khác. Ban đêm đi đâu về cũng không cần kêu inh ỏi để người thân bơi xuồng qua rước...”. Còn con đường chạy dọc theo rạch Còng dài 1.500 mét, bà con tự giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chặt cây cối, kiến trúc trên đường và làm nền hạ để xã hỗ trợ tráng nhựa. Có đường xong, mọi người trồng hàng rào cây xanh, phát quang dọn dẹp...

Ấp Tân Hưng còn là điểm sáng trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự của xã Giai Xuân. “Đèn trước ngõ, mõ trong nhà” là một mô hình mang tính cộng đồng của bà con: mỗi hộ dân đều có bóng đèn treo trước cổng rào, trời vừa sụp bóng là mọi người lại mở đèn trước nhà, phá vỡ không gian u tịch về đêm của vùng quê, vừa đảm bảo an toàn giao thông lại bảo đảm an ninh trật tự; chiếc mõ tre dùng để báo động mỗi khi nhà có trộm “viếng”. Khi nghe tiếng mõ, bà con xung quanh lại tiếp tục khõ mõ và lấy cây gậy đã chuẩn bị sẵn rượt bắt trộm. Cả ấp cùng bắt trộm, khiến bọn xấu rất “ngán” địa bàn. Chính quyền và bà con ấp Tân Hưng thường tổ chức buổi diễn tập nhưng chưa khi nào phải “làm thật”. Ban ngày khi phát hiện có người lạ mặt lai vãng trên địa bàn là bà con để ý, truyền tin cho nhau phải cảnh giác. Đến hơn 21 giờ mà còn chưa rời khỏi địa bàn thì bà con báo cho Ban Nhân dân ấp kiểm tra, nếu không có lý do chính đáng thì “mời” ra khỏi ấp.

Việc lồng ghép hoạt động của CLB Gia đình văn hóa với công tác “phòng chống bạo lực gia đình” và “gia đình bảo vệ an ninh tổ quốc” tại Tân Hưng đã mang lại kết quả tốt. CLB thường tổ chức các buổi sinh hoạt, trao đổi với nhau để tuyên dương những gia đình có thành tích tốt, con cái ngoan ngoãn, lễ phép. Tuy sinh hoạt, Ban chủ nhiệm và bà con cũng chân tình góp ý những gia đình còn có thành viên nhậu nhẹt, con cái hỗn hào, bỏ học... Hiện nay có 210/212 gia đình trong ấp đã đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”.

* * *

Ông Nguyễn Văn Tám, Bí thư chi bộ ấp, cho biết: “Chúng tôi sẽ thành lập một số quỹ hùn vốn ở các đoàn thể. Đồng thời củng cố lại các CLB văn - thể - mỹ tạo điều kiện cho bà con có nơi vui chơi, giải trí”. Với truyền thống giữ gìn tình nghĩa xóm giềng sâu nặng với ý thức giữ gìn nếp sống văn hóa của bà con Tân Hưng sẽ tô đậm thêm nét đẹp của làng quê.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết