16/11/2022 - 08:16

Nơi hội tụ những tấm lòng 

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Hơn 5 năm qua, Phòng Chẩn trị y học cổ truyền nhân đạo ở khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, vẫn đều đặn khám bệnh, bốc thuốc cứu người. Phòng khám bệnh miễn phí này còn là nơi hội tụ của những tấm lòng từ tâm, làm thiện nguyện với mong muốn “Lá lành đùm lá rách”.

Ông Tám kiểm tra lượng thuốc ở phòng thuốc nam.

Thật ra, trước đây trên địa bàn phường Thới An có địa điểm khám bệnh, hốt thuốc từ thiện ở một ngôi chùa. Nhưng do chùa sửa chữa, nâng cấp nên phòng khám không có chỗ hoạt động. Không đành nhìn bà con bị bệnh, nhất là người nghèo, gặp khó khăn, một nhóm lão nông tri điền ở địa phương đã dang tay gánh vác.

Ông Trần Hữu Quyền (Út Quyền) đã cho mượn đất, trên đất có sẵn ngôi nhà cũ không người ở để làm phòng khám. Ban Ðiều hành phòng khám được thành lập, với những người tiên phong như ông Hai Ri (Trần Văn Ri, 64 tuổi), ông Tám (Lê Văn Tám, 69 tuổi)... Dần dà, có gần chục người tham gia Ban Ðiều hành để quán xuyến việc hoạt động. Vậy là phòng khám thiện nguyện hoạt động suốt hơn 5 năm qua. Hàng ngàn trường hợp đã được khám và điều trị, hoàn toàn miễn phí. Chẳng những vậy, với bà con có nhu cầu dùng cơm vì hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa kịp ăn khi đến khám bệnh, phòng khám lại mời cơm mọi người, theo kiểu “có gì dùng nấy”, như người trong nhà vậy.

Ông Lê Văn Tám, Phó Ban Ðiều hành phòng khám, cho biết: Hiện tại, Phòng khám bệnh cho bà con vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu hằng tuần, từ 7 giờ sáng tới khi hết bệnh nhân thì thôi. Phòng khám mời các lương y giỏi nghề ở quận Ninh Kiều, huyện Thới Lai về thăm khám cho bà con. Mỗi ngày có khoảng 50 người đến khám bệnh, chủ yếu là châm cứu, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng vận động sau tai biến.

Ðể có thuốc nam điều trị bệnh cho bà con, phòng khám có hẳn một “biệt đội” chuyên săn tìm cây thuốc để về chặt, phơi, bào chế. Ngoài địa bàn TP Cần Thơ, “biệt đội” này còn đi nhiều địa phương ở ÐBSCL, Ðông Nam Bộ để có đủ số lượng và loại thuốc, đáp ứng yêu cầu điều trị. Nhiều người biết được phòng khám thiện nguyện này cũng tình nguyện đi tìm cây thuốc mang đến góp công, làm phước. Ông Tám nói, nặng lo nhất là tiền kim, tiền điện châm cứu, mỗi tháng các thành viên trong Ban Ðiều hành đều phải bỏ tiền túi góp vào từ 2 triệu đồng trở lên để duy trì hoạt động của phòng khám. Những lão nông tri điền thu nhập từ ruộng, vườn chẳng đáng là bao nhưng không tiếc tiền vì chuyện thiện nguyện. Khi chúng tôi hỏi về điều này, ông Tám cười khà khà: “Giúp người mà tiếc gì cháu!”.

Không giống như nhiều nơi khác, ở phòng thuốc nam này không có “thùng từ thiện” hay “thùng phước thiện”. Các cô chú trong Ban Ðiều hành lý giải rằng, đặt thùng như vậy, dù rằng là không bắt buộc, tùy lòng hảo tâm, nhưng ai không có tiền sẽ khó tránh khỏi áy náy, bất an khi mình không khả năng đóng góp. “Ai có khả năng thì liên hệ Ban Ðiều hành để đóng góp, có ghi sổ sách đàng hoàng, ai không có cũng không sao. Mọi bệnh nhân đến đây đều bình đẳng, đều là người nhà dưới mái nhà chung thiện nguyện” - ông Tám nói.

Qua hơn 5 năm hoạt động, phòng khám thiện nguyện ở Thới An đã cứu giúp không biết bao nhiêu mảnh đời. Ðó còn là khoảng thời gian ghi nhận sự chung lòng, chung sức của những tấm lòng thiện nguyện, vì sức khỏe của đồng bào, vì bà con nghèo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ông Phạm Văn Chúc, thành viên Ban Ðiều hành phòng khám, cho biết: “Nhiều bà con nghèo đến đây thấy khổ lắm, trong túi không tiền, không dám ăn uống gì. Những trường hợp đó chúng tôi lại bỏ tiền túi để “có chút gọi là” động viên bà con”.

Ông Nguyễn Thanh Thảo năm nay 60 tuổi, ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp, sau cơn tai biến mạch máu não cách đây 2 tháng may mắn qua khỏi nhưng di chứng để lại khiến ông bị liệt tứ chi, nói chuyện khó. Biết được phòng khám này, sau khi điều trị ở bệnh viện, ông Thảo được vợ là bà Hà Thị Ánh Tuyết, đưa đến để tập vật lý trị liệu, châm cứu phục hồi vận động. Sau hơn 3 tuần điều trị, ông Thảo có thể tự đứng lên, ngồi xuống, đôi tay có thể nắm chắc đồ vật và nói chuyện dần lưu loát. Ông Thảo nói: “Nhờ châm cứu, tập luyện mà bệnh tình tôi giảm thấy rõ. Mừng quá, biết ơn các anh ở phòng khám nhiều lắm”.

Xúc động hơn, thấy vợ chồng bà Tuyết lớn tuổi, nhà xa, “qua sông lụy đò” nên Ban Ðiều hành cho vợ chồng bà tá túc tại phòng khám để tiện việc chữa trị bệnh. Bà Tuyết nghẹn lời: “Ơn nghĩa này tôi mang ơn biết chừng nào!”. Tranh thủ rảnh, bà Tuyết lại phụ tiếp phòng khám chặt, phơi thuốc nam; nấu cơm cho lương y, bệnh nhân có nhu cầu ăn...

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hai Ri, ông Tám... đều kể về niềm vui khi được giúp đời, khi thấy bà con khỏi bệnh. Các ông ít nói về khó khăn, mà chỉ nghĩ cách nào để phòng khám được duy trì lâu dài, phục vụ bà con tốt hơn. Ông Lê Văn Tám nói: “Hễ tháng nào phòng khám hụt tiền thì anh em tôi bỏ ra. Tháng này anh Hai bù, thì tháng sau tới tôi, rồi tới người khác... xoay vòng. Lo gì, cần nhất là có lòng”.

Ông Hà Văn Thêm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thới An, cho biết: Sau nhiều năm hoạt động, Phòng Chẩn trị y học cổ truyền là địa chỉ nhân đạo ý nghĩa ở địa phương. Các thành viên Ban Ðiều hành luôn hết lòng vì bà con bệnh nhân. Ðịa phương rất trân trọng và quan tâm hỗ trợ để phòng khám duy trì hoạt động lâu dài.

Trân quý thay những lão nông tri điền quê hương Thới An dốc tâm hành thiện, giúp người, lan tỏa lối sống đẹp...

Chia sẻ bài viết