15/06/2016 - 19:41

Nỗ lực vì hàng Việt

Hàng Việt đang có mặt ở sân chơi thương mại lớn khi tham gia các Hiệp định thương mại thế giới. Nhằm hỗ trợ cho thương hiệu Việt tránh bị lép vế ngay trên sân nhà trước "sức ép" của hàng hóa ngoại nhập, các nhà bán lẻ hiện đại (hệ thống siêu thị) đã nỗ lực, góp sức làm cầu nối đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng (NTD).

Giúp sức cho hàng Việt

Đầu tháng 6-2016, LOTTE Mart Việt Nam (LOTTE Mart) và các nhà cung cấp tỉnh Khánh Hòa chính thức ký kết hợp tác thương mại cùng một số đại diện doanh nghiệp tại Khánh Hòa. Ông Trần Văn Chúc, Giám đốc thu mua ngành hàng Thực phẩm tươi sống, LOTTE Mart, khẳng định: "Việc ký kết hợp tác này nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương có cơ hội hợp tác, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường tiêu thụ với doanh nghiệp bán lẻ. Chính sách của LOTTE Mart là luôn ưu tiên thu mua các sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng hưởng ứng cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng như khuyến khích thu mua các sản phẩm địa phương, vùng miền, sản phẩm truyền thống để đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt nhất". Được biết đến là đơn vị "nhập ngoại" nhưng tại hệ thống siêu thị LOTTE Mart, luôn dành khu vực chuyên kinh doanh các sản phẩm địa phương. Tùy theo mỗi địa phương mà LOTTE Mart sẽ ưu tiên sản phẩm đặc trưng vùng miền cho địa phương đó. Chẳng hạn tại LOTTE Mart Cần Thơ, quầy hàng địa phương phần lớn là các sản phẩm đặc trưng của TP Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Là một thương hiệu thuần Việt, hệ thống siêu thị Co.opmart ngay từ những ngày đầu thành lập đã nhận thấy sứ mệnh lịch sử "làm cầu nối và là người bạn đồng hành của hàng Việt với người tiêu dùng Việt"  và quyết định lựa chọn con đường: Co.opmart là siêu thị kinh doanh hàng Việt, là nhà phân phối thuần Việt. Trong suốt quá trình hơn 20 năm hoạt động Co.opmart đã xây dựng, thực hiện và phát triển chiến lược "nội địa hóa" nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. Sự cụ thể hóa của chiến lược "nội địa hóa" thành các chính sách hỗ trợ của Co.opmart dành cho các doanh nghiệp Việt. Đó là, ưu tiên các doanh nghiệp hàng Việt trong chính sách mua hàng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp là nhà sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Tiêu chí "sản phẩm đạt tiêu chuẩn HVNCLC" được đưa vào chính sách chất lượng khi thực hiện chọn lọc hàng hóa đưa vào kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Đặc biệt, tích cực hưởng ứng chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" với trung bình hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động mỗi năm tới phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, cư dân trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Những mặt hàng mang đi phục vụ bà con là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của các doanh nghiệp trong nước với mức giảm giá giảm từ 10 – 50%. Với các nhà sản xuất trong nước uy tín, hàng hóa chất lượng, nguồn cung cấp ổn định, Co.opmart hợp tác để phát triển hàng nhãn riêng Co.opmart với mục đích vừa đa dạng hàng hóa cho khách hàng lựa chọn vừa hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng sản lượng, tối ưu hóa công suất, máy móc, thiết bị và qui trình công nghệ nhằm đạt hiệu quả sản xuất cao nhất. Đồng thời, đầu tư hoặc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tiếp cận với các công nghệ mới để các giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và sẽ là cầu nối thông tin từ phía NTD truyền ngược lại các nhà sản xuất để các doanh nghiệp trong nước nắm được thông tin, có định hướng cải tiến, phát triển sản phẩm nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng cũng như bắt kịp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bằng việc "bền bỉ" với chiến lược "nội địa hóa", từ những tỷ lệ khiêm tốn ban đầu, đến nay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng 90 - 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại Co.opmart.

Xúc tiến thương mại cũng là cách để đưa hàng Việt đến gần hơn với NTD. Trong ảnh: Hoạt động quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. 

Cũng trong tháng 6 này, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 doanh nghiệp Việt tham gia chương trình "Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa". Có hơn 140 doanh nghiệp ký kết với Vingroup thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi đến từ 18 tỉnh, thành phố. Theo đó, trong vòng 1 năm (từ 1-6-2016 đến 1-6-2017) các doanh nghiệp đã ký kết sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của tập đoàn với các ưu đãi hợp lý. Với các doanh nghiệp chuyên cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%. Các doanh nghiệp được hỗ trợ về phân phối trên hệ thống Vinmart và Vinmart+ cam kết sẽ sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nâng chất để thuyết phục NTD

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood) cho biết: "Bảo vệ sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan tâm hàng đầu của Saigon Co.op, do đó, đơn vị đã không ngừng nghiên cứu tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp có năng lực, uy tín và cùng chí hướng trong việc sản xuất và cung ứng hàng hóa ngày càng chất lượng hơn, an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam". Theo ông Kiên, Saigon Co.op sẽ chủ động liên kết hợp tác, ứng vốn, phối hợp cùng các nhà cung cấp chiến lược tiếp thị sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đến khách hàng trên toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Riêng tại mỗi siêu thị, Saigon Co.op sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. Saigon Co.op đã có tổng cộng tất cả 180 điểm bán hàng nhu yếu phẩm đạt chuẩn an toàn và thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAP nhãn xanh bao gồm hệ thống 82 siêu thị Co.opmart, 2 Co.opXtra và 96 cửa hàng thực phẩm Co.opFood. Ngoài ra, trong tương lai gần, Saigon Co.op sẽ phát triển mô hình bán lẻ phân khúc cao cấp rất phù hợp với các sản phẩm hữu cơ. Mức tiêu thụ trung bình của hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang ở mức 2.750 tấn rau củ quả, 420 tấn thịt gia cầm, 770 tấn thịt gia súc và 7,7 triệu quả trứng an toàn mỗi tháng. Đây sẽ là kênh phân phối sản phẩm nông sản hữu cơ hiệu quả đến tay NTD.

Bên cạnh việc hỗ trợ mạnh mẽ về mạng lưới phân phối, 140 doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Vingroup nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ được Vingroup hỗ trợ về công nghệ, quản trị, hệ thống kiểm soát chất lượng, công tác marketing bán hàng. Đặc biệt, thông qua liên danh liên kết dưới thương hiệu VinEco (với hàng thực phẩm) hoặc Vinmart (với hàng tiêu dùng), một số doanh nghiệp sẽ được Vingroup nhận kiểm soát chất lượng và bao tiêu sản phẩm. Cũng theo Chương trình, Vingroup tham gia góp vốn cho một số doanh nghiệp có nhu cầu để tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tiến tới tạo ra được các thương hiệu mạnh, có tầm quốc gia và tiến tới là tầm quốc tế. Với mục tiêu vì sự an toàn và sức khỏe cộng đồng, song song với việc ký kết đưa thực phẩm sạch vào siêu thị, Tập đoàn Vingroup đã đầu tư 16 phòng thí nghiệm (Lab) tại địa phương có hệ thống siêu thị Vinmart. Cùng với 2 phòng Lab lớn và hiện đại tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chuỗi phòng Lab tại các địa phương này sẽ kiểm soát vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm cho toàn bộ sản  phẩm tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+.

Đặc tính của kênh bán lẻ hiện đại so với truyền thống chính là nhà sản xuất phải đầu tư một cách xuyên suốt từ đầu vào đến đầu ra và các hoạt động trong và sau bán hàng. Đây cũng là quy luật tất yếu bởi vì so với bán lẻ truyền thống, để tiếp cận khách hàng của kênh bán lẻ hiện đại thì cả nhà sản xuất và phân phối đều phải sử dụng công cụ và phương pháp tiếp thị tiên tiến mới mong mang lại hiệu quả. Bởi tại siêu thị, hàng hóa đòi hỏi về chất lượng và dịch vụ kèm theo đều cao hơn. Ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm LOTTE Mart, khẳng định: "Với mục tiêu sở hữu 60 siêu thị trên toàn quốc vào năm 2020 và tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ hàng đầu, LOTTE Mart cam kết sẽ tiếp tục gắn kết và hỗ trợ doanh nghiệp Việt, nhất là các nhà sản xuất địa phương. Đồng thời, LOTTE Mart cũng sẽ dành nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất địa phương mong muốn hợp tác, cùng LOTTE Mart phát triển các sản phẩm nhãn hàng riêng của siêu thị ".

Bài, ảnh: Nam Hương

Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân:
Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

 

Thực tế hiện nay, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tại Việt Nam chưa sát với thực tế. Nguồn nguyên liệu có nhưng chúng ta chưa phát huy tốt tiềm lực của mình để xây dựng thế mạnh cạnh tranh, chưa làm tốt việc gia tăng giá trị của sản phẩm. Do vậy, nhiều mặt hàng Việt còn kém thế cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay tại thị trường Việt. Để cạnh tranh trên thị trường, chúng ta không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu kêu gọi "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà hàng Việt cần chú trọng 4 điểm: cần cải tiến chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, đầu tư thiết bị sản xuất chất lượng cao bởi máy móc, thiết bị sản xuất tốt sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng sức mạnh cạnh tranh hàng hóa trên thị trường; nhà cung ứng cần đảm bảo uy tín, thực hiện đúng tiến độ hợp đồng và đặc biệt chú trọng, làm tốt công tác xúc tiến thương mại.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao:
Hàng Việt cần phải đáp ứng được tiêu chuẩn nghiêm khắc trên thị trường

 

Trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay trên "sân nhà". Do vậy sản xuất hàng hóa đòi hỏi các yếu tố về an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chế biến cần phải đạt độ an toàn, công nghệ sản xuất cao để có sản phẩm hấp dẫn với NTD và đặc biệt là đáp ứng được tiêu chuẩn nghiêm khắc trên thị trường cạnh tranh. Qua 20 năm hoạt động, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã xây dựng bộ tiêu chuẩn xác nhận hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng theo hình thức "mềm", đó là thông qua phương pháp điều tra xã hội học. Nhưng hiện nay Hội đang xây dựng thêm bộ tiêu chuẩn "cứng" xác định hàng Việt Nam chất lượng cao, đặc biệt đối với thực phẩm, các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Như vậy hàng hóa sẽ hội đủ cả điều kiện cần và đủ để cho các nhà phân phối và NTD an tâm khi kinh doanh và sử dụng sản phẩm Việt.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op:
Hàng hóa phải có chất lượng ổn định

 

Để sản phẩm có thể xâm nhập vào kênh phân phối hiện đại, có 3 điểm cơ bản nhất mà các doanh nghiệp cần phải đáp ứng. Đầu tiên và quan trọng nhất là hàng hóa phải có chất lượng ổn định, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Tiếp đến, các doanh nghiệp phải đảm bảo được các điều kiện cung ứng vì nếu hàng vào siêu thị rồi mà không tới được điểm bán thì cơ hội bán hàng cũng sẽ mất đi. Cuối cùng là hàng hóa muốn vào siêu thị phải phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng bởi cùng một mặt hàng, cùng một chất lượng nhưng các sản phẩm có tính độc đáo sẽ luôn được ưu tiên.

Cô Nguyễn Hồng Sương, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ:
Hàng Việt cần xây dựng chuỗi cung ứng tốt

 

Trong gia đình tôi hàng Việt chiếm ưu thế. Từ các loại đồ dùng, hàng công nghệ đến thực phẩm tôi luôn ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong lựa chọn hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm tôi chỉ tin tưởng ở một số nhãn hàng nhất định, chẳng hạn như các sản phẩm đường Biên Hòa… Thiết nghĩ, cùng với việc nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất, đặc biệt là các đơn vị sản xuất, cần quan tâm đến việc xây dựng chuỗi cung ứng, hạn chế các khâu trung gian để tránh trường hợp bị các nhà cung cấp, nhà phân phối trà trộn hàng kém chất lượng, đánh mất niềm tin khách hàng.

N.H

Chia sẻ bài viết